Người phải tắm trước khi vào thăm... lợn!

Chuồng lợn nái ở trang trại tại Trấn Yên của Cty CP
Chuồng lợn nái ở trang trại tại Trấn Yên của Cty CP
TP - Một trang trại khá đặc biệt nằm sâu giữa vùng sơn cước hẻo lánh của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Hơn 6.000 con lợn được chăm sóc theo quy trình nghiêm ngặt với chế độ dinh dưỡng và vệ sinh phòng dịch kỹ lưỡng.

Nuôi lợn công nghệ cao

Thức dậy rất sớm bất kể mùa đông hay mùa hè, anh Lê Hữu Thắng đều phải… tắm! Đây là một kỷ luật nghiêm túc để chuẩn bị vào khu chuồng trại chăm sóc lợn, và mỗi ngày anh phải tắm vài ba lần với nước khử trùng đặc biệt. Cũng với bộ trang phục đã được khử trùng và dụng cụ kèm theo, anh vào kiểm tra từng con lợn nái trong lô chuồng nuôi khổng lồ luôn được vệ sinh sạch sẽ.

Thức ăn và dinh dưỡng cho lợn đã được tính toán kỹ lưỡng, anh Thắng sẽ điều tiết chính xác và quan sát, ghi chép. Đó là việc thường ngày của Thắng và 15 công nhân nuôi lợn ở Trang trại công nghệ cao của Cty CP nằm ở xã Nga Quán, Trấn Yên, Yên Bái.

Là nông dân từ vùng Ba Vì, Hà Nội, anh Thắng lên vùng cao Yên Bái làm công nhân nuôi lợn. Đồng nghiệp của anh cũng đến từ nhiều miền quê khác. Họ ở ngay trong trại, hạn chế thấp nhất việc ra vào để tránh lây nhiễm dịch bệnh từ ngoài vào. Mỗi năm họ chỉ ra khỏi trại một vài lần với lý do đặc biệt như tang ma, cưới xin, đau ốm…

Ăn uống, sinh hoạt có khu nhà riêng, có người phục vụ chợ búa, vận chuyển đồ đạc giúp. Nhiều cặp vợ chồng là công nhân ở biệt lập trong dãy lán riêng, việc học hành của con cái cũng được phía Cty chăm lo chu tất. Bất kỳ người nào vào trại đều phải ăn ngủ tại khu lán riêng ở ngoài cổng hai ngày, phải tắm, khử trùng, mặc trang phục đặc biệt của Cty rồi mới được vào chuồng… thăm lợn. Công nhân ra ngoài khi trở lại trại cũng phải tuân thủ quy tắc “2 ngày”.

Những dãy chuồng bằng kính và khung thép sáng choang sạch sẽ. Một lối đi ở giữa chuồng chạy dọc rộng chừng 1,5m. Từng ô nhỏ chỉ đủ cho con lợn nái nằm mà không thể quay đầu. Bên dưới sàn chuồng là phần tầng âm thông khí. Trên mái chuồng có dàn nước lạnh phun làm mát. Hệ thống bóng đèn cao năng (từ 100-500W) gắn dài nhiều dãy. Không hề thấy mùi hôi của lợn vì… ở đây quá sạch. Chẳng rõ anh Thắng nói đùa hay thật: “Những hôm ở khu nhà công nhân nóng quá, bọn em còn xuống khu chuồng… ngủ với lợn!”.

Một kỷ luật phòng dịch nghiêm đến mức hà khắc nhưng được tất cả cán bộ, công nhân Cty CP tôn trọng tuyệt đối. Hàng loạt mô hình trang trại nuôi lợn công nghệ cao của CP đã mọc lên ở nhiều địa phương khác. Mức lương công nhân từ 5-7 triệu đồng/tháng với công việc khá nhẹ nhàng: cho lợn ăn 2 lần/ngày, quét dọn vệ sinh, điều chỉnh hệ thống làm mát (giàn bơm phun nước) mùa hạ, điều chỉnh ánh sáng ban đêm, điều chỉnh nhiệt độ giữ ấm mùa đông, quan sát phát hiện biểu hiện của lợn để có chế độ chăm sóc phù hợp. Các kỹ năng này được tập huấn ngắn ngày là có thể nắm được.

Vùng kinh tế sản xuất chăn nuôi tiềm năng

Là người gắn bó với ngành nông nghiệp tỉnh nghèo Yên Bái hàng chục năm nay, hiểu rõ từng gốc chè, vùng thổ nhưỡng, giống vật nuôi của Tây Bắc “trồng gì, nuôi gì cũng khó”, nhưng ông Phạm Văn Lái, Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh này đã phải thán phục khen ngợi mô hình nuôi lợn của Cty cổ phần chăn nuôi CP đến từ Thái Lan. Và chính ông cũng phải tắm khử trùng trong một lần đến thăm trang trại này.

Một trang trại khoảng 5ha, khu vực chuồng chỉ chiếm hơn 10.000m2, 600 con lợn nái và hơn 5.000 lợn con (siêu nạc) tại trại chăn nuôi ở xã Nga Quán chỉ là một trong những địa chỉ chăn nuôi công nghệ cao của CP. Tại đây mỗi tháng Cty xuất ra 1.000 lợn con trọng lượng trung bình 5kg/con với trị giá khoảng 200 triệu đồng, và luôn ở trạng thái “cháy hàng”.

Hàng tỷ đồng doanh thu hằng năm của trang trại này với sức tăng trưởng đều đặn, và chưa từng bị dịch bệnh tấn công, cho thấy tiềm năng hấp dẫn của mô hình chăn nuôi khá nghiêm khắc nhưng hấp dẫn.

Những mô hình nhỏ kiểu “CP” đã mọc lên ở Yên Bái và nhiều vùng nông thôn, vùng sâu xa (càng cách ly, biệt lập với vùng đông người càng tốt). Chính Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên và một Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Yên Bái đã nhập hàng trăm con lợn thịt từ trang trại của CP về nuôi. Một số hộ gia đình ở Yên Bái đã bắt đầu quan tâm và vay vốn đầu tư lập chuồng trại.

Dĩ nhiên họ không nuôi nái vì quy trình phòng dịch quá nghiêm ngặt khó áp dụng, nhưng nhiều công đoạn học được từ trại của CP đã được ứng dụng. Ông Phạm Văn Lái khẳng định vùng sản xuất chăn nuôi lợn thịt lấy giống có nguồn gốc rất tốt từ CP đang từng bước hình thành rõ nét với tiềm năng hoàn toàn tin cậy. “Xây dựng nông thôn mới lấy thu nhập sản xuất là linh hồn, mà ở vùng sơn cước nghèo như Yên Bái, thì rõ ràng đây là điểm sáng”, ông Lái nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.