Ngòi bút bừng thức giới trẻ

Ngòi bút bừng thức giới trẻ
TP - Mỗi bài viết một chuyện đời, số phận có thực, tạo nên sự lay động, thức tỉnh giới trẻ tránh xa HIV/AIDS, nhưng không ghẻ lạnh người có H.

> Phòng chống HIV/AIDS theo cách người trẻ
> Nhiều hoạt động hướng đến Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS

TS Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ trao giải nhất cho các tác giả
TS Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ trao giải nhất cho các tác giả .

Cậu học trò lớp 11 trường THPT Phạm Thái Bường (TP Trà Vinh) Đặng Đăng Khoa giành giải nhất Cuộc thi viết về đề tài phòng, chống HIV/AIDS cho thanh niên khi hóa thân làm người có H để nói tiếng nói người trong cuộc. Khoa tâm sự: “Em tự hỏi những người mang trong mình căn bệnh thế kỷ sống ra sao, nghĩ gì về cuộc sống? Họ đáng thương hay đáng trách?...”.

Khoa lên Internet, đọc sách báo để tìm hiểu đời sống của họ. Rung cảm, cậu hóa thân là người có H rồi viết lên những tâm sự về tình yêu, gia đình, công việc…

“Lúc thực sự đặt mình vào vị trí của người có H cảm giác sợ hãi kinh khủng lắm, nhưng khát khao được sống bình đẳng, được yêu thương cũng mạnh mẽ không kém”, Khoa nói.

Khoa bày tỏ mong muốn, các thầy cô giáo sẽ lấy những bài viết, những câu chuyện kể sinh động trong cuộc thi này về đọc cho học sinh nghe để thức tỉnh. “Không gì lay động bằng chính câu chuyện thật, con người thật. Nó dễ thẩm thấu, đi sâu vào suy nghĩ của những người trẻ như bọn em để tránh bị vấp ngã trong cuộc sống”.

Nguyễn Thị Hồng Vân, SV năm 2 ĐH An ninh nhân dân, cùng chung suy nghĩ với Khoa khi gọi những người có H là Bạn. Theo Vân, người không may bị HIV/AIDS có quyền được sống, được yêu thương như những người bình thường khác. Với suy nghĩ đó Vân dành nhiều thời gian đi tình nguyện tại các trung tâm hay CLB để sẻ chia và yêu thương.

Bài viết đoạt giải nhì Thương lắm phận Linh Chi của nữ phóng viên Đài PTTH tỉnh Hòa Bình Đỗ Thu Huyền khiến nhiều bạn trẻ rưng rưng. Bài viết kể về cảnh đời đáng thương của em bé Linh Chi, 10 tuổi (phố Độc Lập, thị trấn Lạc Sơn, TP Hòa Bình) bị lây nhiễm HIV từ bố mẹ. Bố mẹ đã chết vì H, hai chị em Linh Chi về sống với bà ngoại đã ngoài 70 tuổi. 3 bà cháu lay lắt trong sự bần cùng và dị nghị của dư luận. Bà ngoại Linh Chi canh cánh một nỗi lo cho tương lai 2 cháu khi mình ra đi.

“Vẻ gầy gò, ốm yếu và thu mình sợ hãi của cô bé khiến tôi bị ám ảnh không dứt”, Thu Huyền tâm sự. Dù đang mang bầu ở tháng thứ 7, nhưng nữ phóng viên Thu Huyền đã 3 lần băng quãng đường hơn 80 km lên vùng núi Lạc Sơn để cảm nhận sâu sắc hơn hoàn cảnh của Linh Chi. Từ những cảm xúc chân thực đó, bài viết của Huyền đã tạo được sự lay động, nhiều nhà hảo tâm, nhiều bạn trẻ đã tìm đến giúp đỡ, xóa bỏ khoảng cách phân biệt đối xử.

Bài viết đoạt giải nhất của nữ sinh ĐH Thăng Long (Hà Nội) Vũ Thị Quỳnh, SN 1992, cũng khiến không ít người nhói lòng. Bài viết với lối kể chuyện dung dị, chân thực đã tái hiện cuộc đời bi đát của cô gái nghèo ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa bị nhiễm H từ người yêu. Nhà nghèo, bố mất sớm, cô phải bỏ học vào miền Nam làm thuê giúp mẹ nuôi 3 em nhỏ, trở thành chỗ dựa cho cả gia đình. Thế nhưng mọi thứ nhanh chóng sụp đổ khi cô phát hiện mình bị nhiễm HIV từ người yêu.

“Quá phẫn uất, người yêu chị ấy cũng tự tìm đến cái chết. Chị ấy rơi vào tuyệt vọng. Về quê, chị ấy bị người dân dè bỉu, khinh miệt nên suốt ngày trốn trong nhà”, Quỳnh kể. Quỳnh cùng chị gái tìm đến nhà tâm sự, sẻ chia và thuyết phục cô tham gia CLB những người cùng cảnh ngộ. Vượt qua mặc cảm và nghiệt ngã của số phận, giờ cô gái ấy đã hòa nhập cộng đồng, tìm được việc làm và là tuyên truyền viên tích cực cho CLB. “Khi cầm bút kể lại câu chuyện này em chỉ hướng đến một mục đích duy nhất là kêu gọi mọi người hãy cảm thông và chia sẻ". Quỳnh bộc bạch.

Cuộc thi viết về đề tài phòng, chống HIV/AIDS cho thanh niên do T.Ư Đoàn phối hợp với Tổng cục dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế) và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Sau 5 tháng phát động, cuộc thi đã thu hút hơn 2.000 bài dự thi của đông đảo thanh niên, HSSV…và có 71 tác phẩm đạt giải.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG