Người tiếp thị cho Bill Gates ở Việt Nam

Người tiếp thị cho Bill Gates ở Việt Nam
Chân dung về người tiếp thị cho Bill Gates ở Việt Nam - anh Hoàng Anh Tuấn, giám đốc marketing của Microsoft Việt Nam mang nhiều màu sắc...
Người tiếp thị cho Bill Gates ở Việt Nam ảnh 1
Anh Hoàng Anh Tuấn. Ảnh: Tuổi Trẻ

Bảy tuổi bắt đầu học võ, 19 tuổi nhận bằng trọng tài quốc tế trẻ nhất của môn wushu. Học hai đại học trong nước, lấy bằng thạc sĩ ở Bỉ và nhận bằng tiến sĩ của Mỹ trước khi kịp sang tuổi 30...

Hoàng Anh Tuấn từng đi làm thuê trong lò bánh mì của Úc, làm xúc tiến thương mại với châu Âu và rồi quay về Việt Nam làm tiếp thị cho Bill Gates khi ở tuổi ngoài 30.

Tinh thần võ đạo và cầu nối châu Âu

“Có một nguyên tắc trong võ thuật: mỗi khi bước lên sàn đấu phải luôn nghĩ mình sẽ chiến thắng, dù bị “knock out” cũng phải tin rằng mình đã chiến thắng - anh biết để chi không? Để còn có cơ hội lần thứ hai.

Điều đáng sợ nhất là chưa bước lên đài đã sợ thua hoặc nhận được sự chỉ đạo của ai đó phải thua. Tinh thần võ đạo phải được hiểu là “đạo đức” và bản thân mình phải giữ được cái chí khí nam nhi tự cường.

Tôi từng làm việc tới hộc máu mũi ở trong lò bánh mì của Úc, từng lang thang 11-12 giờ đêm trên đường phố Sydney, đơn độc, đói khát và lúc ấy chỉ thèm được một bát phở nóng cũng không có được.

Lúc ấy bạn biết tôi nghĩ gì không? Không được phép tự ti hay nản lòng. Mình cực khổ thế nào đi nữa cũng còn có người thân chia sẻ, còn những người trong trại trẻ mồ côi họ có ai để mà chia sẻ đâu, nhưng cũng có rất nhiều người thành công từ những trại mồ côi đó, nghĩ thế và tôi tiếp tục cất bước....

Tuấn bắt đầu câu chuyện của mình bằng võ đạo.

Tuấn chọn cách “nhảy” vào một lò bánh mì xin được làm thợ học việc từ 6 - 8 tiếng/đêm, không chỉ đơn giản vì tiền để tự nuôi sống sự học, mà còn là cách để học mô hình quản lý một cơ sở sản xuất nhỏ ở Úc.

Từ việc chiếc xe bánh mì hàng trăm ký, những chiếc lò nung hàng trăm độ cho đến phương thức phân phối, quản lý đều được anh thợ phụ Việt Nam ghi chép trong đầu. Làm từ 10 giờ tối đến 4 giờ sáng được 120 đôla Úc và chỉ sau một tháng chủ hãng đã “nâng cấp” Tuấn lên làm thợ cả.

Lên lương, lên chức nhưng Tuấn không quan tâm, bởi anh ngộ ra rằng nơi ấy cho dù chỉ là một hãng bánh mì nhưng người ta quản lý bằng mục tiêu và trách nhiệm rất cụ thể: giao cho anh bao nhiêu thợ, bao nhiêu nguyên vật liệu và cả một chỉ tiêu sản xuất, còn lại làm như thế nào, ra làm sao đều do thợ cả quyết định.

Trách nhiệm cá nhân và đầu tàu rất quan trọng trong một xã hội phát triển. Làm thợ cả sáu tháng, đã thỏa chí tìm tòi, tự học về cách thức quản lý của một hãng nhỏ, Tuấn nghỉ việc và ra làm part-time (bán thời gian) cho một công ty du lịch: chạy giấy tờ, lo visa, thuế, bảo hiểm, khách sạn... cho các đoàn khách.

Rồi chính tại công việc này, Tuấn giành được học bổng của Tập đoàn đa quốc gia Ahlers Corporation về ngành hậu cần. Đây là một học bổng “sang trọng”, chỉ cấp cho một sinh viên duy nhất của châu Á. Nhưng điều kiện đính kèm trong học bổng thạc sĩ này là phải giúp Tập đoàn Ahlers nghiên cứu đưa ra một con đường thương mại lý tưởng nối Tây Âu và Đông Dương.

Thời điểm đó, tập đoàn này đang tìm cách mở văn phòng đại diện ở Đông Dương. Tuấn chọn địa điểm trung chuyển lý tưởng nhất nối Tây Âu và Đông Dương qua cảng Singapore.

Sau đề tài của anh, một văn phòng của Ahlers được mở ở Singapore và cả Việt Nam (bởi đơn giản người thiết lập ra nó là một người Việt Nam). Nó cũng mở ra một cánh cửa khác mà sau này anh làm được nhiều thứ hơn: góp phần khởi động con đường “nối mạng” Việt Nam với Tây Âu.

Thật ra khi nhận học bổng này, Tuấn đã tự nhủ với lòng mình: học xong, phải tìm cách đóng góp một phần công sức cho sự phát triển các mối quan hệ thương mại giữa cộng đồng châu Âu và Việt Nam.

