Người hùng tuổi 15

Người hùng tuổi 15
Dòng suối Ia Grăng bao quanh ngọn núi Gol mùa này nước chảy xiết, từng cướp đi sinh mạng của nhiều người. Nhưng cũng trên dòng suối này, một cậu bé 15 tuổi đã 6 lần thách đố “hà bá” giành sự sống cho dân làng.
Người hùng tuổi 15 ảnh 1
Rơ Chăm Tư

Tôi tình cờ gặp Rơ Chăm Tư (làng Păng Gol, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) khi cậu bé này đang trên đường trở về sau Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc vừa được tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng 7/2005.

Trong số những người ngồi cạnh Rơ Chăm Tư ở trụ sở Tỉnh Đoàn Gia Lai có chị Chuyền, cán bộ phụ trách Ban Trường học. Chị Chuyền mở lời giới thiệu với tôi: "Rơ Chăm Tư là một trong 3 người hùng trẻ tuổi của tỉnh Gia Lai vinh dự có mặt tại Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc với 6 lần dũng cảm lao mình xuống suối, cứu sống 5 người".

Trong ký ức của Rơ Chăm Tư, việc dũng cảm lao mình xuống dòng nước xiết cứu người cũng chỉ là... chuyện nhỏ, không đáng phải kể đi kể lại nhiều lần.

Phải thuyết phục một hồi lâu, Rơ Chăm Tư mới thay đổi "lập trường" bởi theo ý của cậu, mọi chuyện đã kể hết ở đại hội rồi, nhắc thêm lần nữa ngại lắm! Giọng tiếng Kinh lơ lớ, Rơ Chăm Tư nhắc khéo chúng tôi: "Các anh đừng hỏi Tư nghĩ gì trước lúc nhảy xuống cứu người. Tư không nghĩ gì cả. Thấy người gặp nạn thì làm vậy thôi".

Chiến tích của Rơ Chăm Tư bắt đầu trong một bận đi chăn bò từ năm 2001. Lúc ấy, Rơ Chăm Tư mới 11 tuổi.

Trong đám trẻ nhỏ cùng làng dẫn bò lên núi Gol chăn thả có Hồ Ngọc Cường, 10 tuổi. Khi cả nhóm kéo nhau  xuống suối Ia Grăng tắm mát, Cường bị hụt chân và chới với giữa dòng nước. "Hôm ấy, Tư là đứa lớn nhất. Mấy đứa kia thấy vậy đã hét toáng lên: “Anh Tư cứu..., cứu...” và Tư đã lao ra vớt được Cường vào bờ", Rơ Chăm Tư chậm rãi nói.

Hai ngày sau khi gặp Rơ Chăm Tư ở TP Pleiku - Gia Lai, tôi tìm về làng Păng Gol để nhờ "người hùng" dẫn ra dòng suối Ia Grăng với mong muốn được chụp một tấm hình làm kỷ niệm cho Rơ Chăm Tư và để thực hiện bài viết này.

Người hùng tuổi 15 ảnh 2

Khúc suối nơi Rơ Chăm Tư cứu sống hai anh em Min và Mít

 Thật không may, khi tôi tìm được nhà của Tư thì cậu bé đang trùm chăn kín mít trên giường. Cậu bảo là mới bị cảm sốt do thời tiết ở các vùng thay đổi liên tục sau chuyến đi dài ngày.

Rơ Chăm Chun thay mặt anh trai mình đi tìm hai anh em Rơ Chăm Min và Rơ Chăm Mít để cùng dẫn tôi ra suối. Những bụi cỏ tranh lấp đầy lối đi.

Chun đi trước dẫn đường, vừa đi vừa thủ thỉ: "Thằng Min, thằng Mít cũng được Tư cứu hồi năm 2002. Hai đứa nó sẽ chỉ cho anh biết chỗ nó bị sẩy chân và được Tư cứu".

Trở lại nơi từng là "cửa tử", hai anh em Min, Mít nhìn chằm chằm vào hố nước sâu hoắm, nói một câu gọn lỏn: "Anh Tư cứu em ở đây". Tôi hỏi: "Nếu Tư đến không kịp thì...?". Min, Mít lắc lắc cái đầu, im lặng.

Nỗi đau

Rơ Chăm Tư kể, những lúc chạm tay vào người bị đuối nước là như chạm vào một nguồn điện, cảm giác rất khó tả. Nếu không biết cách thoát khỏi vòng xoáy của suối nước, cả hai sẽ bị cuốn trôi hoặc sẽ bị nhấn chìm.

