Người trẻ xấu xí nơi đình chùa, lễ hội

Hàng trăm thanh niên tranh cướp phết ở Tam Nông (Phú Thọ).
Hàng trăm thanh niên tranh cướp phết ở Tam Nông (Phú Thọ).
TP - Đi chùa, dự hội đầu Xuân, không ít bạn trẻ diện quần cộc, váy ngắn, áo hai dây... Có bạn còn lao vào tranh cướp lộc đến sứt đầu mẻ trán...

Váy ngắn, áo dây vào chùa

Những ngày đầu xuân, trên mạng xã hội xuất hiện không ít hình ảnh ăn mặc phản cảm, lố lăng của giới trẻ khi đi lễ chùa, đền. Nhiều đình, chùa trưng biển thông báo nhắc nhở du khách không mặc váy ngắn, quần đùi, áo hai dây khi đi lễ, nhưng nhiều nữ thanh niên vẫn ăn mặc “mát mẻ”. Thậm chí nhiều bạn trẻ diện váy ngắn vô tư chụp ảnh “tự sướng” ngay trong sân chùa, bên cạnh tấm biển “Đề nghị không mặc quần, váy ngắn vào chùa để đảm bảo sự tôn nghiêm”.

Nhiều bạn trẻ chắp tay bái lạy chốn linh thiêng cầu mong may mắn, song khi được hỏi về ngôi chùa đang đứng lễ, sự tích vị thánh đang bái lạy, thì hầu hết trả lời không biết. Ở hội đền Hoàng Mười (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Hoàng Văn Thành, sinh viên ĐH Hà Nội, chia sẻ: “Mình đi đền để cầu thành công trong học tập, sự nghiệp. Quan Hoàng Mười nói thật mình không biết là ai. Chỉ biết nhiều người bảo đền thiêng lắm, cầu gì được đó”.

Đi chùa đầu năm, không ít bạn trẻ còn có những hành vi thiếu văn hoá (nói bậy, chửi tục, hút thuốc lá nơi công cộng, giẫm lên cỏ, khắc lời nguyện ước lên cây, xả rác bừa bãi…).

Lương Thị Hoàn, quê Hà Tĩnh, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, bức xúc sau khi đi lễ hội chùa Hương Tích (Hà Tĩnh): “Đi lễ hội chùa Hương Tích, các bạn nữ không nên mặc váy, áo dây, kể cả có quần tất bởi chùa là chốn tâm linh. Đi chùa Hương, mọi người phải leo hàng trăm bậc đá, tôi thấy ngượng và xấu hổ thay cho nhiều bạn nữ vô tư mặc váy. Toàn bộ nội y, da thịt phơi bày ra hết, đập vào mắt những người leo sau. Bạn muốn khoe thân, khoe vẻ đẹp của cơ thể, nên chọn chỗ khác”.

Đánh nhau vì cướp lộc

Đầu Xuân, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), nhiều bạn trẻ khi đến đây thi nhau trèo qua tường rào để sờ đầu rùa. “Mình sờ đầu rùa đầu năm để mong năm nay thi đậu đại học”, một học sinh học lớp 12 nói.

“Thực tế, nhiều người đi chùa, đền không hề biết các danh nhân, nhân vật lịch sử được thờ cúng, họ đi theo hiệu ứng đám đông và mang chủ nghĩa vụ lợi. Đút tiền vào tay, miệng tượng Phật, vuốt đầu rùa, khiến chốn tâm linh thành trần tục hóa”. 

PGS.TS Trịnh Hòa Bình

Chiều 9/2 (tức 13 tháng Giêng), lễ hội cướp phết Hiền Quan (Tam Nông - Phú Thọ) diễn ra. Theo quy chế mới, năm nay, hội phết Hiền Quan giới hạn số người tham gia cướp phết để tránh tình trạng đánh nhau phải vào viện cấp cứu như năm trước. Chỉ 100 trai tráng được chia thành 2 đội mang đai xanh và đai đỏ được ban tổ chức cho phép xuống khu vực cướp phết. Tuy nhiên, hàng nghìn thanh niên đã phá vỡ hàng rào an ninh, lao vào cướp phết tạo nên cảnh tượng náo loạn. Một số bạn trẻ bị ngất vì cướp phết.

Hoàng Trung Tuấn (SN 1993, ở Tam Nông, Phú Thọ) trực tiếp tham gia lễ hội cướp phết, nói: “Với quan niệm rằng, cá nhân hay thôn xóm nào cướp được phết thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn nên ai cũng mong muốn cướp được quả phết. Được làng cử tham gia cướp phết, lúc đầu thấy hồ hởi nhưng về sau thì kinh hoàng. Cả mấy trăm người giành nhau quả phết và sẵn sàng dẫm đạp lên nhau, dùng bạo lực. Nếu chẳng may bị ngã, bị những người sau dẫm đạp lên là không tránh khỏi”.

Khi “thần quyền” chi phối

PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam, nói: Đi chùa, lễ hội đầu năm là nét văn hóa đẹp để cầu an lành, để tâm hồn thanh thản, nhưng các lễ hội giờ có quá nhiều biến tướng. Nhiều bạn trẻ ăn mặc “mát mẻ” khi đi chùa, lao vào cướp lộc, rải tiền lẻ, đút tiền vào tay tượng Phật... Họ không chỉ thiếu hiểu biết về văn hóa truyền thống, mà còn bị lệch lạc về quan niệm sống và thiếu hiểu biết xã hội. Bên cạnh đó, hành vi phản cảm nơi đình, chùa còn do hiệu ứng đám đông. Nhiều người thấy người khác tranh cướp lộc ùa vào theo hoặc đi lễ chùa, thấy người khác rải tiền lẻ thì cũng làm theo một cách vô thức.

Ngoài ra, theo ông Bình, văn hóa đi chùa, lễ hội của một bộ phận người trẻ rất đáng báo động khi đi lễ vì vụ lợi, mất lòng tin, niềm tin trong cuộc sống rồi tìm đến thần quyền. “Tất cả hình thức tranh giành, cướp đoạt ở nhiều lễ hội ngày nay hướng mục đích đánh thắng đối thủ và sẵn sàng dùng bạo lực để cưỡng đoạt. Các trò chơi dân gian như cướp phết ở Tam Nông (Phú Thọ) xưa chỉ mang tính tranh đoạt biểu trưng. Còn bây giờ, nhiều người mang thói thực dụng, vụ lợi, mất lòng tin tìm đến thần quyền, phết là một trong những vật phẩm đại diện cho sự thiêng hóa làm họ nổi lòng tham, muốn đoạt được để cầu lợi”, ông Bình nói.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.