Ngôi nhà cổ tích và người thầy bất đắc dĩ

Ngôi nhà cổ tích và người thầy bất đắc dĩ
TP - Tôi là con gái duy nhất trong gia đình có 7 anh trai, quê tôi ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Gia cảnh khó khăn nên cả nhà phải bàn đi, tính lại mãi tôi mới được ra Hà Nội thi Đại học.

>> Mời các bạn tham gia "Diễn đàn tuổi Teen"

Ngôi nhà cổ tích và người thầy bất đắc dĩ ảnh 1
Vui vẻ sau khi rời phòng thi. 
Ảnh: Phạm Yên

Cha bấm giờ tốt để tôi đi thi. 9 giờ sáng 4/7  là đẹp nhất. Nhưng đi như thế sớm, ra Hà Nội tôi biết chỗ nào để ăn để ở.

Nghe nói thuê nhà trọ 100.000 đồng/ngày, chưa kể tiền ăn uống, đi lại. Ra trước năm ngày là mất 500.000 đồng (số tiền ấy bằng một con bê của cha).

Cha lại tính giờ khác hợp với tuổi và mệnh của tôi, 3 giờ sáng 7/7.

20 giờ ngày 8/7

Trước cửa bách hoá Thanh Xuân, tôi bật khóc khi hỏi mãi không tìm được chỗ trọ. Số tiền mẹ gom góp cho cha con tôi mang theo đã hết hơn một nửa.

21giờ

Ba mẹ con cô ấy đứng đợi đèn xanh để sang đường. Cô ấy mặc váy hồng xoè rộng trông rất đẹp, hai anh con trai của cô ấy cao lớn mặc quần sóoc trắng và áo phông sọc xanh.

Cô ấy nói gì đó với hai anh con trai rồi quay về phía cha con tôi:

- Anh đưa cháu đi thi à? Cháu thi trường nào và thi ở đâu?

Sao cô ấy lại hỏi cha con tôi. Giọng cô ấy ngọt lịm. Tôi chưa từng nghe thấy bao giờ. Cha tôi đã đưa tờ giấy báo thi của tôi cho anh con lớn của cô ấy.

- Em ấy thi ở điểm trường PTTH Nhân Chính mẹ ạ!

- Sao cháu lại khóc, mất cắp à?

- Cô ơi, giờ cháu mới ra đến nơi, cháu không tìm được chỗ trọ.

Cô ấy quay sang nói với cha tôi:

- Anh đưa cháu về nhà tôi, ngay bên đường thôi.

Vậy là cha con tôi theo ba mẹ con cô ấy về nhà. Anh con lớn bấm chuông, chồng cô ấy xuống mở cửa và ngạc nhiên khi thấy cha con tôi, nhưng cô ấy đã nhanh nhẹn nói với chồng:

- Giờ này mà bố con anh ấy còn lang thang ngoài đường. Nhà mình rộng để cha con anh ấy trọ vài hôm anh ạ!

Tôi thấy lo quá, mà hỏi thì không tiện: Nhà cô ấy sang trọng thế này, cha con tôi lấy đâu ra tiền mà trả.

Chú ấy đoán được tâm lý của chúng tôi nên nói:

- Hai cha con tắm đi rồi ăn tạm mỳ tôm. Cha con anh ở tạm phòng đọc sách của tôi đây, những lúc viết lách và đọc sách mỏi, tôi vẫn nằm nghỉ ở đây.

Nhà tôi cạnh chợ nên rất tiện, điểm thi của cháu gần đây, mai anh dẫn cháu xuống chợ ăn uống cho thoải mái, và đưa cháu sang thi. Vợ chồng tôi bận đi làm, có các cháu đang nghỉ hè ở nhà. Anh và cháu cứ tự nhiên, chúng tôi không lấy tiền nhà đâu.

Cả đêm ấy tôi không ngủ được. Bài vở mấy ngày nay đi đường không sờ đến. Lạ quá, người thành phố sao mà tốt thế! Thôi ngủ đi, mai dậy sớm học bài.

