Người Hàn đưa cô dâu Việt về thăm quê

Người Hàn đưa cô dâu Việt về thăm quê
TP - Trở về dịp này (từ 8 đến 16-9) có 124 người của 35 gia đình cô dâu Việt. Chương trình thuộc dự án Phụ nữ di trú về thăm quê hương do Quỹ phụ nữ Hàn Quốc thực hiện.

> Gia đình Hàn – Việt về thăm quê ngoại

Gia đình Cha Ji Hoon và Nguyễn Thị Liên lần đầu đưa con về thăm quê ngoại
Gia đình Cha Ji Hoon và Nguyễn Thị Liên lần đầu đưa con về thăm quê ngoại.

Do cuộc sống còn nhiều khó khăn, có không ít cô dâu Việt tại xứ Hàn sau 4-5 năm mới có dịp trở về quê hương.

Cuộc hội ngộ đong đầy cảm xúc. Ánh mắt rạng rỡ, Nguyễn Thị Liên (quê ở Quảng Ninh) lần đầu về thăm nhà sau 4 năm. Liên đi cùng chồng, anh Cha Ji Hoon, 2 cậu con trai và các dì bên nhà chồng. Hai cậu con trai tíu tít đùa giỡn.

Cô cho biết đang sống những tháng ngày hạnh phúc, đã xin được việc làm tại một nhà máy sản xuất vòi nước ở thành phố Icheon, nơi gia đình cô sinh sống. “Chồng lái xe, kinh tế gia đình không khá giả, nhưng tôi may mắn được chồng chia sẻ mọi việc”, Liên nói.

Liên lấy chồng qua trung tâm môi giới, sống cùng bố mẹ chồng khi tiếng Hàn lõm bõm, công việc bếp núc chưa thành thạo, văn hoá nhiều khác biệt.

“Biết phận làm dâu xa xứ, tôi chịu khó học hỏi, đăng ký học tiếng Hàn, học nấu ăn. Mẹ chồng, nàng dâu đôi khi bất đồng quan điểm là chuyện thường. Mình phải biết lắng nghe, học và biết xin lỗi. Đó cũng là bí quyết giữ hòa khí trong gia đình của tôi”.

Lấy chồng khi 19 tuổi, lại có bầu song thai, Liên một mình vượt cạn nơi đất khách quê người. Nước mắt tự nhiên chảy dàn, bởi tủi thân, khi bước ngoặt quan trọng nhất trong đời không có mẹ bên cạnh. Nhưng cô được sự quan tâm chăm sóc của gia đình nhà chồng.

Anh Cha Ji Hoon cho biết, khi xác định lấy vợ Việt Nam, anh biết mẹ mình là giáo viên tốt nhất cho vợ và yên tâm vì sự quan tâm của mẹ.

Gặp lại, Liên thấy vui vì gia đình nhà chồng hoà nhập nhanh với gia đình mình. “Nhà mình nghèo, nhưng đón tiếp họ chân tình, nên cả hai bên đều rất vui vẻ, quý mến nhau”.

Liên kể về những ngày ở quê, và nói: Qua đài truyền hình Hàn Quốc và các kênh thông tin khác, thấy nhiều cô dâu Việt bị bạo hành, tôi rất buồn lo. Để xây dựng gia đình hạnh phúc, bạn phải biết lắng nghe và không ngừng học. Học tiếng để có việc làm, dạy con và tìm mọi cách để chia sẻ suy nghĩ của mình với gia đình.

Thoáng buồn và quấn quýt bên mẹ suốt cuộc gặp gỡ, Nguyễn Liên (26 tuổi, Thủy Nguyên - Hải Phòng) cho biết, 5 năm xa quê, không biết có khi nào trở lại.

Cô lấy chồng ở Chung In Kwon, chồng làm nghề lái xe cẩu hơn cô 20 tuổi. Liên đã có một con trai gần 2 tuổi và đang mang bầu đứa thứ hai. Trước đó cô từng có thời gian làm phiên dịch cho người Việt ở Hàn Quốc.

Mẹ Liên, bà Nguyễn Thị Ấm thi thoảng nhìn con, mắt đỏ hoe. Bà cho biết, lúc mới sang, con điện về nói hai tháng đầu không ăn không ngủ được vì không quen món ăn Hàn, lại chưa nói được tiếng Hàn.

Thương con, đêm nào bà Ấm cũng thao thức. Dịp Liên sinh nở, gia đình chồng Liên đưa bà sang, chứng kiến cuộc sống của con, bà yên tâm phần nào. “Các cháu chưa có dự định trở lại lần nữa, có thể 10 năm sau hoặc lâu hơn thế”, bà nói giọng buồn.

Tính riêng tiền vé máy bay đi về khoảng 1 triệu won, bằng hai tháng chi phí sinh hoạt ăn uống của gia đình ở Hàn nên việc sắp xếp để thường xuyên về thăm quê ngoại là điều không thể.

Chị Nguyễn Thị Thanh Bình nhớ lời mẹ chồng tâm sự có điều gì khó khăn hãy chia sẻ và mọi người sẽ cùng gánh vác, nên luôn sống chân tình và cởi mở trong ứng xử với mọi người trong gia đình. Cùng về nước thăm quê ngoại lần này càng ý nghĩa, hạnh phúc hơn khi có thêm hai đứa con xinh xắn.

Hạnh phúc và ấm lòng, đó là cảm xúc của những người làm cha làm mẹ có con làm dâu xứ người. Cô Đinh Thị Ky (Hải Phòng) cười tươi khoe: “Đây là cháu ngoại đấy”. Lần đầu gặp nhau, nhưng đứa cháu nhanh bén hơi quấn lấy bà ngoại càng khiến cô Ky hạnh phúc.

Cô Ky vẫn không quên, hồi con gái mới sang Hàn Quốc, mỗi lần điện thoại, cô lại dặn con gái: Phải sống biết điều và chịu thương chịu khó.

Bảo vệ cô dâu Việt

Bà Cho Hyong, Chủ tịch Quỹ phụ nữ Hàn Quốc cho biết bắt đầu từ năm 2007, Quỹ phụ nữ Hàn Quốc đã thực hiện dự án Phụ nữ di trú về thăm quê hương. Theo thống kê, chương trình đã giúp cho 158 gia đình (gồm 569 người) của phụ nữ di trú các nước Việt Nam, Philippines, Mông Cổ, Thái Lan về thăm quê hương.

Theo bà Cho Hyong, biết nhiều cô dâu Việt bị bạo hành, Quỹ phụ nữ Hàn Quốc đã tìm cách tiếp cận và lập ra trung tâm hỗ trợ người bạo hành để bảo vệ đồng thời có dự án hỗ trợ tiền viện phí, giúp đỡ cả gia đình phụ nữ di trú nếu phải điều trị bệnh, có dự án hướng dẫn học tập cho con em gia đình đa văn hóa.

Quỹ phụ nữ Hàn Quốc đã có nhiều chương trình tìm kiếm, tạo việc làm cho phụ nữ di trú như mở nhà hàng đa văn hóa, mở xưởng làm đồ mỹ nghệ, thủ công, làm túi xách handmade...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG