Ngược núi gieo chữ

 Thầy và trò trường THCS Dân tộc bán trú Chung Chải (Mường Nhé) có phòng máy tính phục vụ việc dạy và học
Thầy và trò trường THCS Dân tộc bán trú Chung Chải (Mường Nhé) có phòng máy tính phục vụ việc dạy và học
TP - Theo đoàn công tác Hành trình về với Điện Biên của T.Ư Hội LHTN, chúng tôi gặp các thầy cô giáo trẻ đang giảng dạy trên huyện miền núi Mường Nhé (Điện Biên) vào những ngày gió Lào thổi. Phần nhiều trong số họ đến từ những vùng quê khác nhau của miền xuôi…

Đường dẫn vào huyện Mường Nhé hiện nay đã bớt gập ghềnh. Song khó khăn vẫn hiện hữu tại những lớp học dựng bằng tranh tre, vách nứa; thiếu trang thiết bị dạy và học… Thầy giáo Nguyễn Văn Thiện (SN 1976) trường Trung học cơ sở Dân tộc Nội trú Chung Chải có quê ở Tân Yên, Bắc Giang lên dạy học ở vùng miền núi Mường Nhé đã được 11 năm.

Chia sẻ về những ngày đầu lên Mường Nhé dạy học, thầy Thiện bảo đường vào trường đi bộ nửa ngày không gặp người. “Ngày ấy, đường, điện, trường, trạm còn khó khăn, chưa có điện thoại. Mình thường viết thư về động viên gia đình, nhưng có khi mấy tháng liền không gửi được thư. Đường vào chưa có cầu qua suối và phải phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, không phải ngày nào cũng có bưu tá”.

Thầy Thiện cho biết: Hiện nay điều kiện tổ chức đời sống của giáo viên đã được cải thiện, bớt vất vả hơn. Các điểm trường, bản ít bị biệt lập, hàng hóa được lưu thông không còn khan hiếm như trước… Hơn ba năm gắn bó với trường Tiểu học Chung Chải, thầy giáo Hà Văn Tình (SN 1986) quê huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hóa hiện đang dạy lớp 5 tại điểm trường trường Nậm Khum (xã Chung Chải) cho biết: “Khó khăn với giáo viên và học sinh tại đây là điều kiện cơ sở trường lớp, nhà bán trú. Nhiều trường hợp, trường chưa xây dựng được nhà lưu trú, giáo viên cũng như nhiều em học sinh có nhà xa, trường xa lớp phải dựng tạm lán trại”.

Trong Hành trình về với Điện Biên đoàn công tác đã mang đến những món quà ý nghĩa dành cho giáo viên và học trò miền núi Mường Nhé. Đó là nhà bán trú cho học sinh Tiểu học Chung Chải; Phòng tin học với những dàn máy tính của Cty CP FPT… cho các trường THCS, DTNT trên địa bàn huyện. Thầy Thiện, cô Đông thêm vai trò hướng dẫn học sinh miền cao làm quen sử dụng máy vi tính và truy cập internet… phục vụ cho việc học tập, mở rộng hiểu biết xã hội.

Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất giảng dạy, những người đi gieo chữ trên vùng cao còn có những khoảng lặng khi nghĩ về gia đình, điểm tựa sẻ chia tâm tư cuộc sống, công việc… Dạy môn Toán lớp 6 và Vật lý lớp 7 của trường THCS Dân tộc bán trú Chung Chải, cô giáo Trịnh Thị Đông (SN 1989, quê Chương Mỹ, Hà Nội) lên Mường Nhé mới được một năm, bộc bạch: “Lần đầu tiên, mình xa nhà đi nơi miền núi xa và lâu như thế. Ngày vào huyện khác hẳn những gì mình đã mường tượng, những gì đã chuẩn bị tinh thần trước. Nhiều lúc rất nhớ nhà, nhất là khi ốm đau. Ở lâu dần thành quen, những lúc buồn, hay nhớ nhà lại tạo cho mình bận bịu như chuẩn bị các dạng bài để luyện cho đội tuyển thi giải toán máy tính cầm tay, hay giải các bài toán, nghe nhạc… cho khuây khỏa”.

Lạ đất, lạ tiếng, đối với những giáo viên trẻ khi mới lên công tác đều trải qua thời gian làm quen phong tục tập quán, ngôn ngữ. Thầy Thiện, thầy Tình cho biết học sinh ở Mường Nhé chủ yếu là người dân tộc Hà Nhì, dân tộc Mông.


Vững vàng gieo con chữ

Khó khăn, lại có những lúc dao động, nhưng những giáo viên vẫn gắn bó với mảnh đất Mường Nhé. Cô giáo Đông cho hay: “Tuy đời sống của đồng bào đã được cải thiện, nhưng việc học hành của học sinh vẫn còn nhiều khó khăn. Càng tiếp xúc với các học sinh, mình càng gắn bó hơn với trường lớp, chẳng thể bỏ về xuôi được”.

Theo thầy Thiện, một trong những động lực để giáo viên gắn bó với trường lớp là tình trạng học sinh bỏ học và giáo viên phải đi vận động học sinh quay lại lớp ngày càng giảm. Đối với thầy giáo Thiện, thầy giáo Tình, Mường Nhé đã trở thành quê hương thứ hai, nơi xây dựng tổ ấm gia đình. Thầy Tình cho hay: “Vợ mình quê ở Hòa Bình, cũng là giáo viên tiểu học dạy ở điểm trường. Chính những lần xuống bản, đi điểm trường mà hai người quen nhau. Sẻ chia với cái nghèo của đồng bào, học trò và khó khăn của giáo viên vùng cao, cả hai thường động viên nhau cố gắng công tác tốt”.

Những giáo viên nơi đây còn trở thành điểm tựa, nơi học sinh gửi gắm nỗi niềm, chia sẻ, tâm sự. Cô giáo Đông chia sẻ: “Nhiều học sinh nữ, nhất là những em gần học cuối cấp có thắc mắc về tình cảm, chuyện học hành, hay kết hôn theo sự định hướng của gia đình… Mình luôn cố gắng lắng nghe để sẻ chia và có thể đưa ra những lời khuyên giúp các em”. Ngoài ra, sau những trận mưa lốc, gió cuốn, những người thầy người cô lại trở thành những người thợ dựng lại nhà ở tạm, lớp học bị hư hại để học sinh yên tâm học tập.

MỚI - NÓNG