Người trẻ và những tấm lòng chia sẻ

Người trẻ và những tấm lòng chia sẻ
TPO - Trong mắt khá nhiều người, giới trẻ bị “cáo buộc” là ích kỷ. Nhưng Nguyễn Quỳnh Anh (cựu SV Glamorgan University, London, Anh) và Chu Thị Tâm (SV City University, London, Anh) là những người hoàn toàn khác.  

Quỳnh Anh và Tâm biết và chơi với nhau trong quá trình du học tại Anh. Về Việt Nam, có công việc ổn định, hai bạn vẫn thường xuyên quyên góp tiền để đến với những cảnh đời, những con người không may mắn. Họ tâm sự với Tiền phong về những việc mình đã làm.  

Sẻ chia

Cũng có người bảo chúng tớ không bình thường, lo cho mình chưa xong, còn đòi làm từ thiện. Nhưng đơn giản, chúng tớ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn mỗi lần đến các trung tâm thăm những em bé mồ côi, bệnh tật…   

Hồi du học Anh, hai chị em tớ cũng thỉnh thoảng rủ nhau đi chơi. Về Việt Nam làm việc, chúng tớ lại sát cánh cùng nhau đi làm từ thiện. Nói là từ thiện thì hơi to tát, nhưng chúng tớ muốn chia sẻ phần nào với những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Từ thông tin trên báo chí, diễn đàn web trẻ thơ, cung đường nhân ái… chúng tớ được biết tại Trung tâm Lao động Xã hội số 2 (Ba Vì, Hà Nội) đang nuôi dưỡng 54 em nhỏ có HIV bị bỏ rơi, hoặc bố mẹ đã chết vì AIDS.

Vậy là, chẳng ai bảo ai, chúng tớ đóng góp mang quà Trung thu lên cho các bé. Những thùng mỳ tôm, sữa, bim bim, kẹo mút, áo phông… có thể không đáng giá về vật chất, nhưng nó là tấm lòng của chúng tớ.

Nhìn những đứa bé vô tội, là nạn nhân của HIV đang hồn nhiên nô đùa, ai cũng thấy mắt cay cay. Các mẹ (nhiều người trong số họ cũng có HIV) bảo, đã có em bỏ bạn, bỏ trường, bỏ thầy cô ở lại để mãi mãi ra đi. Còn những em ở đây còn quá nhỏ để biết rằng mình có bệnh. Tương lai chẳng biết thế nào.

Bế chúng trên tay, nhìn vào đôi mắt trong ngần, ngây thơ của chúng, bi bô nói chuyện với chúng, tự nhiên thấy quên hết những lo toan, ưu phiền của cuộc sống…

Vào một ngày Chủ nhật cuối thu, chúng tớ lại lên đường đến với những cuộc đời bất hạnh ở Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật xã Thụy An (Ba Vì, Hà Nội). Nơi đây đang nuôi dưỡng 148 cụ già không nơi nương tựa, bệnh nhân không gia đình, 90 bé (3 đến 10 tuổi) bị tàn tật và 24 trẻ sơ sinh mà trong đó một nửa trong số các em có bệnh…

Nhìn lũ trẻ thật tội. Bé thì què quặt chân tay, bò lết trên sàn. Bé bị hở hàm ếch. Bé thì liệt não, khóc mếu suốt ngày. Những bé chậm phát triển thì chỉ nằm yên một chỗ, không biết xòe tay xin kẹo các cô cho.

Tớ bóc kẹo, bỏ vào mồm cho một bé 7 tuổi. Em không ngậm được, kẹo rơi ngay xuống đất. Đến tội. Tối về, nằm mà cứ suy nghĩ miên man. Cũng một kiếp người thôi, sao mà khổ thế…..

Đến thăm trường Dân lập khuyết tật Nhân Chính (Hà Nội), chúng tớ tận mắt chứng kiến những em thiếu may mắn sống và học tập như thế nào. Thương lắm.

Cô hiệu trưởng của trường cho biết, từ khi tăng tiền học lên 400.000 đồng/tháng, đã có 15 gia đình đến gặp nhà trường bày tỏ ý định xin cho con thôi học vì không có điều kiện. Các em sinh ra đã không nghe được, không nói được, nay lại đối mặt với nguy cơ thất học, dù đó chỉ là những giờ ê a, “đánh vật” với con chữ.

Chúng tớ ra về mà trong lòng nặng trĩu, cùng bàn nhau lên danh sách những địa chỉ từ thiện với chút hi vọng xin được hỗ trợ cho các trẻ khiếm thính nghèo nơi đây.

Để sống tốt hơn

Trên đây là những tâm sự của Quỳnh Anh, Tâm và những người bạn. Quỳnh Anh và Tâm biết và chơi với nhau trong quá trình du học tại Anh.

Về Việt Nam, có công việc ổn định, nhóm bạn này vẫn thường xuyên quyên góp tiền để đến với những cảnh đời, những con người không may mắn.

“Chúng tớ không có nhiều tiền, nhưng “một miếng khi đói bằng cả gói khi no”. Chúng tớ muốn chia sẻ để phần nào bù đắp khó khăn của những em nhỏ bất hạnh” - Hai bạn tâm sự.

Không ít người cho rằng “dửng mỡ mà ăn cơm nhà vác tù và thiên hạ”. Nhưng, ấy là họ chưa đến tận nơi để tận thấy cuộc đời của những con người bất hạnh. Ấy là do họ chưa một lần nhìn vào đôi mắt trong ngần của những đứa trẻ là nạn nhân của HIV/AIDS. Hay chưa được cầm đôi tay gầy guộc, nhăn nheo đang run rẩy của những cụ già không nơi nương tựa…

Dù công việc bận rộn và đầy áp lực, tuy cuộc sống đôi lúc cuốn chúng ta đi theo dòng chảy với biết bao lo toan, tính toán, nhưng chúng tớ vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để được đi. Đi để biết thêm những cảnh đời. Đi để được chia sẻ dù có thể những món quà mang đến không giá trị về vật chất. Đi để thấy mình đang tồn tại, để nhận ra rằng cuộc sống này ý nghĩa biết bao nhiêu…

Với mong muốn tiếp tục đến với những mảnh đời bất hạnh, qua Internet, chúng tớ đã gửi “nhật ký những chuyến đi” với bao hình ảnh biết nói cho bạn bè đang học tập ở Anh và các nước khác.

Thật hạnh phúc khi chúng tớ nhận được không ít những chia sẻ của bạn bè thân quen đang sống ở nước ngoài. Tuy số tiền gửi về chưa thật nhiều nhưng chúng tớ rất trân trọng, bởi đó là tấm lòng của các bạn ấy. Họ đều hứa sẽ tiếp tục sát cánh bên chúng tớ trên những nẻo đường từ thiện.

Chúng tớ cũng đã gửi đề án qua email, kêu gọi một số tổ chức nhân đạo, phi chính phủ ủng hộ những người gặp khó khăn trong cuộc sống. Hy vọng, sự chung tay, dốc sức của những tấm lòng vàng, những nhà hảo tâm, sẽ phần nào làm vơi đi những giọt nước mắt đau khổ đang lăn dài trên má biết bao con người bất hạnh.

Xuân Mai ghi

MỚI - NÓNG