Quá nhiều việc để Tuấn thử sức của mình: xây dựng hệ thống dữ liệu thương mại cho thị trường EU, làm thư viện điện tử, làm cổng thương mại điện tử... làm mọi việc đúng với tính chất “cầu nối” của Phòng thương mại châu Âu (EuroCham).

Đầu tiên, đó là vị trí của một người Đức. 18 tháng sau, vị trí đó thuộc về Tuấn sau hàng loạt các hoạt động “mở cửa, nối cầu” cho các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường châu Âu: đưa doanh nghiệp ra nước ngoài, tham quan các hệ thống phân phối châu Âu, lập các dự án rồi chạy xin tài trợ cho các chương trình hướng dẫn về tiêu chuẩn xuất nhập khẩu, về vệ sinh an toàn thực phẩm của châu Âu, đưa các dự án xúc tiến thương mại vào Việt Nam...

“Tôi làm tất cả vì nghĩ rằng mình đã được đi học, được đào tạo, được nhiều điều kiện để giúp đất nước mình. Tôi không có quyền từ chối bất cứ cơ hội nào...”.

Sau năm năm làm cầu nối cho châu Âu, Tuấn quyết định rẽ ngang con đường khác - con đường vượt Thái Bình Dương đến với môi trường kinh doanh và con người “nghẹt thở” hơn: muốn thử sức mình với người Mỹ!

Với Microsoft và câu chuyện Việt Nam

Người tiếp thị cho Bill Gates ở Việt Nam ảnh 2
Ảnh: Tuổi Trẻ

“Thật ra thì Microsoft đã từng tiếp cận với tôi sau hai năm làm việc ở EuroCham, nhưng lúc đó chưa bén duyên và một phần cũng vì tôi chưa phác thảo xong kế hoạch của mình”. Nhưng khi đã quyết định chọn đi làm cho “người giàu nhất hành tinh” lại là một cuộc chiến thật sự. Đó là một thử thách: hơn 10 cuộc phỏng vấn đủ các cấp, từ trong và ngoài nước, gặp trực tiếp, gặp qua điện thoại... trong vòng bảy tháng!

Một thử thách mà kẻ từng “chiến chinh” qua rất nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia như Tuấn cũng mệt mỏi. Họ cứ phỏng vấn, hết cuộc này đến cuộc khác và nhiều khi tung ra đòn cân não: đăng báo tuyển người. “Nó như một trận quyền anh, không cho phép mình được một phút sơ suất nếu muốn giành chiến thắng”.

Cuối cùng thì người kiên trì đã chiến thắng. Phần thương lượng nhanh nhất lại là định mức lương cho chức danh “Người đi tiếp thị cho Bill Gates ở Việt Nam”. Nó diễn ra vào hai lần phỏng vấn cuối cùng, mỗi lần chưa tới 20 phút. Và rất công bằng cho người có cùng đẳng cấp đang làm việc cho Microsoft ở Đức hay Hà Lan gì đó!

Nhưng lương bổng không phải là đích lớn nhất của Tuấn. Anh đang thực hiện lộ trình mà mình đã “lập trình” cho cuộc đời mình: sinh ra ở Việt Nam, đi du học đâu đó khắp thế giới, lấy bằng tiến sĩ trước tuổi 30 và sẽ mang một cái gì đó thật sự lớn về Việt Nam. “Lập trình” này đang diễn tiến cực kỳ tốt đẹp.

“Giám đốc marketing cho Microsoft ư? Đó không phải là điều mà tôi nghĩ tới quá nhiều. Bởi tôi còn nhiều việc để làm. Bao nhiêu công nghệ hiện đại vẫn còn chưa được khai thác, hoặc khai thác nhưng có quá nhiều kẽ hở và chưa có người tư vấn cho các doanh nghiệp biết phải như thế nào.

Cách đây đúng 13 năm, lần đầu tiên đến trung tâm thương mại của Malaysia, tôi sững sờ dựa vào bức tường sau lưng mình, ôm ngực và nhẩm trong đầu: Chắc 80 năm nữa, Việt Nam mình mới được như Malaysia.

Nhưng giờ đây, tôi rất khó chịu với thông tin từ một nghiên cứu của nước ngoài về việc dự báo 197 năm nữa Việt Nam mới bằng Singapore hiện thời. Nói vậy là quá chủ quan.

Nó có thể đúng nếu lấy điểm xuất phát là những năm 1990, còn giờ đã là thời của APEC, của WTO, của những cải tổ về kinh tế, chính trị. Việt Nam đang đi trên con đường tăng trưởng ổn định, và theo qui luật cân bằng vật lý, tôi tin chắc thế giới sẽ có nhiều chọn lựa ở Việt Nam.

Vấn đề là hãy nhìn mọi thứ như Việt Nam đang ở vào một tư thế người đi bộ lâu năm, nay đã quen dần với đường chạy, cuộc chạy đường trường, tốc độ, một khi anh đã thông thạo, thích nghi với mọi thứ thì việc tăng tốc lúc nào là do anh lựa chọn, rút ngắn được khoảng cách nào là do anh quyết định.

Theo Nguyễn Văn Tiến Hùng
Báo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG