Người trẻ Trung Quốc 'vật vã' kiếm việc

Người trẻ Trung Quốc 'vật vã' kiếm việc
Đối với 6,1 triệu sinh viên đại học Trung Quốc ra trường năm nay, kiếm được một công việc không hề là chuyện đơn giản.

Tại một hội chờ việc làm ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, hàng ngàn sinh viên sắp tốt nghiệp đại học của nước này ùn ùn đổ tới nộp hồ sơ. Mới chỉ vài giờ sau khi hội chợ kéo dài hai ngày này mở cửa, một công ty với 5 vị trí cần tuyển người đã nhận được 50 hồ sơ xin việc.

Giống như ở nhiều nơi khác trên thế giới, sinh viên năm cuối ở Trung Quốc đang tìm kiếm công việc đầu tiên để chờ tới khi ra trường là đi làm luôn. Nhưng ở Trung Quốc, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thị trường việc làm bỗng trở nên u ám.

Số liệu thống kê cho thấy, năm nay Trung Quốc sẽ đón 6,1 triệu sinh viên đại học mới tốt nghiệp, trong khi do tác động từ sự giảm sút tăng trưởng, số lượng việc làm cứ ít dần đi.

Việc ít, người nhiều

Các công ty tham gia tuyển dụng tại hội chợ việc làm ở Trung tâm Triển lãm Quốc tế Bắc Kinh cho hay, năm nay, họ không có nhiều vị trí dành cho các sinh viên mới như năm ngoái.

Cô Vicky Liu, đại diện công ty tuyển dụng Best Talent chuyên “săn đầu người” cho các vị trí quản lý trung và cao cấp cho các công ty nước ngoài, nói: “Chúng tôi nhận được rất nhiều hồ sơ của các ứng viên. Nhưng thậm chí cả những người có trình độ tốt cũng khó tìm việc”.

Mới chỉ cách đây vài tháng, Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc ước tính, khoảng 12% sinh viên nước này ra trường từ năm ngoái tới nay vẫn chưa kiếm được việc. Con số này cao gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp chính thức ở khu vực thành thị của Trung Quốc.

Hội chợ việc làm ở Bắc Kinh thu hút sinh viên sắp tốt nghiệp từ mọi miền Trung Quốc. Từ tỉnh Nam Ninh xa xôi, chàng sinh viên năm cuối ngành công nghệ thông tin 24 tuổi Zhang Hai cũng lặn lội tới hội chợ này mang theo hy vọng tìm được việc.

“Do khủng hoảng tài chính, viễn cảnh việc làm không tốt lắm. Việc thì ít nhưng có quá nhiều sinh viên tìm việc nên độ cạnh tranh là rất lớn”, Zhang nhận xét và cho biết thêm, anh đã dò dẫm tìm việc ở thủ đô suốt hai tháng nay.

Nỗ lực của các nhà chức trách

Theo ông Arthur Kroeber, Giám đốc điều hành của hãng nghiên cứu kinh tế Dragonomics có trụ sở ở Bắc Kinh, tình trạng khó kiếm việc mà sinh viên mới ra trường ở Trung Quốc phải đối mặt hiện nay không chỉ bắt nguồn từ số lượng việc làm giảm sút, mà còn do số sinh viên tốt nghiệp ngày càng tăng.

Tuy nhiên, ông Kroeber tin rằng, dần dần, vấn đề này sẽ tự điều chỉnh được, khi mà các sinh viên tốt nghiệp đại học hạ thấp bớt kỳ vọng.

“Đến lúc nào đó, những người có bằng đại học sẽ chịu chấp nhận một số công việc văn phòng nhất định vốn thường chỉ đòi hỏi trình độ phổ thông trung học”, ông Kroeber nói.

Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc không chịu khoanh tay đứng nhìn và đợi điều này xảy ra. Các quan chức nước này đang nỗ lực hết sức có thể để giúp sinh viên ra trường có việc làm.

Tại thành phố Weifang, tỉnh Sơn Đông, các nhà chức trách tại một cơ quan hữu quan cho biết, mỗi người trong số họ được giao nhiệm vụ phải tìm được việc làm cho 3 sinh viên tốt nghiêp.

Tại một đất nước mà các quan hệ các nhân được xem là quan trọng như ở Trung Quốc, các nhà chức trách của Weifang được cấp trên yêu cầu phải sử dụng tất cả các mối quan hệ và ảnh hưởng của mình để hoàn thành nhiệm vụ này.

Tại Bắc Kinh, chính quyền thành phố mới đây đã công bố một chương trình thuê 1.600 sinh viên tốt nghiệp đại học theo hợp đồng 3 năm vào làm trợ lý cho các lãnh đạo địa phương thuộc các khu vực ngoại ô của thành phố. Chương trình này không chỉ giúp phát triển khu vực nông thôn, mà còn tạo việc làm cho những sinh viên có nguy cơ thất nghiệp.

Mức lương cho những vị trí này tương đối thấp, chỉ vào khoảng 2.000 Nhân dân tệ (tương đương 293 USD) mỗi tháng trong năm đầu tiên, nhưng các nhà chức trách cam kết các khoản phúc lợi và thưởng khác để khuyến khích những ứng viên tiềm năng.

Ngoài ra, sau khi kết thúc hợp đồng, những lao động trên có thể được nhập hộ khẩu tại Bắc Kinh - một yếu tố hết sức quan trọng cho những ai muốn tiếp tục làm việc ở thủ đô Trung Quốc.

Theo Mai Phương
Vneconomy

MỚI - NÓNG