Người thổi đam mê vào môn Vật lý

Thầy giáo Nguyễn Quốc Huy hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm Vật lý.
Thầy giáo Nguyễn Quốc Huy hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm Vật lý.
TP - Với công trình nghiên cứu “Thiết kế, chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới phần cảm ứng điện từ để sử dụng trong dạy học Vật lý ở trường phổ thông”, thầy giáo Nguyễn Quốc Huy, SN 1984, giáo viên bộ môn Vật lý, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã hóa giải những kiến thức trừu tượng về điện, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học môn Vật lý.

Trường kỳ ăn mỳ tôm để nuôi đam mê

Là một người có niềm đam mê đặc biệt với bộ môn Vật lý (từng đạt giải nhất Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc lần 9 năm 2005), trở thành giáo viên khoa Vật lý trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thầy Nguyễn Quốc Huy luôn trăn trở làm sao truyền niềm đam mê đó đến với học sinh. “Các kiến thức về điện khó và trừu tượng đối với người học. Trong khi đó, các thiết bị thí nghiệm Vật lý hiện có vừa thiếu, vừa quá phức tạp làm khó cho người dạy lẫn người học. Từ thực tế đó, tôi tập trung thử nghiệm và chế tạo các thiết bị thí nghiệm về điện vừa đơn giản nhưng đầy đủ mọi tính năng để phục vụ công việc dạy và học, giúp các em thực sự thấy hứng thú với môn Vật lý”, thầy Huy chia sẻ.

Tuy nhiên quá trình nghiên cứu của thầy Huy gặp rất nhiều khó khăn. “Thai nghén” từ năm 2009, đến năm 2013, thầy Huy mới có những thử nghiệm thành công bước đầu. “Có khi hàng tháng thử nghiệm không thể ra được sản phẩm. Nhiều lúc cũng định buông xuôi rồi nhưng vì niềm đam mê tôi lại bắt tay vào làm, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, không kể trưa hay tối. Có những thời điểm cấp tốc hoàn thiện bộ thiết bị, tôi phải ăn mỳ tôm, uống nước lọc cả tháng tại phòng thí nghiệm”, thầy Nguyễn Quốc Huy cho biết.

Giữa năm 2016, thầy Nguyễn Quốc Huy hoàn thiện công trình: “Thiết kế, chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới phần cảm ứng điện từ để sử dụng trong dạy học Vật lý ở trường phổ thông”. Công trình thiết kế, chế tạo được 10 bộ thiết bị thí nghiệm (TBTN), tiến hành được 29 thí nghiệm về cảm ứng điện từ, gồm: 1 thiết bị thí nghiệm nghiên cứu hiện tượng cảm ứng điện từ; 3 thiết bị thí nghiệm máy phát điện xoay chiều một pha; 2 thiết bị thí nghiệm máy phát điện xoay chiều ba pha; 1 thiết bị thí nghiệm mô hình quạt điện; 1 thiết bị thí nghiệm minh họa sự quay đồng bộ và sự quay không đồng bộ; 2 thiết bị thí nghiệm nghiên cứu nguyên tắc cấu tạo, nguyên tắc hoạt động của động cơ không đồng bộ ba pha.

Mười TBTN đáp ứng tốt các yêu cầu về mặt khoa học, kĩ thuật, sư phạm, thẩm mĩ và kinh tế đối với TBTN được sử dụng trong dạy học Vật lý ở trường phổ thông. So với các thiết bị cùng loại, sản phẩm của thầy Nguyễn Quốc Huy làm lợi kinh tế được 650 triệu đồng. “Với bộ thiết bị này, không những giúp học sinh dễ dàng lĩnh hội các kiến thức Vật lý tương ứng trong các thí nghiệm; đào sâu, mở rộng vốn kiến thức đã được học mà còn làm tăng hứng thú học tập Vật lý, kích thích tính tích cực, phát triển năng lực hoạt động trí tuệ, thực tiễn độc lập và sáng tạo của học sinh. Đặc biệt, các TBTN cho phép áp dụng triệt để các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học mới”, thầy Huy cho biết thêm.

Nhân rộng công trình

Với những tính ưu việt đó, năm 2016, bộ 10 TBTN của thầy giáo Nguyễn Quốc Huy vinh dự trở thành 1 trong 3 công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” do T.Ư Đoàn và Bộ GD&ĐT tổ chức. Sau giải thưởng này, thầy Huy nhận được sự hỗ trợ của 3 công ty chuyên về thiết bị giáo dục để sản xuất, phát triển, nhân rộng sản phẩm và được ứng dụng rộng rãi trong các trường học.

“Các sản phẩm được giáo viên và học sinh đón nhận, phản hồi rất tốt. Tôi mong rằng, với bộ thiết bị thí nghiệm này, các em học sinh hiểu được bản chất và vai trò của môn Vật lý trong thực tế đời sống, kĩ thuật, khả năng áp dụng khoa học để đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống”, thầy Huy nói.

Ngoài công trình trên, thầy Huy còn có công trình: “Thiết kế chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới để sử dụng trong dạy học Vật lý ở trường phổ thông”, cũng đã được ứng dụng vào thực tế dạy học. Hiện thầy ấp ủ một dự án tin học phục vụ giảng dạy Vật lý và Hóa học ở trường phổ thông. Dự án hiện đã tìm được đối tác sẵn sàng sản xuất.

Thầy Huy cho rằng, sáng tạo là một đặc trưng của người trẻ. Làm việc trong môi trường giáo dục, hằng ngày tiếp xúc với bạn trẻ, những người có tri thức, càng có cơ hội đổi mới sáng tạo. “Khi hướng dẫn sinh viên tôi rất chú trọng đến tính ứng dụng, tính thực tế của các kiến thức Vật lý. Những kiến thức truyền thụ thường được gắn với một hiện tượng trong tự nhiên, đời sống. Kết thúc vấn đề bằng câu hỏi: Chúng ta có thể chế tạo thiết bị đơn giản để mô phỏng các hiện
tượng này?”.  

Công trình “Thiết kế, chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới phần cảm ứng điện từ để sử dụng trong dạy học Vật lý ở trường phổ thông” được các cấp có thẩm quyền thẩm định và được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng huy hiệu và bằng Lao động Sáng tạo năm 2017. Công trình cũng đã được đưa vào “Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2017”.

MỚI - NÓNG