Người mở cửa bóng đêm

Người mở cửa bóng đêm
Phượng chưa từng dám mơ một ngày nào đó mình sẽ biết đến chiếc máy vi tính chứ nói gì sử dụng, điều khiển nó. Vậy mà cô bé khiếm thị ấy giờ đang “làm thầy” cùng những người bạn không may như mình.
Người mở cửa bóng đêm ảnh 1
Cô giảng viên tin học khiếm thị Phan Thúy Phượng - Ảnh: Tuổi Trẻ.

Hoa phượng màu gì? Chưa một lần cô bé cảm nhận được hết cái sắc đỏ rực rỡ của loài hoa mình mang tên.

Ba tuổi, cô bé Phan Thúy Phượng đã chẳng còn nhìn thấy được gì quanh mình, cũng chưa một lần đặt chân đến trường, làm sao “cảm” được hết màu đỏ hoa phượng là thế nào.

Giá mà ngày ấy, nhà Phượng không quá nghèo, đừng cố chạy chữa thầy lang miệt vườn trong cơn sốt phát ban lúc cô bé mới ba tuổi.

Rồi cô bé phải làm quen với cuộc sống trong bóng tối. Những tháng ngày nhỏ tuổi ấy chưa đủ để cảm nhận hết những gì đang dần đến với mình, nhưng cũng đủ để cảm nhận sự khiếm khuyết, nỗi bất hạnh mà cuộc đời trót mang lại.

Cô đến trường, ngôi trường dành cho những bạn trẻ khiếm thị tỉnh An Giang, mang theo bao ấp ủ của thời học sinh. Phượng đã có cả chục năm trời gắn bó với ngôi trường ấy, với những người bạn đồng cảnh ngộ như mình.

Người ta đến trường vào một ngày đầu năm 2003 để tìm một nữ học sinh khiếm thị cho dự án tin học dành cho phụ nữ nông thôn khiếm thị. Phượng là người duy nhất của An Giang được chọn cùng với ba bạn nữ khác đồng cảnh ngộ đến từ Đồng Nai, Tây Ninh và Bến Tre.

Khóa tin học đầu tiên triển khai dự án của Trung tâm tin học dành cho người khiếm thị Sao Mai (Q.Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) hình thành với bốn học viên như thế.

Những buổi học chỉ để làm quen với vị trí các nút trên bàn phím. Mất hai tuần chỉ làm mỗi việc mò đi mò lại giữa vị trí các phím để quen và để nhớ.

Nhưng điều sợ nhất ban đầu là tiếng Anh. Phần mềm chuyên dụng dành cho người khiếm thị tiếp cận với máy tính Jaws for Windows screen reading software hoàn toàn dùng tiếng Anh, và lại phát âm khá nhanh, trong khi Phượng có học ngoại ngữ bữa nào đâu.

Rào cản tiếp nối rào cản. Người bình thường học tin học cố gắng một, người khiếm thị phải cố gấp năm, gấp bảy để “nhìn” bằng... cảm nhận. Phượng đã quen với những cái “nhìn” như thế nên cảm nhận khá nhanh. Bỡ ngỡ ban đầu thay bằng cảm giác thích thú khi từng ngày, ước mơ của cô bé cứ hiện lên và dần trở thành hiện thực.

Những trang văn bản đầu tiên thành hình dù Phượng không thể nhìn thấy, những khái niệm “cửa sổ” đã không còn quá xa lạ, những câu lệnh máy tính trở thành điều quen thuộc hằng ngày.

Phượng là người duy nhất được giữ lại giảng dạy tại trung tâm sau khi khóa học kết thúc. Đã bốn năm Phượng sống và làm việc tại Sài Gòn, một thế giới rộng mở từng ngày, lớn hơn và nhộn nhịp hơn.

Niềm vui nhân lên sau mỗi khóa học, đến nay Phượng đã có gần 20 người gọi bằng cô. Lớp học đặc biệt nên thường chỉ có hai đến ba học viên, không thể nhiều hơn.

Những lớp học mà cô và trò chẳng cách nhau mấy tuổi, cứ chị chị em em. Trong loạng choạng của những cuộc đời kém may mắn ấy cùng san sẻ với nhau chuyện đời, chuyện học, chuyện ước mơ mà vượt qua bóng tối.

Một kế hoạch dài hơi mà cô bé đã tính đến, hoàn thành đại học để tiếp tục công việc dẫn dắt những bạn trẻ khiếm thị khám phá thế giới vi tính.

Phượng ấp ủ: “Mình đã được nhận lại quá nhiều, và đến lúc mình phải biết cho đi, một cách nhân đôi niềm hạnh phúc”.

Có lẽ chẳng có gì là không xứng đáng khi Phan Thúy Phượng là một trong 20 gương mặt được gửi về bình chọn gương mặt công dân trẻ TP.HCM.

Theo Quốc Linh
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.