Ngoài kiên trì, phải có cơ chế

Anh Dương Văn An (trái) tặng quà, trao đổi với thanh niên công nhân Lai Châu tại công trường
Anh Dương Văn An (trái) tặng quà, trao đổi với thanh niên công nhân Lai Châu tại công trường
TP - Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An trao đổi với Tiền Phong xung quanh vấn đề thành lập tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

> Bài 2: Phủ sóng tổ chức Đoàn trong các khu công nghiệp: Làm được không?
> Bài 1: "Cuộc sống đâu chỉ có cơm ăn và áo mặc"...

Vì sao việc thành lập tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh lại trở nên khó khăn trong bối cảnh hiện nay, thưa anh?

Về vấn đề này, chúng ta phải thấy rằng: Tất cả các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp… tiếp cận doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh đều khó. Không những thế, ngay cả khu vực trường học có yếu tố nước ngoài cũng vậy. Họ đào tạo từ cấp 1,2,3 đến đại học, thạc sỹ, thế nhưng số lượng trường có tổ chức Đoàn, Hội, Đội còn rất ít.

Nguyên nhân của thực trạng trên do nhiều yếu tố trong đó có cơ sở pháp lý và chế tài. Luật Doanh nghiệp (2005) quy định “Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và theo Điều lệ của tổ chức mình phù hợp với quy định của pháp luật”, “Doanh nghiệp có nghĩa vụ tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động thành lập và tham gia hoạt động trong các tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này” nhưng chưa có chế tài xử lý đối với các DN không tạo điều kiện cho việc thành lập các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội.

Về vấn đề này, hiện nay các cơ quan T.Ư đang nghiên cứu, xây dựng đề án ban hành khuôn khổ pháp lý để thành lập các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Ngoài ra, một phần thuộc về nhận thức của một số chủ DN. Họ cho rằng, việc có tổ chức Đoàn hay không là không cần thiết, thậm chí sinh ra Đoàn, Hội lại tốn thêm một khoản kinh phí để duy trì hoạt động. Có chủ DN lại nghĩ tổ chức Đoàn, Hội là để bảo vệ quyền lợi của ĐVTN nên “đối lập” với lợi ích của DN.

Một số DN cho rằng, Đoàn Thanh niên chưa mang lại lợi ích thiết thực cho họ. Đây có vẻ là nguyên nhân chính cản trở việc thành lập các tổ chức Đoàn trong DN ngoài quốc doanh, thưa anh?

Đó là cách nhìn phiến diện. Thực tiễn cho thấy, bất cứ đối tượng nào khi có yếu tố cộng đồng, tất yếu phải có yếu tố lãnh đạo; nếu cộng đồng công nhân trẻ trong DN được một đoàn thể lãnh đạo, tổ chức, dẫn dắt thì sẽ quy củ và hiệu quả hơn trong việc tạo ra khối đoàn kết, thống nhất để đẩy mạnh sản xuất, phát huy sáng kiến, sáng tạo, giải quyết những vấn đề về tinh thần, tránh các vấn đề tiêu cực nảy sinh.

Ví dụ, khi cần tăng tiến độ sản xuất để kịp giao hàng, nếu chủ DN yêu cầu kéo thêm thời gian lao động, công nhân sẽ coi đó là vi phạm Luật Lao động, hoặc chủ DN phải trả thêm tiền làm ngoài giờ.

Nhưng nếu giao cho Đoàn Thanh niên phát động phong trào thi đua, như Làm hết việc chứ không hết giờ, coi đó là công trình thanh niên thì họ sẵn sàng vào làm việc hăng say, nhiệt tình và tự hào về đóng góp của mình cho phong trào chung.

Hoặc khi Đoàn phát động phong trào Sáng tạo trẻ, sẽ kích thích niềm đam mê sáng tạo trong công nhân. Và khi có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật hay đề tài khoa học có giá trị, DN được lợi hơn rất nhiều.

Ngoài ra, DN nào cũng cần đến yếu tố maketting. Hoạt động của Đoàn ngoài khuôn khổ nhà máy cũng là hình thức xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho DN, nhãn hàng.

Cái được nữa là yếu tố tinh thần. Ngoài giờ làm việc, công nhân cần có đời sống tinh thần thoải mái, cần được vui chơi, giải trí, cần có nhu cầu kết giao, cần được động viên, chia sẻ lúc ốm đau… giải quyết vấn đề đó cũng là góp phần tái tạo sức lao động cho công nhân. Đoàn Thanh niên đang là tổ chức làm tốt việc này.

Như vậy, điều cốt lõi ở đây, muốn thành lập tổ chức Đoàn trong DN, bản thân Đoàn Thanh niên cũng phải thực sự cho DN thấy được tác dụng của tổ chức và hiệu quả từ các phong trào của mình.

Thực tế cho thấy, hiện nay có nhiều tổ chức Đoàn trong DN ngoài quốc doanh, kể cả DN 100% vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động rất hiệu quả và khẳng định được vị trí của mình.

Không chỉ phía DN, mà một bộ phận công nhân cũng cho rằng các hoạt động của Đoàn còn nặng hình thức, chưa mang lại lợi ích sát sườn cho họ? Anh nghĩ sao?

Nói Đoàn không đem lại lợi ích thiết thực cho thanh niên là không đúng. Bản chất của tổ chức Đoàn là mang lại quyền và lợi ích chính đáng cho ĐVTN; nơi nào chưa mang lại những điều đó thì đó là nơi tổ chức Đoàn yếu kém hoặc DN không tạo điều kiện cho Đoàn hoạt động.

