Người vẽ bản đồ nước Việt bằng ảnh

Phóng viên Ảnh Hoàng Chí Hùng.
Phóng viên Ảnh Hoàng Chí Hùng.
TP - Có một PV ảnh đã “xin phép vợ” vắng nhà hơn 1.160 ngày để đi chụp ảnh khắp đất nước. Trong hàng vạn bức ảnh của anh, ngoài những bức ảnh đặc trưng của mỗi vùng đất còn có đủ 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S, có hàng ngàn tấm ảnh chụp tất cả các đảo trên quần đảo Trường Sa thân yêu.

Chuyến đi 162 ngày

“Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm, tôi sẽ đi thăm…”. Đó là lời bài hát “Tôi sẽ đi thăm” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Từ thời là học sinh, Hoàng Chí Hùng đã thích và ngân nga giai điệu ấy. Thế nhưng, cũng có lúc anh thấy lời bài hát là ước mơ xa vời, đó là thời gian anh bị bệnh lao phổi (năm 1998). Đã từng là một ông chủ xưởng cơ khí, ăn to nói lớn nhưng khi chỉ còn da bọc xương nằm trên giường bệnh, Hoàng Chí Hùng bi quan, chán nản. Anh đã từng nghĩ đến cái chết.

Không để cho bệnh tật cướp đi người chồng thân yêu của mình, chị Duyên vợ anh tìm mọi loại thuốc chữa chạy cho anh. Công sức, tấm lòng của chị đã được đền đáp. Gặp thầy gặp thuốc, sức khỏe của anh ngày một bình phục. Dẫu vậy, Hoàng Chí Hùng cũng không thể theo nghề cơ khí được nữa. Lo anh buồn, vợ anh đã mua tặng anh một chiếc máy ảnh “để chụp chơi chơi”. Có máy ảnh, Hoàng Chí Hùng đăng kí học một lớp nhiếp ảnh tại Hội nhiếp ảnh thành phố. Sau này anh trở thành hội viên Hội Nhiếp ảnh TPHCM.

Năm 2007, Hoàng Chí Hùng là phóng viên ảnh của Tạp chí Điện ảnh. Câu hát “Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm, tôi sẽ đi thăm…” lại vang lên. Câu hát ấy đã thúc giục anh. Hoàng Chí Hùng gửi đơn lên Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM khi ấy là bà Nguyễn Thị Hằng Nga, xin đi chụp ảnh tất cả danh lam thắng cảnh, các vùng đất, con người trên khắp đất nước. Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố hỏi anh đã chuẩn bị những gì cho chuyến đi, anh tự tin nói rằng có 50 triệu đồng và chiếc xe máy. Bà Chủ tịch Hội Nhà báo không đồng ý anh đi một mình, yêu cầu anh thành lập nhóm có ít nhất 3 người.

Vậy là anh thành lập nhóm gồm 3 PV ảnh và một lái xe. Một ngân hàng biết ý định của nhóm đã sẵn lòng tài trợ số tiền 270 triệu đồng. Anh Bùi Ngọc Tuấn, PV báo Bảo vệ Pháp luật - người bạn đồng hành của anh cũng tài trợ số tiền tương đương. Số tiền trên, ngoài chi phí cho nhóm ăn ở, đi lại còn dùng để mua 2.000 áo mưa, 2.000 áo thun tặng cho bà con nghèo và 64 bộ ấm chén làm quà tặng Hội Nhà báo các tỉnh. Vậy là lên đường. Rong ruổi hơn 3 tháng, nhóm của anh đến được tỉnh thứ 40 thì lái xe và một PV ảnh xin dừng bước giữa chừng để… về nhà.

Còn lại Hoàng Chí Hùng và Bùi Ngọc Tuấn - tiếp tục lên đường. Họ thay nhau lái. Chiếc xe Camry gầm thấp liên tục bị hỏng, ngập nước hôi rình. Thời điểm ấy giao thông còn kém, nhất là khu vực Tây Bắc, nhiều đoạn xe không đi được phải nhờ bà con khiêng qua. Mọi bĩ cực rồi cũng lùi lại phía sau. Ngày thứ 156, anh và người bạn đồng hành Bùi Ngọc Tuấn đã đến tỉnh cuối cùng: Tây Ninh.

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Tây Ninh khi ấy là ông Đoàn Bá muốn giữ khách nên đưa ra yêu cầu, chụp xong phải quay về “nhậu một bữa” thì mới đóng dấu của Hội vào giấy đi đường. Hoàng Chí Hùng và Bùi Ngọc Tuấn đi chụp được 6 ngày thì nhớ nhà quá không chịu được nên đã trốn nhậu về nhà, kết thúc hành trình 162 ngày với bao khoảnh khắc kỷ niệm vui buồn. Sau chuyến đi ấy, nhóm của anh đã trưng bày triển lãm với 430 bức ảnh mọi miền Tổ quốc trong đó có đầy đủ 54 dân tộc anh em.

