Người sắm cần câu cho thanh niên vùng cói

Người sắm cần câu cho thanh niên vùng cói
Nguyên liệu dồi dào, lao động dôi dư nhiều, tiện đường giao thông… nhưng tại sao quê mình vẫn nghèo? Từ trăn trở đó, Nguyễn Văn Dũng đã làm được điều mà nhiều người khác chưa làm được.

Tốt nghiệp PTTH, Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1981 tại Nga Điền, Nga Sơn, Thanh Hóa) không đặt hoàn toàn hy vọng vào con đường đại học. Bởi Dũng nghĩ đơn giản: Rất nhiều người đã lập nghiệp và thành đạt bằng con đường khác.

Nga Sơn có vùng nguyên liệu cói dồi dào. Các xã như Nga Điền, Nga Phú, Nga Thái, Nga Thanh, Nga Thủy, Nga Tân, Nga Vịnh… mỗi năm trồng được hàng ngàn tấn cói.

Điều làm Dũng băn khoăn là: Ngoài một lượng khiêm tốn làm chiếu, còn lại cói nguyên liệu của Nga Sơn đều được bán cho các nơi khác để họ làm các sản phẩm cao cấp. Điều đó chứng tỏ, người dân quê mình chưa tận dụng được thế mạnh về nguyên liệu, nhân công; chưa linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế…

Nghĩ vậy, Dũng vẫn khăn gói lên đường “lai kinh ứng thí” vào ĐH Luật Hà Nội, Dũng quay ngay về quê để bắt tay lập nghiệp. Cái khó đầu tiên đối với Dũng là gia đình anh không có truyền thống làm cói, bản thân Dũng chưa rành rẽ nghề cói…

Dũng nghĩ ngay đến những người bạn cùng trang lứa, là những người thợ lành nghề. Dành hai tháng trời tham quan các mô hình của gia đình bạn, Dũng đã hiểu được nhiều điều.

Bài học lớn nhất Dũng rút ra được chính là đã có thể lý giải được câu hỏi vì sao người dân vẫn nghèo trong khi có đầy đủ các yếu tố để phát triển nghề cói.

Tháng 7/2002, Dũng vay mẹ 3 triệu đồng mua 3 máy xe lõi. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Hết vụ mùa 2002, Dũng kiếm được hơn chục triệu đồng tiền lãi.

Để mở rộng sản xuất, Dũng vay 5 triệu đồng của Ngân hàng NN&PTNT huyện Nga Sơn. Nhận thấy số vốn này chưa đủ, Dũng trả lại 5 triệu đồng và làm đề án xin vay 30 triệu.

Rất may Ngân hàng đã chấp nhận. Mua thêm máy xe lõi, các dụng cụ đan hàng, tích trữ nguyên liệu, thuê nhân công, cuối năm 2003, Dũng trả cả gốc lẫn lãi cho Ngân hàng bằng chính tiền lãi thu được. Dũng lại làm đề án mở rộng cơ sở, vay 100 triệu đồng… Cứ thế, vay trả, trả vay… Đến nay cơ ngơi của Dũng đã đàng hoàng lắm rồi.

Từ cơ sở ban đầu là mảnh đất nhà mình, rộng hơn 1.700 m2, vừa rồi, Dũng thuê thêm địa điểm tại xã Nga An.

Ngày 29/6/2004, doanh nghiệp Thanh Hùng của giám đốc trẻ Nguyễn Văn Dũng được thành lập với số vốn điều lệ lên tới 1 tỷ đồng.

Nếu năm 2003 doanh thu chỉ đạt 600 triệu đồng thì năm 2004, DN Thanh Hùng đã vươn lên con số 1,8 tỷ đồng (trong đó, tiền lãi khoảng vài trăm triệu đồng).

Từ lúc chưa biết nghề cói là gì, đến nay Dũng đã có thể tự làm tới 15 loại sản phẩm cao cấp từ cói…

Sắm “cần câu” cho các bạn trẻ

Làm giàu cho mình cũng là cơ hội để xóa nghèo cho bà con nông dân và các bạn ĐVTN trong vùng. Hiện, DN Thanh Hùng giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 40 lao động tại chỗ và hơn 400 lao động tại các gia đình với thu nhập bình quân 500.000 đồng/người/tháng.

Với suy nghĩ bà con nông dân  của một cán bộ Đoàn (Dũng hiện là Phó chủ tịch Hội LHTN huyện Nga Sơn), Dũng đã dành nhiều thời gian, tiền bạc và tâm huyết đào tạo tay nghề cho họ bằng cách mời một số thợ lành nghề mở các lớp bổ túc nghề nghiệp; nhiều ĐVTN giờ đã có trình độ tay nghề vững vàng, có bạn đã và đang mở các cơ sở sản xuất của riêng mình. Dũng luôn ủng hộ, tạo điều kiện: truyền đạt kinh nghiệm, hỗ trợ vốn… cho các bạn trẻ có gan làm giàu.

Cạnh tranh lành mạnh, tạo không khí thi đua làm giàu chính đáng, Dũng đang tìm cách đưa sản phẩm của mình xuất ngoại mà không qua các đầu nậu.

Dũng lý luận: Nếu làm được điều này, không những đã khẳng định được chỗ đứng cho sản phẩm của mình mà còn làm lợi cho DN, cũng tức là tăng thêm thu nhập cho người lao động. Một tấm thảm cói hiện bán cho đầu nậu giá 5.200 đồng (trong đó, người lao động được hưởng 3.000 đồng) nhưng nếu xuất khẩu được, giá thành sản phẩm lên tới 18.000 đồng/chiếc; thu nhập người lao động sẽ tăng đáng kể…

Nhìn đề án phát triển DN Thanh Hùng 10 năm tới, cộng với sự ủng hộ của tổ chức Đoàn trong việc tín chấp vay vốn (đầu năm nay, tổ chức Đoàn tín chấp vay cho Dũng 70 triệu đồng từ Quỹ tạo việc làm), và hiểu suy nghĩ của Dũng: “Thương trường không thương ai nhưng cũng không ghét bỏ ai…”, người ta khó có thể hoài nghi về những thành công mới đang chờ đón chàng trai năng động này.

MỚI - NÓNG