T.Ư Đoàn nhiều năm nay đã có chủ trương quan tâm đáp ứng các nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần cho TN công nhân qua việc chỉ đạo tổ chức các hoạt động như: Ngày hội thanh niên công nhân, ngày đoàn viên ở những nơi có đoàn viên nhưng chưa có tổ chức Đoàn; thành lập các chi đoàn, chi hội nhà trọ; đầu tư xây dựng các trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân, trao giải thưởng “người thợ trẻ giỏi” …

Một khi tổ chức Đoàn hoạt động hiệu quả, góp phần làm gia tăng lợi nhuận, nâng cao chất lượng nhân lực cho DN thì không cần vận động, thuyết phục, chủ DN cũng sẽ tìm đến với Đoàn để đặt vấn đề thành lập và duy trì hoạt động Đoàn trong đơn vị của mình.

Đoàn Thanh niên những tỉnh, thành có nhiều thanh niên công nhân như Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Dương, Vĩnh Phúc… đã có những chương trình hoạt động hiệu quả như: tổ chức đám cưới tập thể cho thanh niên công nhân, vận động chủ nhà trọ nơi công nhân sinh sống cam kết không tăng giá phòng, giá điện nước, tạo môi trường sống văn hóa, đoàn kết, thân ái; thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ thanh niên công nhân lúc ốm đau, bệnh tật; tổ chức các hoạt động tư vấn về sức khỏe sinh sản, tình bạn, tình yêu, hôn nhân gia đình, khám chữa bệnh miễn phí; tổ chức các hoạt động du khảo, dã ngoại, tham quan du lịch, bán hàng giảm giá; tổ chức những chuyến xe giá rẻ, tặng vé tàu xe cho thanh niên công nhân về quê ăn Tết hoặc các chương trình “Ngày Tết xa nhà”, “Tết xa quê”...

Các hoạt động nêu trên luôn thu hút đông đảo thanh niên công nhân tham gia. Tuy nhiên, lực lượng thanh niên công nhân đang ngày càng nhiều hơn (ví dụ như ở Bình Dương, có hơn nửa triệu thanh niên công nhân nhập cư), nhưng khả năng đáp ứng của Đoàn chưa nhiều, chưa lan tỏa rộng rãi nên hiệu quả còn hạn chế.

Là cán bộ lãnh đạo của Đoàn, anh có giải pháp, ý tưởng gì để đẩy mạnh hơn nữa việc thành lập tổ chức Đoàn trong DN ngoài quốc doanh được hiệu quả?

Trước tiên, phải kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật để có các căn cứ pháp lý rõ ràng hơn cho việc thành lập các tổ chức chính trị - xã hội trong DN ngoài quốc doanh.

Được sinh hoạt trong một tổ chức của thanh niên là nhu cầu tự thân của TN. Họ không thể đang ở địa phương được sinh hoạt trong tổ chức Đoàn thể, khi vào DN lại mất quyền đó.

Tiếp đó, cán bộ Đoàn phải kiên trì thuyết phục, làm sao cho DN thấy lợi ích thiết thực khi thành lập tổ chức Đoàn.

Trước mắt, khi chưa “thâm nhập” được vào DN, chúng ta cần tăng cường các hoạt động “ngoài hàng rào” của DN như tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, các ngày hội thanh niên công nhân, thành lập chi hội, chi đoàn nhà trọ, lấy địa bàn cư trú của công nhân làm cơ sở để tổ chức hoạt động.

Và, khi làm cần có lộ trình, lựa chọn DN phù hợp, theo hướng đơn vị dễ triển khai trước, đơn vị khó kiên trì thực hiện từng bước; xây dựng kết hợp với hỗ trợ hướng dẫn, giúp đỡ tổ chức Đoàn nâng cao chất lượng hoạt động để khẳng định uy tín của mình. Chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng.

Việc không kém quan trọng cần thực hiện tiếp theo là tổ chức các hoạt động phong trào, hoạt động xã hội gắn với Marketting thương hiệu, sản phẩm của DN.

Đoàn trong DN có thể đăng ký với lãnh đạo DN sử dụng các sản phẩm phụ, hư hỏng, kém chất lượng để tái chế, làm thành các sản phẩm tốt để tặng người nghèo và xem đây là công trình thanh niên; thông qua đó giới thiệu sản phẩm, thương hiệu của DN đến cộng đồng...

Qua các hoạt động trên, lãnh đạo DN sẽ thấy được vai trò của tổ chức Đoàn trong thúc đẩy nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN. Từ đó, họ sẽ quan tâm đầu tư để xây dựng, phát triển tổ chức Đoàn trong DN của mình.

Cảm ơn anh!

Phải kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật để có các căn cứ pháp lý rõ ràng hơn cho việc thành lập các tổ chức chính trị xã hội trong DN ngoài quốc doanh. Được sinh hoạt trong một tổ chức của thanh niên là nhu cầu tự thân của thanh niên. Họ không thể đang ở địa phương được sinh hoạt trong tổ chức Đoàn thể, khi vào DN lại mất quyền đó. Cán bộ Đoàn phải kiên trì thuyết phục, làm sao cho DN thấy lợi ích thiết thực khi thành lập tổ chức Đoàn.

 

Quỳnh Lam – Nguyễn Hà
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.