3 giờ ngày 8/7

Cha gọi tôi dậy học bài, nhưng tôi không hề biết công tắc điện bật thế nào, mà giờ này hỏi ai, tôi đành nằm im, nhẩm bài.

6 giờ

Cô ấy dậy chuẩn bị đồ ăn cho cả nhà và tắm gội rồi đi làm. Cô ấy đánh phấn, thoa son rồi mặc váy đen và áo hoa tím. Cha tôi xuống tầng hút thuốc lào. Cô  dặn, anh đưa cháu đi bộ hoặc lấy xe đạp của trẻ nhà em mà đi, chỗ ấy cách nhà em nửa ki-lô-mét.

7 giờ

Cha con tôi xuống chợ. Cha mua cho tôi một ổ bánh mỳ và mấy quả cam vàng. Hai cha con tôi vừa đi, vừa hỏi đường đến điểm thi.

10 giờ

Phòng con nhiều người bỏ thi lắm cha ạ. Tia hy vọng lấp đầy, tôi sẽ cố gắng để khỏi phụ lòng cha mẹ tôi và các anh.

Buổi trưa, hai anh con trai cô chú ấy xuống chợ ăn cơm bụi, anh lớn nói với cha tôi:

- Chú đưa em ra cuối chợ ăn cơm. Ở đấy ngon mà rẻ lắm!

- Anh nhìn tôi cầm quyển Văn lớp 12 thì tủm tỉm cười. Tôi đánh bạo hỏi anh:

-  Anh có biết…?

- Cái ấy em phải hỏi mẹ anh!

20 giờ ngày 8/7

Tôi để quyển sách giáo khoa Lịch sử đang đọc dở trên bàn nước rồi đi tắm. Lúc ra thấy anh lớn đang xem, và tủm tỉm cười. Anh bảo:

- Em nên hệ thống lại chương trình một lượt cho dễ nhớ:

Vậy là tôi được anh giảng lại bắt đầu từ: Tình hình xã hội Việt Nam trước năm 1930 đến Chiến thắng Mùa xuân năm 1975.

Ngày 9/7

Tôi cắm cúi làm bài. Chấm hết câu cuối cùng cũng là lúc trống báo hết giờ. Tôi đi như chạy ra cổng trường, cha tôi dang tay đón con gái như một đứa trẻ lên ba mới đi mẫu giáo. Cha tôi không hỏi bài, mà dẫn tôi đi ăn cơm.

Buổi trưa, tôi nằm gối đầu lên gối cha ngủ.

Môn Lịch sử, qua rồi, may mắn nhờ có anh chủ nhà hệ thống lại và  nói cho tôi phương pháp làm bài thi nên tôi làm bài thật trôi chảy.

Sáng 10/7

Thi môn Địa lý. Ra khỏi phòng thi, thấy cha, tôi bật khóc. Không hiểu tại sao nên cha tôi hoảng hốt ôm lấy con gái. Cha tưởng tôi không làm được bài.

Tôi khóc vì hạnh phúc. May mắn thay, tôi có người “thầy” đột xuất. Anh ấy đã giảng cho tôi những thứ mà tôi chưa từng biết đến.

13 giờ ngày 10/7

Trên ô tô trở về nhà tôi nghĩ ngợi mông lung, bạn sẽ hỏi tôi vì cái gì ư?  Về những người chủ nhà đã cưu mang cha con tôi, vì ba bài thi tuyệt vời tôi đã hoàn thành, vì một lý do khác nữa, tôi chưa kịp hỏi tên “người thầy” của tôi. Tôi biết lấy gì để đền ơn họ?

Tôi sẽ không bao giờ quên ngôi nhà ấy. Tôi không bao giờ quên những người tốt bụng trong ngôi nhà ấy … Tôi đã viết lại trang nhật ký này trên chuyến ô tô trở về làng tôi.

Trong gập ghềnh, lắc lư, lắc lư nhịp xe chạy, một cơn dông kéo đến, cha tôi đưa tay kéo rèm vải che cửa kính và nói: “Cha con mình đã có một chuyến đi không bao giờ quên. Ngôi nhà ấy như trong cổ tích con nhỉ!”.

Nguyễn An
Nhật ký của một nữ “sĩ tử”

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.