Nghệ sĩ trẻ làm mới tranh dân gian

Công chúng tìm hiểu dự án Họa sắc Việt của Trịnh Thu Trang tại triển lãm Tranh Hàng Trống - Những điều xưa cũ mới mẻ. Ảnh: Hương Xuân.
Công chúng tìm hiểu dự án Họa sắc Việt của Trịnh Thu Trang tại triển lãm Tranh Hàng Trống - Những điều xưa cũ mới mẻ. Ảnh: Hương Xuân.
TP - Không hẹn mà gặp, một số nghệ sĩ trẻ tại Hà Nội đang nỗ lực làm sống lại tranh dân gian. Mỗi người có một cách đưa tranh dân gian vào đời sống theo cách riêng nhưng đều dựa trên sự say mê đến ngỡ ngàng trước vẻ đẹp có nguy cơ thất truyền của dòng tranh này.

Tôn vinh cái đẹp hơn là hoài cổ

Tưởng chừng bạn trẻ ngày nay biết rất ít về các dòng tranh dân gian thì hóa ra các sự kiện liên quan đến tranh dân gian mới đây thu hút rất đông công chúng tham gia, đặc biệt là các bạn trẻ. Đó là triển lãm Tranh Hàng Trống - Những điều xưa cũ mới mẻ đang diễn ra tại Hà Nội và dự án Họa sắc Việt của nghệ sĩ Trịnh Thu Trang - giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội, cùng dự án Vẽ lại tranh dân gian của nghệ sĩ 9X Nguyễn Xuân Lam.

Nguyễn Xuân Lam trở thành cái tên khá “hot” không chỉ trong giới mỹ thuật mà còn trong cộng đồng khi dự án Vẽ lại tranh dân gian của anh gây sửng sốt. Không ai nghĩ những bức tranh dân gian xưa cũ quen thuộc kia lại có thể sống động nhường ấy trong một diện mạo mới, qua bàn tay tài hoa của một nghệ sĩ với tuổi đời còn rất trẻ.

Nghệ sĩ trẻ làm mới tranh dân gian ảnh 1 Các bạn trẻ hứng thú với sản phẩm thời trang in tranh dân gian được Xuân Lam vẽ lại.

Xuân Lam thừa nhận mình là người hoài cổ. Nhưng với dự án Vẽ lại tranh dân gian, anh không làm với tâm tư hoài tiếc cái cũ mà vì dưới con mắt của một người làm mỹ thuật, Lam nhận thấy những bức tranh dân gian có tạo hình rất đẹp, “thật sự rất đáng để xem”. Trong một lần gặp gỡ tình cờ với những bức tranh dân gian được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật năm 2016, Xuân Lam sững sờ nhận ra tranh dân gian đẹp quá chứ không hề cũ kỹ như anh vẫn tưởng. Nhưng do công nghệ in thô sơ qua thời gian làm khuyết thiếu nhiều phần của bức tranh, màu sắc cũng không thật bắt mắt nên không níu mắt được người xem đương đại. Vì vậy, công chúng ngày nay dễ dàng đi qua những bức tranh dân gian. Nhưng Xuân Lam đảm bảo rằng nếu một lần đến xem bức Ngũ hổ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thì chắc chắn rằng người xem sẽ thấy nó rất đáng để xem.

Sau lần đó, Xuân Lam bắt tay vào dự án Vẽ lại tranh dân gian khi đang chuẩn bị tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Bận rộn với việc học hành thi cử, rồi công việc mưu sinh, Lam dành những buổi tối và ngày nghỉ cho niềm say mê tranh dân gian của mình. Quan điểm của Lam: vẽ lại tranh dân gian không phải để thay thế bản gốc mà muốn giới thiệu tới công chúng một góc nhìn mới “như một công nghệ nhân làm một phiên bản khác cho bức tranh dân gian truyền thống”.

Còn Thu Trang yêu thích và sưu tập Hàng Trống từ 2013. Xem tranh thật rồi lại được tiếp xúc với nghệ nhân làm tranh, nghe nghệ nhân nói về tranh nữa, Trang càng nhận ra rằng “tranh Hàng Trống quá đẹp”. Nhưng tìm hiểu tranh Hàng Trống với nhà nghiên cứu mỹ thuật dân gian Phan Ngọc Khuê, nghệ nhân làm tranh dân gian Hàng Trống cuối cùng - Lê Đình Nghiên, Trang bàng hoàng nhận ra tranh dân gian có nguy cơ thất truyền rất cao.

Nung nấu ý định làm một dự án sống lại tranh Hàng Trống, Trang bắt tay vào dự án Hòa sắc Việt cùng nhóm S.River. Họa sắc Việt là sách chuyên ngành dành cho sinh viên và người làm thiết kế, mỹ thuật và người yêu mến, muốn tìm hiểu về mỹ thuật dân gian. Sách cung cấp kho tư liệu các họa tiết tranh Hàng Trống được làm lại trẻ trung, hiện đại hơn. Đây là dự án đầu tiên cung cấp tư liệu về màu sắc, họa tiết của dòng tranh dân gian Hàng Trống để ứng dụng vào thiết kế hiện đại.

 Cộng đồng góp sức cùng nghệ sĩ

Mong mỏi của Trang nhận được nhiều sự đồng cảm từ cộng đồng. Cuốn Họa sắc Việt sau khi bị rất nhiều nhà in từ chối hợp tác vì lo sách “ế” đã được chính cộng đồng gom tiền in sách. Thu Trang cho biết, để đủ chi phí in ấn và phát hành Họa sắc Việt, nhóm S.River đã tổ chức gây quỹ cộng đồng. Kết quả, tính đến thời điểm này, 185 triệu đồng đã được cộng đồng đóng góp để in, phát hành sách.

Nguyễn Xuân Lam không “cô đơn” trong hành trình Vẽ lại tranh dân gian của mình. Các bức tranh dân gian của Lam sau cuộc triển lãm đầu tiên hồi giữa năm 2017 được một công ty đưa vào các thiết kế thời trang, bưu thiếp, phong bao lì xì, đưa chúng thâm nhập sâu vào đời sống.

Xuân Lam tin giá trị thật sẽ không dễ mất đi. Tác phẩm vẽ lại bức tranh Hàng Trống Múa rồng của anh vừa được chọn vào dự án bích họa phố Phùng Hưng. Lam lựa chọn hình thức một bức phù điêu cho tác phẩm của mình như là một ẩn dụ về sự tồn tại vững bền của tranh dân gian.

MỚI - NÓNG