Nghị lực phi thường của chàng trai Vân Kiều

Nghị lực phi thường của chàng trai Vân Kiều
TP- Liệt cả đôi chân từ lúc còn thơ, nhưng nghị lực phi thường đã giúp Hồ Văn Long là người dân tộc Vân Kiều đầu tiên ở vùng “Đất Lửa”Quảng Trị thi đỗ vào khoa Công nghệ thông tin trường Cao đẳng Sư phạm của tỉnh.

Ước mơ trở thành một chuyên gia công nghệ thông tin đầu tiên của người Vân Kiều là một thách thức lớn nhưng chàng sinh viên ấy sẽ đạt được.

Cuộc đời của Long là một bức thông điệp gửi tới các bạn tật nguyền rằng, dù khó khăn vất vả đến nhường nào, song tâm hồn tràn đầy nhựa sống với hoài bão và nghị lực lớn thì nhất định sẽ trở thành người có ích cho xã hội. 

Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, một buổi sáng cuối thượng tuần tháng Năm, trước cửa “phòng lép” (tiếng lóng của cánh sinh viên ở đây gọi phòng học vi tính, ngoại ngữ) chót tận tầng ba đập vào mắt chúng tôi hình ảnh là lạ, một chàng thanh niên đang được bạn cõng vào lớp, đi sau là một đồng môn nam hai tay xách 3 miếng gỗ đã được lắp ghép, đẽo gọt đính dây dợ nhùng nhằng. Tò mò hỏi, anh bạn sinh viên cười cười “Đồ nghề của thằng Long đó!”...

Trườn qua những ngọn đồi khi vắng bóng cha

Bản Tả Ri 2, xã Húc ở huyện rẻo cao Hướng Hóa, 24 năm trước, một tai họa âp xuống làm chú bé Long lúc ấy mới tròn 8 tháng tuổi bị liệt đôi chân. Đó là di chứng của bệnh sốt rét.

Từ đấy em chỉ biết lê lết giữa đường bằng hai tay. Nhiều người không khỏi ngân ngấn nước mắt thấy thân hình em luôn trầy xước rớm máu bởi phải trườn lết trên những đoạn đường sỏi đá.

Tả Ri 2, nơi em sinh sống nằm giữa đại ngàn Trường Sơn nhiều khe suối, lắm dốc cao vực thẳm. Ngày lại ngày, em vẫn trườn bò qua các ngọn đồi con suối ấy để hái củi.

Long kể: “Ngó chúng bạn chân tay đầy đủ khỏe mạnh, em buồn lắm! Cha mất lúc em chưa đầy hai tuổi, nhẽ ra em phải sớm trở thành trụ cột chính giúp mẹ, thế mà...

Giọng Long chùng xuống-Chẳng giúp được gì nhiều cho mẹ mà đôi  khi em thành một gánh nặng của gia đình. Nghĩ thế nên nhiều lần em cố gắng vào rừng hái củi, phụ việc giúp mẹ song khổ nỗi hai tay quá yếu, không trụ nổi làm em đang trườn bò trên đỉnh núi bất ngờ tuồn tuột lăn xuống chân núi. Khi hết lăn, đau và tủi thân quá, em ngồi khóc một hồi lâu rồi chùi nước mắt tiếp tục băng rừng bò về nhà”. 

Một hôm, đang trườn ngang qua Nhà Rông bản Tả Ri 2, bất chợt Long nghe được tiếng giảng bài của thầy cô giáo dưới xuôi lên dạy xóa mù. Long bảo :“Lần đầu tiên trong đời em thấy lòng mình xôn xao rạo rực đến lạ! Em muốn được đi học, nhưng rồi tự hỏi thầy cô dạy cái chữ để làm chi, có phải muốn giúp người miền núi sớm thoát khỏi đói nghèo lạc hậu? Thế là em bò tới nhà Trưởng bản xin được đi học”.

Có lẽ quá cảm kích trước sự van nài được học cái chữ của cậu bé tật nguyền, Pả Kơn-Trưởng bản Tả Ri 2 băng rừng lội suối đi xin cho Long theo lớp xóa mù. 11 tuổi, lần đầu tiên Long được đến lớp học cái chữ của Bác Hồ.

