Người đồng tính bị kỳ thị, một phần là lỗi truyền thông

“Love, Simon” được kỳ vọng sẽ mở ra chân trời mới cho cộng đồng LGBT.
“Love, Simon” được kỳ vọng sẽ mở ra chân trời mới cho cộng đồng LGBT.
TP - Một nhà nghiên cứu về giới tổng kết: không thể có chuyện xóa kỳ thị với cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) trong khi cả hệ thống truyền thông ở Việt Nam lẫn phim ảnh, sách báo đều nói về họ như là một sự trái tự nhiên, dị mọ.

Nhà báo thiếu kiến thức về giới

Một giảng viên khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: Hơn ¾ lớp cao học báo chí khi được hỏi: định nghĩa về cộng đồng LGBT đều dùng những từ ngữ kỳ thị kiểu như: pêđê, bóng/bóng lộ/bóng kín; xăng pha nhớt, hai thì, hifi , đồng cô, tám vía, ômôi… Chỉ có chưa đầy 1/3 số người dùng đúng ngôn ngữ: đồng tính, lesbian, LGBT… và không tỏ thái độ kỳ thị. Tương tự, số bài viết về cộng đồng LGBT hơn phân nửa là hướng tới sự giật gân, câu khách, gợi tò mò, hiếu kỳ của người đọc, hơn là đưa tin một cách khách quan. Chưa kể, số nhà báo nhầm lẫn khái niệm về giới khá nhiều. Chính bản thân họ chưa có kiến thức vững vàng về LGBT, nên viết sai, dẫn đến độc giả hiểu sai lệch về nhóm người này.

Người đồng tính bị kỳ thị, một phần là lỗi truyền thông ảnh 1 Một bộ phim về đề tài đồng tính của Việt Nam.

Trong một nghiên cứu về “Thông điệp truyền thông về đồng tính luyến ái trên báo in và báo mạng” của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và Khoa Xã hội học, Học viện Báo chí Tuyên truyền, trên tổng số các bài báo được đưa vào nghiên cứu, có tới 41% số bài thể hiện sự kỳ thị, chỉ có 18% số bài viết thể hiện thái độ tích cực, không kỳ thị với người đồng tính, không hạ thấp giá trị của người đồng tính dựa trên xu hướng tình dục của họ.

Cũng trong nghiên cứu trên, khi xem xét thời điểm và số lượng các bài báo viết về chủ đề đồng tính, cho thấy chiều hướng các bài báo được đăng tải tăng dần theo năm. Chủ đề đồng tính đã dần trở thành chủ đề được quan tâm đưa tin nhiều hơn. Nguồn thông tin, xuất xứ bài viết cũng gợi ý rằng các nhà báo ngày càng quan tâm đến các vấn đề liên quan đến đồng tính với thái độ nghiêm túc hơn.

Trong một trả lời phỏng vấn, Th.S Lê Quang Bình (Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường - iSEE) đánh giá: “phương tiện truyền thông giữ vai trò quan trọng và tiên phong trong xóa bỏ những định kiến của xã hội đối với người đồng tính. Việc thông tin chân thật, chính xác và khách quan về người đồng tính trên báo chí sẽ giúp cộng đồng biết, hiểu hơn về người đồng tính, giúp họ an tâm sống, học tập, làm việc đóng góp tích cực để xây dựng xã hội phát triển”.

Những bộ phim về LGBT làm cảm động cả người dị tính

Một thời gian dài, trên màn ảnh cả lớn và nhỏ, những bộ phim Việt về cộng đồng LGBT phần lớn đều có tạo hình hơi quá đà, với đặc điểm trăm lần như một: người đồng tính đi lại õng ẹo cứng đờ, không có trình độ, sống cuộc đời “bên lề” và đầy mặc cảm. Nhiều người từng bức xúc về vấn đề này: “cứ như đồng tính thì nhất định phải nhảy bổ vào giai khác, không có lòng tự trọng, gieo rắc bệnh hoạn…”(kathy2003); “không có lấy một người mặc cho ra hồn”(Nguyễn Thùy Vân); “đạo diễn hận không thể dán chữ bệnh hoạn lên trán nhân vật” (Trần Hùng) v.v…

Mãi cho đến năm 2016, cộng đồng LGBT Việt mới được mãn nhãn bởi một loạt phim kinh điển về đề tài này được Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) trình chiếu thành chuyên đề.

Trên thế giới, phim về LGBT được Oscar không hiếm. “Dallas Buyers Club”, đạo diễn Jean-Marc Vallée (sản xuất năm 2013) là một ví dụ. Phim kể về một bệnh nhân bị chẩn đoán AIDS đang tìm cách tự cứu mình đã nhận được 6 đề cử Oscar 2014 và đem về hai giải Oscar “Nam diễn viên chính xuất sắc” và “Nam diễn viên phụ xuất sắc”. Hay như phim “Philadelphia” (sản xuất năm 1993) của đạo diễn Jonathan Demme đã đem về cho Tom Hanks giải Oscar diễn viên nam chính xuất sắc nhất và nhạc phim hay nhất cũng như kịch bản phim hay nhất. “Mignight Cowboy” cho đến nay vẫn là bộ phim xếp hạng X duy nhất thắng giải Oscar Phim xuất sắc nhất. Năm 1994, bộ phim được Thư viện Quốc hội Mỹ ghi nhận và được chọn bảo tồn trong Viện lưu trữ phim quốc gia cho những giá trị to lớn về “văn hóa, lịch sử hoặc thẩm mỹ”.
Hoặc như “Happy Together” - từng đem về giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho Vương Gia Vệ tại LHP Cannes 1997. Trong cuộc bình chọn 100 phim Trung Quốc được yêu thích nhất nhân kỷ niệm 100 năm nền điện ảnh Hoa ngữ, bộ phim này đứng ở vị trí thứ 5.

