Người trẻ đối thoại về Y đức

Người trẻ đối thoại về Y đức
TPO - Bàn về vấn đề này trên Chương trình Đối thoại trẻ về Y đức của VTV6, Đài Truyền hình Việt Nam mới đây,  nhiều bạn trẻ thẳng thắn bày tỏ quan điểm không hài lòng về Y đức hiện nay.   
Người trẻ đối thoại về Y đức ảnh 1
Đối thoại về Y đức

Thậm chí, nhiều sinh viên trường Y cũng rất băn khoăn về vấn đề này.

“Do mặt trái của cơ chế thị trường, đồng tiền bị bóp méo sinh mờ mắt, tôi không biết sau này phải làm gì để vượt qua điều đó” - Một sinh viên Y nói.

Bạn Trần Sinh Lục - Chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Y Hà Nội - một trong những khách mời của chương trình, nhớ lại câu chuyện đã ảnh hưởng lớn đến quyết định thi vào nghề y của mình.

Cách đây sáu năm, khi đưa chị gái vào bệnh viện sinh, anh rể Lục đã phải lót tay 500 nghìn đồng cho bác sĩ. “Nhờ đó, chị tôi được “làm” nhẹ nhàng hơn. Tôi đã nghĩ mình phải thi vào trường y xem họ làm như thế nào?” - Lục nói.

Theo Tiến sĩ Lý Ngọc Kính - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế: Thực tế có nhiều cán bộ y tế chưa để lại cảm tình tốt đối với bệnh nhân và người nhà họ.

Tuy nhiên, ông Kính khẳng định: Rừng cây xanh, có cây mộc cây sâu, đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh. Ông cho rằng, dù cán bộ vi phạm y đức không nhiều nhưng cần phải lên án mạnh mẽ.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thụ - Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề Xã hội của Văn phòng Quốc hội cho rằng: Trong ba yếu tố được cho là có ảnh hưởng đến vấn đề y đức là trình độ chuyên môn, thái độ ứng xử, cơ sở vật chất, thì thái độ ứng xử được xem nguyên nhân chiếm tỉ lệ cao nhất, 75% (trong một cuộc điều tra).

Sinh viên Y chưa thích học Y đức?

Theo Trần Sinh Lục, trong quá trình học tập, nhiều sinh viên Y chưa mặn mà với với môn Y đức vì… toàn lý thuyết. “Sinh viên chúng tôi cần những gương sáng về nghề để noi theo. Khi ra trường cần định hướng, tư vấn cho sinh viên nên làm ở đâu để đỡ tránh bỡ ngỡ” - Lục nêu quan điểm.

Nếu là hiệu trưởng trường y, Trần Sinh Lục cho biết, sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức định hướng cho học sinh chọn trường đúng với năng lực; tổ chức những buổi nói chuyện về nhận thức nghề nghiệp; đào tạo chuyên môn và dạy môn y đức bằng người thật việc thật.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội ghi nhận những ý kiến của sinh viên. Ông cho biết, tới đây sẽ xem xét lại ngay việc sắp xếp môn học Y đức vào năm học đầu tiên, thay vì năm cuối.

“Phương pháp dạy Y đức tốt nhất là chính tấm lòng của thầy cô trong từng động tác khi truyền đạt cho sinh viên” - Ông Hinh nói.

Ở một khía cạnh khác, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thụ đề nghị, việc tăng lương là cần thiết, nhưng giải quyết vấn đề Y đức cần giải pháp đồng bộ từ cơ quan nhà nước và từng nhân viên y tế.

Đây là vấn đề Quốc hội đang rất quan tâm. Chúng tôi tin tưởng vào giới trẻ sẽ giữ gìn y đức thật tốt - Ông Thụ nói.

Ý kiến của bạn về vấn đề này?

MỚI - NÓNG