Mẹ của Long, bà Hồ Thị Tiên ngó đứa con tàn tật đêm nào cũng bò xuyên rừng đi học mà nước mắt lưng tròng. Một năm sau, dạy xong chương trình, thầy cô giáo xóa mù rời bản về xuôi. Long buồn lắm, lẽ nào ước mơ được đi học cho bằng bạn bè sớm khép lại với em như thế?

Tìm thầy học chữ

Từ nhà Long ở Tả Ri 2 đến trường Tiểu học xã Húc phải bò qua nhiều ngọn đồi mất rất nhiều thời gian. Sau nhiều lần cân nhắc, Long quyết tâm phải tự mình bò đi tìm thầy xin tiếp tục được học cái chữ.

Đêm hôm đó, em giấu mẹ (sợ mẹ không cho) băng rừng bò ra nhà người cậu ruột ở lại. Sáng hôm sau, em tiếp tục bò đến trưa thì gặp thầy giáo Trần Văn Vinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Húc đề đạt nguyện vọng của mình.

Bữa hội nghị ngành giáo dục toàn tỉnh ở thị xã Đông Hà, tình cờ qua thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng-Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Quảng Trị, chúng tôi may mắn gặp Hiệu trưởng Vinh.

Gợi chuyện Long, thầy Vinh xúc động nhớ lại: “Sự hiếu học của cậu bé tàn tật thổi vào tôi một ấn tượng mạnh nên đã đồng ý nhận em vào trường. Lúc này Long quá lớn (đã 12 tuổi), em không thể tiếp tục ngồi học lớp 2. Tôi quyết định kiểm tra trình độ của cậu học sinh đặc biệt này.

Thật bất ngờ, tuy mới học một năm xóa mù ở bản nhưng Long nắm rất vững kiến thức từ lớp 1 đến lớp 4. Tất cả các bài tập em đều làm rất tốt.”. Vậy là, đúng như lời của ông Dũng, Chánh thanh tra, lần đầu tiên trong lịch sử học hành của đồng bào Vân Kiều, có một em học sinh từ lớp 1 được nhà trường đặc cách cho lên thẳng lớp 5. Đó là Hồ Văn Long!

Long không khó lắm để hòa nhập với các bạn trong lớp mới. Kỳ 1 năm đó, em đứng đầu lớp. Giúp Long có thêm điều kiện học tập, thầy Vinh dành một phòng trọ ngay trong trường để em ở lại.

Được chỗ ở song miếng ăn của Long sồi sụt, bữa có bữa không. Khẩu phần ăn của em mỗi tuần vỏn vẹn 10 lon gạo gia đình mang ra. Mà không phải tuần nào cũng đều đặn được mẹ chu cấp như thế.

Mùa mưa về, nước lũ dâng cao trên các triền sông suối, người nhà không mang kịp gạo, nhiều lúc cả tuần Long chỉ sống với... 2 lon gạo. Hôm hết gạo ăn, chẳng còn gì để sống, Long lại được thầy cô giáo trong trường cưu mang, đùm bọc bữa cơm bát cháo ấm lòng.

Một lần, thầy cô giáo trong trường ngỡ em đã bị lũ quét mất tích khi trên đường về thăm mẹ. Năm 1999, Long đang bò qua suối Húc thì bất đồ lũ cuồn cuộn đổ về cuốn trôi em.

Long bị dòng nước sùng sục hung tợn đục ngầu cuốn trôi chừng 200m thì may mắn gặp một cây gỗ bị lũ xô về chắn ngang đoạn suối giờ lênh láng như sông ngăn lại. Long vớ được các nhành lá rồi bình tĩnh bám vào cây gỗ để bò lên bờ. 4 năm trọ học ở trường, Long học xong chương trình lớp 8 (lớp nhô).

Thấy Long trườn bò trên hai chiếc đòn đỡ tay tội nghiệp quá, thầy cô trong trường chạy vạy xin cho Long chiếc xe lăn để em đi lại cho đỡ khổ. Không ngờ có xe lăn rồi đâm rắc rối hơn, bởi xe lăn chỉ đi được đường đồng bằng.

Long quyết định xin về học ở trường THCS thị trấn Cam Lộ để đi lại cho dễ dàng, em lại được thầy Hiệu trưởng Cao Văn Cần thương yêu, không ngừng tạo điều kiện trong học hành.

Ngọn đèn trên đỉnh núi

Lúc về xuôi học lớp 9, được học được tiếp xúc với computer, Long rất đam mê. “Học vi tính chỉ sử dụng đôi tay, trí óc, rất phù hợp với em. Các anh biết không, ngày đêm em ước mơ sẽ gắng học thật giỏi để trở thành một kỹ sư tin học, mai sau trở về bản giúp bà con.

Thế nên Long nở nụ cười vui - Mới lên lớp 10, em đã có trong tay bằng B vi tính. Trước em, chưa có học sinh người Vân Kiều nào thi đỗ chính thức vào chuyên sâu ngành Công nghệ thông tin.

Điều ấy càng hối thúc em vượt lên nỗi đau, cố gắng học”. Thế rồi ước mơ của Long thành hiện thực, em thi đỗ vào khoa Công nghệ thông tin trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị và là người đầu tiên của dân tộc Vân Kiều ở Quảng Trị đậu  ngành học này.

Từ cậu bé tật nguyền trở thành một sinh viên đối với Long là cả một chuỗi cố gắng phi thường, ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Ở môi trường mới em gặp không ít khó khăn để hòa nhập.

Lớp học của Long tận tầng ba. Những ngày đầu mới tựu trường, lên cầu thang Long không dám bò đi trước vì sợ ảnh hưởng đến lối đi của các bạn mà phải chờ bạn mình đi xong rồi mới bò lên lớp.

Giờ thì mọi chuyện đã khác, các bạn trai cùng lớp “trợ giúp” cõng Long lên cầu thang. Hằng ngày vẫn chiếc xe lăn cũ kỹ ấy, Long đều đặn cần mẫn lăn tới trường thực hiện cho bằng được ước mơ của mình.

Cảm phục chàng trai tàn tật nhưng chí lớn hiếm có, một người tốt bụng ở phường 5 thị xã Đông Hà cho em ở trọ ăn học không lấy tiền. Long vẫn biết rằng ở ký túc xá trường thì việc đi lại bớt cực nhọc hơn nhưng với em không thể được.

Sống tập thể lấy gì mà ăn hàng ngày. Đời thường Long thiếu thốn đủ thứ. Thi thoảng làm “chuyên gia”, ráp đi sửa máy tính, Long cũng kiếm được một ít tiền công song chả đáng là bao. Long nói trong nghẹn ngào: “Ở quê nhà mẹ già yếu, lo miếng ăn cho mình đã khó, nói chi chuyện kiếm tiền cho em đi học”.

Ngày rời núi xuống phố trọ học đã mấy năm rồi nhưng dấu vết của các mảnh sẹo do Long bò lết giữa đường vẫn đang hằn sâu, nhăn nhúm ở trên hai bàn tay của em.

Vẫn gương mặt thông minh và đầy tự tin, Long trăn trở: “Em sắp xong năm thứ 2. Đoạn đường phía trước quả gian khó với em. Một sinh viên có sức khỏe tốt, ra trường bươn chải với cuộc sống chẳng dễ chút nào. Người tàn tật như em thì khó khăn càng gấp bội”.

Biết thế nên Long không bao giờ nản chí, cố gắng chịu đựng mọi gian khổ để học, học và... học.

Lúc chia tay chúng tôi, Long bảo: “Em ước sau khi ra trường được trở về huyện nhà Hướng Hóa mở lớp vi tính dạy học cho con em dân tộc Vân Kiều, để cuộc đời những người không may bị tàn tật như em có thêm điều kiện tiếp xúc với công nghệ thông tin, giúp ích cho cuộc sống này”.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.