Từ cánh đồng ma đến làng thanh niên lập nghiệp - Bài 2:

Người trẻ khai phá "cánh đồng ma"

Người trẻ khai phá "cánh đồng ma"
TPO - Vượt qua sợ hãi trước những tin đồn về cánh đồng ma, hàng trăm đoàn viên, thanh niên cùng bà con nhân dân tiến vào chặt cây, dọn cỏ, khai phá ruộng nương…Họ cũng là người trồng ngô, trồng lạc đầu tiên, ăn thử để cho bà con tin tưởng làm theo…

Đại công trường trên cánh đồng ma

Nhớ về những ngày khai hoang cánh đồng ma, anh Lương Mạnh Hà, Phó Bí thư thường trực tỉnh Đoàn Yên Bái chia sẻ, đầu năm 2008, khi nghe một đại biểu báo cáo trong kỳ họp HĐND về cánh đồng ma và đề nghị có biện pháp khai hoang, lấy đất trồng trọt, canh tác, với vai trò Bí thư huyện Đoàn, anh lập tức cho đoàn viên, thanh niên khảo sát, xác minh thông tin để báo cáo lên lãnh đạo huyện.

Dù nghe cả những chuyện rùng rợn về những cái chết do khai phá cánh đồng ma, cả những chuyện ly kỳ như đi săn đạn không nổ, chuột phát ra ánh sáng nhưng Đoàn vẫn quyết tâm làm.

“Đất đai ở đó rất tốt lại bỏ hoang, trong khi bà con thì thiếu đất sản xuất, nên mình xác định phải làm”, anh Hà chia sẻ. Khảo sát, lập kế hoạch triển khai, huyện Đoàn “lôi kéo” thêm các lực lượng khác như công an, quân đội, dân quân tự vệ và cả lãnh đạo huyện cùng tham gia.

“Lúc đó, mình huy động đoàn viên, thanh niên luân phiên làm việc. Ngày nào trên công trường cũng có đủ 150 thanh niên”, anh Hà kể. Kết hợp với các lực lượng khác, cánh đồng ma trở thành đại công trường của hơn 500 người.

Người trẻ khai phá "cánh đồng ma" ảnh 1

Toàn cảnh cánh đồng Nậm Tộc ngày nay. Ảnh: Trường Phong

“Hồi đó cũng cẩn thận lắm vì là công trình lớn, đúng vào tháng Thanh niên. Mình cũng mua lợn, hương hoa để cúng trước khi bắt đầu. Đích thân lãnh đạo huyện trực tiếp cúng, vừa cúng theo cách người Mông, vừa theo kiểu của người Nùng”, anh Hà kể.

Chưa hết, để tạo niềm tin cho anh em, chỉ huy công trường cho đặt thuốc nổ ở bốn góc xung quanh tảng đá to nhất giữa cánh đồng ma. “Cúng xong, nếu giật nụ xòe mà thuốc không nổ thì cũng không dám làm nữa”, anh Hà bảo đó là điềm không may. Đùng, đùng, tiếng nổ vang dội, cả công trường an tâm làm việc vì “đã đuổi được con ma”.

Tiếng cưa máy, tiếng trò chuyện, không khí làm việc xua đi nỗi sợ hãi vốn đè nặng bởi những chuyện không may về người đi khai phá cánh đồng ma. Công trường cũng có cả đội văn nghệ vào. Ban ngày làm việc, tối thì căng lều, bạt giao lưu văn nghệ giữa cánh đồng. Dù không tin vào những chuyện đồn thổi nhưng để đảm bảo an toàn cho đoàn viên, thanh niên, anh Hà rất chú ý đến an toàn lao động, sử dụng cưa máy, việc ăn uống, tắm suối để đề phòng bất trắc xảy ra.

“Hồi đó đang là tháng 3. Trên này cao nên lạnh và buốt lắm. Môi khô, nứt nẻ hết. Tuy nhiên, ai cũng hăng hái. Bà con thấy thanh niên làm việc cũng sang giúp rồi mang củi về đốt”, anh Hà kể.

Là người vốn không tin vào chuyện ở cánh đồng ma, nên ông Thào Chừ Vàng, lúc đó đang là Bí thư, Chủ tịch xã Túc Đán rất hăng hái trong việc khai hoang. Trực tiếp dẫn đoàn viên, thanh niên và các hộ dân vào cánh đồng ma, ông kể, lúc đó chưa có đường như bây giờ, đi lại vô cùng vất vả.

“Cả cán bộ huyện, cán bộ xã đều ăn ngủ tại cánh đồng. Ban đầu đặt ra chỉ tiêu 1 tháng, nhưng làm cật lực chỉ 1 tuần đã xong”, ông Vàng kể.

Hồi đó, hai anh em Vàng A Vảng, Vàng A Chang cùng đoàn viên, thanh niên trong bản Tống Trong cũng cùng tham gia khai phá cánh đồng ma. “Lúc ấy, cánh đồng ma cây cối rậm rạp, không có đường đi, đoàn viên thanh niên phải dùng cưa máy, dao để chặt, thu dọn và đốt. Chỗ nào có ruộng thì sửa sang, chỗ nào không có ruộng thì đắp bờ cho thành thành ruộng luôn”, Chang nói.  