Trong cuộc trò chuyện với tôi, sự kiêu hãnh và tự hào hầu như không xuất lộ tí gì trên nét mặt sạm đen, rắn rỏi của cậu bé Jrai này. Cậu nhiều khi quên bẵng những chiến tích của mình.

Thế nhưng chuyện về cái chết của Trần Thị Phương, 13 tuổi, người bạn cùng làng Păng Gol thì vẫn ám ảnh tâm trí cậu.

Khoảng tầm giữa mùa mưa năm 2004, Phương đã bị chìm giữa dòng Ia Grăng trong sự nỗ lực tìm kiếm của Rơ Chăm Tư.

Tư nhớ lại: "Hôm ấy trời chợt hửng nắng, Phương và em của Phương cùng đi chăn bò với Tư ở núi Gol. Phương đòi xuống suối Ia Grăng tắm. Tư bảo: Tắm một mình mùa này nguy hiểm lắm, chờ để Tư đi cùng. Phương không chấp nhận, nói: Lớn rồi, con trai và con gái không được tắm gần nhau!

Và Phương đã dẫn em của mình đi xuống suối. Sau khi không bảo được Phương, Tư quay đi tìm bò. Một lát sau từ phía bờ suối bỗng vang lên tiếng kêu thất thanh.

Tư tức tốc chạy đến, lao xuống vũng nước theo hướng tay chỉ của em gái Phương, tìm mãi vẫn không thấy. Lặn men theo dòng nước khoảng gần chục mét mới chạm được vào người của Phương, nhưng Phương đã tím tái và không còn thở nữa...". Cậu bé ngừng bặt, đôi mắt rơm rớm.

Theo lời kể của dân làng Păng Gol, thi thoảng họ nhìn thấy Rơ Chăm Tư lặng lẽ một mình băng qua những vườn bạt ngàn cà phê của làng đi về hướng ngôi mộ mai táng bé Phương. Nhiều khi cậu quanh quẩn gần đó suốt cả buổi mới về nhà.

Mơ thành... võ sư

Những kỷ vật mà Rơ Chăm Tư đang nâng niu, cất giữ sau chuyến trở về từ Hà Nội là một chiếc đồng hồ điện tử đeo tay, một chiếc đồng hồ treo tường và cuốn sách Bác Hồ viết di chúc còn mới toanh.

Khi tôi đến nhà, cuốn sách được đặt cẩn thận vào một ngăn tủ ngay đầu giường của Tư nằm. Từ nhỏ đến lớn, Tư chưa bao giờ ra khỏi làng Păng Gol.

Trong chuyến đi vừa qua, Tư được gặp và quen biết nhiều bạn bè; được thăm Lăng Bác, ngắm nhìn phố phường Hà Nội... Tất cả đều in dấu kỷ niệm khó quên trong tâm tưởng của cậu bé này.

Đàn bò gồm 3 con mà Rơ Chăm Tư chăn giữ thuê là của một người làng bên. Sau mỗi năm "bình yên vô sự", cậu bé nhận vỏn vẹn 600 nghìn đồng. Số tiền ít ỏi này vẫn không làm cho Rơ Chăm Tư bỏ bê đàn bò. Mỗi ngày quanh chân núi Gol hay trên cánh đồng cạnh dòng Ia Grăng, Rơ Chăm Tư và cậu em út Rơ Chăm Chun vẫn thay phiên nhau quản thúc chúng.

Năm học 2005 - 2006, Rơ Chăm Tư bước vào lớp 8 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc xã Ia Grăng.

Theo lời Tư kể, nhà có 5 anh em, cậu là con thứ tư nên được ma, mí (bố, mẹ) đặt tên là Tư cho dễ nhớ. Mẹ của Rơ Chăm Tư qua đời vì bạo bệnh khi cậu mới 4 tuổi. Bố của Tư, ông Rơ Chăm Bim quyết không đi bước nữa, ở một mình làm lụng nuôi con.

Khi chúng tôi đến, ông đang lúi húi chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Những người anh của Tư lập gia đình rồi định cư sinh sống ở làng Păng Gol. Tư ngập ngừng mỗi khi tôi hỏi về dự định của cậu sau này sẽ làm gì. Cậu ấp úng bảo là không nói trước được, sợ "bước không qua" rồi dân làng lại chê trách.

"... Nhưng cái bụng em thích nhất là được đến lớp học, được tập võ để trở thành võ sư", người hùng Rơ Chăm Tư nói trước lúc tôi rời làng Păng Gol

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.