Tất cả những bộ phim được gọi là kinh điển ấy, không hề có người đồng tính nào “có vẻ bệnh hoạn” chỉ vì xu hướng tình dục của họ khác người dị tính. Những vấn đề mà họ phải đối mặt, giống như tất cả những người còn lại của thế giới: sự cô đơn, tiền bạc, mưu sinh... Tình yêu không phải là câu chuyện duy nhất của họ, nhưng nếu có, thì đều tuyệt đẹp!

Người đồng tính bị kỳ thị, một phần là lỗi truyền thông ảnh 2 Tác giả truyện tranh “Bad Luck” được triệu like mỗi chương vì vẽ về đồng tính “như nó vốn thế”. Ảnh: l.a.Dũng.

Mới đây nhất, hồi đầu tháng, phim “Love, Simon” (đạo diễn Greg Berlanti) được trình chiếu ở Việt Nam cũng khiến cộng đồng LGBT nức lòng. Chỉ riêng thông tin về lịch chiếu trên facebook đã có tới gần một triệu like và hơn 600 lượt share. “Love, Simon” sở dĩ được chờ đợi là vì nó khác tất cả những tác phẩm về đề tài này từ trước tới nay. Tình yêu của người đồng tính đã định sẵn là bi kịch, thế nhưng “Love, Simon” lại chọn kết thúc có hậu. Câu chuyện tình yêu đồng tính tuổi mới lớn mang màu sắc “ngôn tình” được giới phê bình Hollywood đánh giá “như một ánh nắng ấm áp, giúp làm dịu đi những căng thẳng và áp lực, đồng thời mở ra cánh cửa mới, chân trời mới cho cộng đồng LGBT vẫn còn đang miệt mài đấu tranh cho bình đẳng và hạnh phúc”.

LGBT cần thêm nhiều “Người cô độc”

Nick Bookaholic (tên thật là Nguyễn Tuấn Anh), người sáng lập “Hội đọc sách Hà Nội” cho biết: “Tôi chưa từng đọc một tác phẩm về cộng đồng LGBT nào của các tác giả trong nước mà thỏa mãn. Phần lớn các nhân vật đều rất đáng thương, đến mức có cảm giác hèn mọn. Số phận hèn mọn, con người hèn mọn, ngay cả nhân cách cũng hèn mọn. Cho đến khi tôi đọc “Người cô độc” (tác giả: Christopher Isherwood). Khi đó, tôi chỉ có duy nhất một ý nghĩ: nó phải thế này chứ! Nếu viết về người đồng tính như thế này, thì sẽ không ai còn kỳ thị hay khinh khi họ nữa. Lúc đó tôi đã nghĩ đến chuyện tổ chức dịch và tự bỏ tiền túi ra in phòng trường hợp không nhà xuất bản nào muốn in. May là sau đó anh Dương (bút danh Trần Nguyên) đã dịch nó. Anh này đang làm nghiên cứu sinh bên Mỹ, tiếng Anh rất tốt nên bản dịch cũng ổn. Nói đến các tác phẩm văn học nghệ thuật về LGBT, lần nào tôi cũng đề cử “Người cô độc”. Cộng đồng LGBT Việt Nam cần thêm nhiều tác phẩm như thế! Người dị tính cũng nên đọc nó, để hiểu rằng, thế giới của LGBT không hề dị mọ hay bệnh hoạn. Họ có thể là bất cứ ai bên cạnh ta. Mơ ước của họ là “tôn trọng quyền riêng tư của nhau”. Không cần “có hứng thú xích lại gần nhau”. Và chỉ đơn giản là “chúc cho người kia bình an”.

Cũng không phải ngẫu nhiên nó được đánh giá là cuốn tiểu thuyết tiêu biểu dành cho cộng đồng người đồng tính, được xếp vào hạng mục 99 tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh hay nhất kể từ năm 1939, được chuyển thể thành phim dưới tên gọi “A single man” với sự tham gia của Colin Firth, người được đề cử giải Oscar ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai diễn này”.

Gần đây nhất, một tác phẩm truyện tranh có hình ảnh người đồng tính “Bad Luck” (tác giả Châu Chặt Chém) cũng khá được lòng giới LGBT bởi “không nặng nề khi nhìn về nhóm người này. Các nhân vật giống như đứa bạn bàn bên. Nó yêu nam hay nữ thì có ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới?”. Sự ủng hộ của giới trẻ với “Bad Luck” phần nào thể hiện thái độ của họ với đề tài đồng tính: ngay trong lần in đầu tiên, những bản đặc biệt đặt trước (pre-oder) có giá tới 500.000 đồng đã hết veo chỉ sau một tháng mở bán. Trước đó, khi “Bad Luck” được đăng tải trên facebook, nó có đến 107.898 lượt theo dõi,  từng gây nên cả một “cơn bão lời khen và giục giã”. 

MỚI - NÓNG