Người trẻ đi trước, làm trước

Sau khi khai hoang cánh đồng Nậm Tộc, vẫn còn một trở ngại nữa cần vượt qua là thuyết phục bà con yên tâm canh tác, sản xuất. Anh Vàng A Vảng kể, ngay sau khi làm xong, do thấy cơm, gạo rơi vãi nhiều, ông Vàng A Chư , một người ở bản Tống Trong mới lùa gà ra đó, dựng lều để ở. Ngay hôm sau, ông bỏ về và không dám quay lại nữa.

Hỏi chuyện, ông bảo nửa đêm nằm mơ, thấy hai cụ già râu tóc bạc phơ chôn hai chân của ông xuống đất nên sợ quá phải bỏ về. Lại thêm việc hai cán bộ phòng Nông nghiệp huyện vào khảo sát mô hình canh tác ở cánh đồng ma đúng hôm trời mưa gió, trên đường trở về đến khúc cua, chẳng may bị tai nạn, một người chết.

Lại được đồn thổi, người dân trong bản vẫn hoang mang, không ai dám canh tác ngoài cánh đồng. Anh Vảng kể, để cho bà con tin tưởng, đoàn viên thanh niên trực tiếp làm đất, trồng liền 2 vụ ngô và lạc, thu hoạch và ăn thử.

Thấy không ai làm sao, bà con mới tin. Sau đó, đoàn viên, thanh niên tiến hành chia ruộng cho người dân, mỗi nhà được hai thửa. “Ruộng ở cánh đồng ma đẹp. Dài hơn trăm mét, rộng đến 5 – 6 mét. Đất lại tốt nữa”, anh Vảng kể.

Người trẻ khai phá "cánh đồng ma" ảnh 2

Phóng viên Tiền Phong trao đổi với anh Vàng A Vảng – Trưởng bản Tống Trong (Túc Đán, Trạm Tấu).Ảnh: PV

Chỉ tay lên mái nhà treo lủng lẳng ngô, anh bảo vừa thu hoạch từ cánh đồng ma về, được 3 – 4 tạ. Từ ngày khai hoang thành công và trồng trọt trên cánh đồng ma, trong bản không còn ai bị ốm, chết nữa, tuy nhiên dù đất ở cánh đồng Nậm Tộc rất thích hợp để cấy lúa, nhưng cho đến nay, phần vì vẫn còn sợ, phần vì thiếu nước nên bà con chỉ trồng ngô một vụ rồi lại bỏ hoang đất.

“Một phần nguyên nhân là do bà con khai hoang ở trên đỉnh núi nhiều rồi, lấy hết nguồn nước nên dưới này không có đủ nước để gieo cấy. Với lại sắp đến mùa lạnh, vụ này gieo mạ bị chết hết”, anh Vảng nói. Sắp tới, nếu thuận lợi, sẽ tiếp tục tuyên truyền để bà con tăng gia sản xuất trên cánh đồng Nậm Tộc.

Trong khi đó, để giúp đỡ bà con thoát nghèo bền vững, tỉnh Đoàn Yên Bái đã lên kế hoạch xây dựng làng thanh niên lập nghiệp tại khu vực thôn Háng Tấu (xã Túc Đán), gần với khu vực cánh đồng ma.

Bí thư tỉnh Đoàn Nông Việt Yên cho biết, đề án xây dựng làng thanh niên lập nghiệp tại thôn Háng Tấu đã được phê duyệt và sẽ được triển khai trong tương lai gần.

Hiện, tỉnh Đoàn đã đi khảo sát để mở đường vào làng thanh niên lập nghiệp dài khoảng năm kilomet. Theo kế hoạch, thanh niên lập nghiệp tại đây sẽ triển khai các mô hình kinh tế như trồng ngô, lúa nước, sắn, chè kết hợp với chăn nuôi trâu bò, thả cá...

“Mình sẽ đưa đoàn viên, thanh niên của các huyện khác xuống làm cùng nữa để cho bà con tin. Thanh niên đến lập nghiệp phải phấn đấu làm giàu nhanh hơn, tốt hơn người địa phương thì họ mới tin và làm theo”, anh Yên nói. 

Hiện, tỉnh Đoàn đã đi khảo sát để mở đường vào làng thanh niên lập nghiệp dài khoảng năm kilomet. Theo kế hoạch, thanh niên lập nghiệp tại đây sẽ triển khai các mô hình kinh tế như trồng ngô, lúa nước, sắn, chè kết hợp với chăn nuôi trâu bò, thả cá... Mình sẽ đưa đoàn viên, thanh niên của các huyện khác xuống làm cùng nữa để cho bà con tin. Thanh niên đến lập nghiệp phải phấn đấu làm giàu nhanh hơn, tốt hơn người địa phương thì họ mới tin và làm theo”, anh Nông Việt Yên – Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái. 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.