Người bắt nhịp hơi thở của tiền

Người bắt nhịp hơi thở của tiền
Chẳng ai nghĩ, người có khả năng ra những quyết định trị giá hàng tỉ đồng trong một phần mười của giây lại là một chàng trai rất… mốt. Trẻ trung, sành điệu và rất hay đùa, Nguyễn Minh Tuấn dễ tạo cho người đối diện cái thiện cảm giống như một sinh viên mới ra trường.

"Sau khi trở về nước vào đầu năm 2003, cũng như bao người khác, tôi cũng nộp đơn vào nhiều tổ chức tài chính và nhận được nhiều lời đề nghị về làm việc cho họ. Tuy nhiên, tôi đã chọn nghề ngân hàng vì tôi nghĩ rằng đây là nghề phù hợp với khả năng của tôi.

Cũng phải nói thêm là lĩnh vực tài chính ngân hàng đang phát triển mạnh mẽ và cạnh tranh rất gay gắt trong thời điểm lúc đó. Và cả trong tương lai, một khi mà các ngân hàng nước ngoài được phép thành lập 100% vốn tại Việt Nam khi Việt Nam gia nhập WTO.

Ngoài ra, cái tôi muốn là một nghề nghiệp phù hợp và có cơ hội thể hiện bản thân, nơi mà tôi sẽ gắn bó lâu dài hơn là chỉ đơn thuần là một công việc.

ACB thay vì các ngân hàng nước ngoài là quyết định lớn đối với tôi lúc bấy giờ, khi mà lúc đó các du học sinh về nước thường chỉ muốn làm cho các công ty nước ngoài.

Đến bây giờ, tôi vẫn tin quyết định chọn ACB là đúng đắn khi tại nơi này, tôi đã được học hỏi rất nhiều, có nhiều cơ hội thăng tiến và quan trọng nhất, được tham gia thực hiện nhiều dự án quan trọng về phát triển sản phẩm, khách hàng và chiến lược ngân hàng".

Ngày hôm nay

"Một ngày của tôi diễn ra khá tuần tự, nhưng đôi khi cũng có những đột biến bất ngờ. Bắt đầu bằng việc theo dõi tỷ giá, các chỉ số thông tin của nền kinh tế, chính trị thế giới từ đó đưa ra các nhận định về biến động của thị trường thế giới. Sau đó là kiểm tra trạng thái hiện tại các hợp đồng đã ký với khách hàng, nếu hợp đồng nào có lãi thì báo cho khách hàng biết.

Tiếp nhận và thực hiện nhu cầu của khách hàng cũng là một công việc có thể kể ra. Tiếp đến là tiến hành các hoạt động chăm sóc khách hàng như giữ liên lạc, nói chuyện, trao đổi thông tin, tổ chức các buổi hội thảo trao đổi kinh nghiệm về sản phẩm với các nhóm khách hàng có nhu cầu. Thỉnh thoảng thì tham gia các dự án phát triển sản phẩm về kinh doanh vàng và ngoại tệ".

Và một cuộc trò chuyện

Nguyễn Minh Tuấn, sinh ngày 19-10-1978, Nha Trang

Từ 2005 đến nay: MBA, RMIT Vietnam

Từ 2000 - 2002: Thạc sĩ tài chính - University of New South Wales, Sydney, Australia.

Từ 1996 - 2000: Đại học Kinh tế TPHCM.

Hiện tại là Phó phòng kinh doanh ngoại hối của ACB và đồng thời được ACB phân công giữ chức vụ Giám đốc Tài chính Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim hoàn ACB - SJC, công ty liên doanh giữa ACB và SJC, chuyên về kinh doanh vàng.

Điều làm bạn tâm đắc nhất?

Được làm những công việc mới mẻ, tiên phong tại Việt Nam, với sản phẩm nghiệp vụ tài chính rất mới trên thị trường Việt Nam nhưng rất sôi động trên thị trường thế giới.

Nghề kinh doanh ngoại tệ và vàng đòi hỏi người tham gia phải nhạy bén, biết phân tích, nắm bắt thông tin và phải có sức chịu đựng dẻo dai.

Tôi luôn quan niệm, ngày hôm sau phải khác với ngày hôm nay, đó cũng là triết lý sống của tôi.

Bạn đánh giá thế nào về công việc của mình và nghề nghiệp của mình tại Việt Nam hiện nay và trong tương lai?

Trong quá trình tiếp xúc, làm việc với khách hàng, mình nhận thấy rằng nhu cầu của khách hàng về các sản phẩm ngân quỹ rất lớn. Thế nhưng hiện tại số lượng khách hàng tham gia còn hạn chế.

Nguyên nhân không hẳn vì khách hàng không quan tâm mà khách hàng chưa có nhiều thông tin về sản phẩm, thiếu các công cụ phân tích, dự đoán biến động của thị trường.

Trong tương lai, khi khách hàng đã hiểu rõ và các sản phẩm đã trở nên quen thuộc với khách hàng thì ACB sẽ có được lợi thế về kinh nghiệm phát triển sản phẩm và khách hàng hơn các ngân hàng khác.

Áp lực công việc của bạn thế nào?

Do đặc tính của sản phẩm là dựa trên biến động tỷ giá vàng và ngoại tệ thế giới nên các dealer như mình phải luôn cập nhật thông tin liên tục. Do vậy, ngày phép của mình trong vòng 2 năm gần đây hầu như còn nguyên.

Mặt khác, khách hàng có nhu cầu giao dịch vào ban đêm (là thời gian giá cả biến động mạnh nhất do là giờ giao dịch buổi sáng bên Mỹ) và nhu cầu đó hợp lý thì cũng phải vào ngân hàng để thực hiện giao dịch.

Có những lúc thực hiện xong giao dịch thì đã 12 giờ khuya, và sáng hôm sau vẫn phải làm việc bình thường, nhưng vì những giao dịch đó có lợi cho khách hàng thì mình cảm thấy rất vui. Điều đơn giản là mình cảm thấy thích công việc mình đang làm.

Có lúc nào bạn định bỏ việc không?

Đôi lúc mình cũng hoài nghi việc mình đang làm khi bỏ quá nhiều công sức để duy trì sản phẩm. Tuy nhiên, mình cho rằng đó chính là sự thử thách, càng khó khăn, càng ít ngân hàng cung cấp sản phẩm thì mình càng muốn duy trì vì mình tin có một ngày, khi các loại sản phẩm ngân quỹ trở nên quen thuộc tại thị trường Việt Nam thì mình cũng có chút tự hào khi nghĩ rằng đã góp phần đem các sản phẩm tài chính cao cấp đến cho khách hàng.

Theo Khám Phá

MỚI - NÓNG