Người thích chơi với lửa

Người thích chơi với lửa
TP - Lưu Xuân Khuyến (xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) bảo làm gốm là chơi với lửa và, trong cuộc chơi, không được phép sai lầm…

Trong câu chuyện với tôi, Lưu Xuân Khuyến luôn tự nhận mình là nông dân làm gốm. Anh nói: “Người ta tự hào mũ áo phong hầu, tôi thì tự hào về cái gốc nông dân chính hiệu của mình”.

Khuyến sinh năm 1977, cả gia đình trông vào mẫu tám ruộng. Sẵn năng khiếu hội họa, anh thi đỗ vào Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Mốt sinh viên mỹ thuật thời ấy là học đồ họa, trang trí nội, ngoại thất… chứ ngành gốm truyền thống - nghề đang mai một, chẳng ai đoái hoài. Cả K28 năm ấy chỉ có ba sinh viên học gốm. Sau hai bạn đồng môn lần lượt chuyển, còn mình Khuyến.

Sáng lên giảng đường, chiều Khuyến cặm cụi đạp xe ra mấy làng nghề ở ngoại ô ngó nghiêng, học lỏm, rồi xin vào lò, dỡ lò… Dần dần, anh nhận ra nghề này cũng lắm công phu, thú vị, tinh tế.

Năm cuối đại học, Khuyến là sinh viên duy nhất từ chối thầy hướng dẫn tốt nghiệp vì tự tin mình có thể làm tốt bài thi. Điểm 9,5 là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực của anh. Nhận bằng tốt nghiệp hôm trước, hôm sau anh khoác ba lô về Bát Tràng, xin một chân học việc, rồi bôn ba tới Đông Triều, Mạo Khê, Giếng Đáy (Quảng Ninh).

Sản phẩm đầu tay, Khuyến mất nửa tháng trời tạo ra một mẫu ưng ý, tới khi ra lò sản phẩm lại bị rỗ khắp bề mặt. Thất bại đầu đời làm anh nhớ mãi. “Làm gốm là chơi với lửa, lấy ngọn lửa làm phương tiện – và trong cuộc chơi ấy, không được phép sai lầm”.

Muốn tích lũy thêm kinh nghiệm nghề nghiệp, Khuyến lặn lội vào Minh Long, Cường Phát ở Bình Dương, Đồng Nai, làm thuê. Thu nhập khá nhưng anh vẫn quyết xin nghỉ việc, tìm về làng gốm Phù Lãng quê mình.

Khởi nghiệp từ 15 lần nung hỏng

Người thích chơi với lửa ảnh 1
Anh Khuyến hướng dẫn các thợ gốm trong xưởng

Làng Ngòi (nay là thôn Tây Ninh, xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) quê hương Lưu Xuân Khuyến có nguồn đất sét lớn, nhân công cũng khá dồi dào, song trước nay chưa từng có nghề làm gốm.

Quyết định đột ngột về quê lập nghiệp của anh khiến cho không ít người ngỡ ngàng, gia đình cũng ra sức phản đối. Khuyến bảo: “Ba mẹ cứ tin con một lần, con đã quyết thì chết cũng phải làm”.

Trên diện tích 500 m2 vốn để nuôi thủy sản của gia đình, Lưu Xuân Khuyến cho san đất dựng xưởng gốm nhỏ. Ban đầu sản xuất thử nghiệm, anh nung sản phẩm trong lò kiểu Bát Tràng. 15 lần nung, hỏng cả 15, mất đứt 200 triệu đồng.

Khuyến chuyển sang nung củi theo kiểu lò Phù Lãng thì bị sập lò ngay ngày khai trương. Ba người, trong đó có vợ chồng anh phải cấp cứu ở Bệnh viện Việt - Đức, gia đình khánh kiệt, tinh thần suy sụp…

Tưởng chừng chỉ còn nước bỏ nghề, nhưng Khuyến vẫn gắng đứng dậy. Anh đúc kết được kinh nghiệm xương máu: “Làm thủ công thì nhất thiết nên trung thành với phương pháp đốt củi để giữ cho gốm đúng màu, không bị nứt…”. Và mẻ thứ 16 – anh thành công!

Lưu Xuân Khuyến cho ra đời dòng gốm riêng, đặt tên là gốm làng Ngòi. Gốm làng Ngòi có hai mầu đặc trưng là men nước dưa và xương đất. Khác với Bát Tràng chỉ vẽ và trang trí bằng màu, Phù Lãng chỉ vuốt và giội men, gốm làng Ngòi được trang trí bằng hoa văn nổi do chính tay người họa sỹ tạo nên. Sản phẩm gốm xù xì, thô ráp mang đậm phong cách dân gian và nét văn hóa làng rất đặc trưng.

Sắp tới, Lưu Xuân Khuyến xúc tiến mở rộng quy mô sản xuất vào cụm công nghiệp thị trấn Neo với vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng.

Trung bình mỗi tháng cơ sở gốm của Lưu Xuân Khuyến xuất đi 1.500 đến 2.000 sản phẩm, lợi nhuận trên 20 triệu đồng. Giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động, trong đó có năm người khuyết tật với mức lương từ 900 nghìn đến 1,5 triệu đồng/tháng.

Gốm làng Ngòi từng bước xây dựng thương hiệu trên thị trường, có mặt tại nhiều công trình trên khắp mọi miền đất nước, đồng thời xuất khẩu sang Nhật, Ấn Độ, Ai Cập, châu Âu…

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.