Người trẻ phải tự chủ

Người trẻ phải tự chủ
Chuyên gia Nguyễn Trung, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, (cũng từng là Thư ký của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) tâm sự về câu chuyện tự chủ của người trẻ và sứ mệnh của họ trước yêu cầu của đất nước...

Thưa ông, ông từng nói chúng ta vẫn còn lúng túng trong chiếc áo chật. Xin ông nói rõ hơn về cách so sánh này?

Nền kinh tế sau hơn hai mươi năm đổi mới của đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn và đang tràn đầy sức sống, đòi hỏi sức phát triển mới vượt ra “cái áo chật”. Ai phải làm nhiệm vụ của người nấy, song cá nhân tôi gửi gắm, trông mong rất nhiều vào các bạn trẻ.

Trong tình hình kinh tế đất nước khát bỏng động lực phát triển, xin cho tôi nói thẳng: Giới trẻ Việt Nam không nên và không được phép trẻ con quá lâu - cũng có nghĩa là không được chậm lớn quá lâu!

Với những người trẻ nghĩ lớn, mỗi bạn trẻ trưởng thành bằng chính kiến do tự mình phấn đấu xác lập nên, các bạn sẽ xác lập được vị thế của mình trong đất nước, và đất nước ta ngày càng xác lập được vị thế của mình trên trường quốc tế.

Cụ thể sự “chậm lớn” đó là gì, thưa ông?

So với giới trẻ nhiều nước tiên tiến, có lẽ bệnh chậm lớn của giới trẻ nước ta hôm nay chưa được chẩn đoán, xác luận cặn kẽ.

Bước vào tuổi 18 hay tròn 18 tuổi, dù là còn học tiếp hay bước vào đời, là chúng ta đã phải ý thức được đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ với tư cách người thành niên, người lớn.

Đó là ý thức: từ nay ta phải tự đứng trên đôi chân của ta; từ nay mọi việc của ta, liên quan đến đời sống của ta, do ta quyết định và tự chịu trách nhiệm; từ nay ta là công dân thành niên ngang hàng với mọi công dân trong xã hội về trách nhiệm và nghĩa vụ đối với đất nước; từ nay ta là người chủ thành niên của đất nước!

Bước vào tuổi 18, chúng ta không có quyền tiếp tục là trẻ con (hoặc bị coi là trẻ con) nữa. Bước vào tuổi 18 chúng ta nhất thiết phải bắt đầu thực hiện mọi trách nhiệm và nghĩa vụ của người lớn – bắt đầu từ việc làm chủ chính bản thân mình.

Một biểu hiện nữa của bệnh “trẻ con quá lâu” hay “chậm lớn” là còn ít dám có những mơ ước táo bạo, trong khi đó thường hay nặng về những (cái xin tạm gọi là) “mơ ước tầm thường”.

... và dám ước mơ

Thế nào là mơ ước táo bạo và mơ ước tầm thường, thưa ông?

“Táo bạo” hay “tầm thường” trước hết cần được xem xét từ những điều kiện cụ thể và bối cảnh sống của chính mình. Táo bạo hay tầm thường được hiểu ở đây trước hết là so với chính mình, cho chính mình và thế hệ của mình.

Ngó ra bên ngoài, Bill Gates và Barack Obama là hai ví dụ điển hình của những ước mơ táo bạo. Hai người này đã chọn được ước mơ đúng – cho chính bản thân họ và cho đất nước của họ. Họ có nghị lực, trí tuệ, cách thực hiện đúng trong môi trường tự do cho những ước mơ như thế. Và họ đã thành công cho đến giờ phút này.

Ở nước ta, không hiếm sự thành công của những ước mơ táo bạo, nhưng so sánh với tỷ lệ dân số và quy mô quốc gia, những ví dụ thành công ở nước ta có thể còn là ít hay quá ít – phần rất quan trọng là do những hạn chế của trình độ phát triển và những tồn tại ta đang có.

Thế nhưng chờ đợi có được trình độ phát triển và xoá được những yếu kém rồi mới dám mơ ước thì không đáng gọi là mơ ước nữa. Chẳng dám mơ ước thì chẳng bao giờ làm được gì!

Người trẻ phải tự chủ ảnh 1
Chuyên gia Nguyễn Trung. Ảnh: Sinh Viên Việt Nam.

Bất chấp những hạn chế, ngày nay, chúng ta có điều kiện mới mà trước đây không có, hoặc khó tiếp cận, đó là: thông tin. Thông tin ngày nay đã đưa tầm mắt của chúng ta ra cả thế giới và đến mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Tuổi trẻ với tầm nhìn mới này sẽ chọn được ước mơ táo bạo, dám sống vì ước mơ táo bạo, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp bằng ước mơ táo bạo.

Ước mơ gì là cao đẹp nhất? Câu hỏi này xưa ngàn đời, và khó ngàn đời! Câu trả lời đã có từ ngàn đời và ngàn đời nay vẫn xa vời: Tự chủ! Con người tự chủ!

Tự chủ để làm chủ

Giới trẻ Việt Nam cần xác định cho mình vị trí nào trong quá trình đổi mới và đáp ứng những đòi hỏi của thời cuộc?

Vị trí nào ư? Vị trí làm chủ cuộc đời mình và để từ đó có bản lĩnh làm chủ đất nước. Phải chiếm lĩnh vị trí này, chứ không phải chỉ có xác định!

Tự các em phải tìm mọi cách đứng vào vị trí của mình, giành lấy vị trí của mình!

Điều này chẳng có gì mới, được nhắc đi nhắc lại đến mòn cả chữ.

Một khi các bạn nhìn thấu mọi chuyện, các bạn sẽ thấy rõ mình đang đứng ở đâu, xuất phát từ điểm nào và sẽ biết phải làm gì. Nhìn rõ tất cả để mỗi người phải đứng vào đúng vị trí của mình, tự mình quyết định, để vào cuộc, hướng vào một mục tiêu duy nhất.

Nhìn thẳng vào sự thật với tình yêu nước nồng cháy của tuổi trẻ, để phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, để tuyên chiến không khoan nhượng với tất cả thói hư tật xấu đang kìm hãm sự phát triển của nước ta.

Theo ông, người trẻ cần phải chuẩn bị những gì?

Tôi nghĩ rằng hầu hết người trẻ đều ý thức được ta là chủ cuộc đời ta và ý chí trở thành người chủ xứng đáng của đất nước.

Biết yêu trọng danh dự và yêu đất nước, quê hương mình - nguồn lực tinh thần này sẽ thúc đẩy, sẽ hướng dẫn sự chuẩn bị của mỗi chúng ta để tiếp nhận, để gánh vác trách nhiệm của mình mà thời cuộc đòi hỏi.

Thế hệ đi trước có thể làm gì để hỗ trợ họ?

Sao lại cứ phải nói đến hỗ trợ? Nhưng nếu vẫn phải trả lời, thì việc đáng làm nhất trong nhiều việc người lớn phải làm để hỗ trợ là luôn thành thực với thế hệ trẻ.

Hiện người trẻ đã được trao cơ hội và đặt niềm tin đủ để họ làm những gì mà ông kỳ vọng?

Tôi nghĩ là chưa đủ, còn có tính “gia trưởng” của người lớn. Nói đơn giản là còn có nhiều người lớn thiếu tin tưởng vào thế hệ trẻ, rồi còn những bệnh của người lớn trong cách cư xử với thế hệ trẻ...

Xin cảm ơn ông!

Theo Lê Ngọc Sơn - Phương Loan
Sinh Viên Việt Nam

MỚI - NÓNG