Người vẽ bản đồ nước Việt bằng ảnh ảnh 1 Tuần tra trên biển Trường Sa

Chuyến đi hơn 1.000 ngày và 4 lần đi Trường Sa

Sau triển lãm, một công ty chuyên làm sách lại đề nghị Hoàng Chí Hùng tiếp tục lên đường. Anh nhận lời hợp tác. Chuyến đi này kéo dài tới hơn 1.000 ngày. Một mình một xe máy với đồ nghề lỉnh kỉnh, Hoàng Chí Hùng rong ruổi khắp mọi nẻo đường đất nước.

Mỗi tỉnh, thành phố Hoàng Chí Hùng cũng sục sạo ở đó ít nhất 10 ngày, chụp đủ mọi ngóc ngách đặc trưng nhất của vùng đất, con người nơi đó rồi mới chuyển sang địa bàn khác. Lên rừng, xuống biển, từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau không nơi nào thiếu vắng dấu chân Hoàng Chí Hùng. Anh cũng đã tiếp xúc trực tiếp với đồng bào Rục ở Quảng Bình, người Mông, người Thái ở Tây Bắc, người Tày, Nùng, Sán Chỉ, Sán Dìu ở Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng… Trong máy ảnh của anh, mỗi bức hình đều có một câu chuyện.

Người vẽ bản đồ nước Việt bằng ảnh ảnh 2 Dân tộc Lự - Lai Châu.
Người vẽ bản đồ nước Việt bằng ảnh ảnh 3 Dân tộc Tày - Yên Bái.
Người vẽ bản đồ nước Việt bằng ảnh ảnh 4 H’Mông (H’Mông Hoa) Yên Bái.
Người vẽ bản đồ nước Việt bằng ảnh ảnh 5 Dân tộc Chăm - Ninh Thuận.
Người vẽ bản đồ nước Việt bằng ảnh ảnh 6 Dân tộc Mường - Thanh Hóa.
Người vẽ bản đồ nước Việt bằng ảnh ảnh 7 Thác Bản Giốc - Cao Bằng. 
Người vẽ bản đồ nước Việt bằng ảnh ảnh 8 Khu sinh thái Cần Giờ - TPHCM.
Người vẽ bản đồ nước Việt bằng ảnh ảnh 9

Vịnh Hạ Long.

Người vẽ bản đồ nước Việt bằng ảnh ảnh 10

Di tích Mỹ Sơn - Quảng Nam.

Hoàng Chí Hùng chia sẻ, “một mình một ngựa”, những lúc ốm đau cũng buồn, nhớ nhà lắm nhưng tự mình nhủ lòng phải cố gắng vượt qua. Mỗi khi nghe điện thoại của vợ, anh cố gắng kìm nén cảm xúc, cứ động viên vợ: Anh sắp xong rồi, anh sắp về rồi… Cuối cùng, hành trình dài 1.000 ngày đã tới đích, anh đã hoàn thành mục tiêu của mình bằng một kho ảnh đồ sộ. Với kho ảnh này, ngoài chuyện in sách, anh mong muốn xây dựng một bảo tàng 54 dân tộc bằng ảnh.

Sau chuyến đi ấy, Hoàng Chí Hùng còn có vinh dự đến với Trường Sa tới 4 lần. Từ năm 2010 đến 2013, năm nào anh cũng tìm mọi cách để xin được đi Trường Sa.

Người vẽ bản đồ nước Việt bằng ảnh ảnh 11 Ngày hè trên Đảo Sinh Tồn - Trường Sa.
Người vẽ bản đồ nước Việt bằng ảnh ảnh 12 Hoa Bàng Vuông Trường Sa.
Người vẽ bản đồ nước Việt bằng ảnh ảnh 13 Đảo Trường Sa Lớn.
Người vẽ bản đồ nước Việt bằng ảnh ảnh 14 Bão cấp 8 Đảo Song Tử Tây.

Chuyến đi Trường Sa năm 2011, tôi may mắn được ở cùng với anh trên một khoang tàu. Nghe anh kể chuyện về vùng đất mà anh đi qua, tôi cảm nhận được tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người của Hoàng Chí Hùng thật nồng hậu, trong trẻo. Riêng với Trường Sa, anh dành tình cảm đặc biệt hơn.

Tôi đã từng ví: Anh yêu Trường Sa như thể một chàng trai “phải lòng” một cô gái, lúc nào cũng “kiếm cớ” để gặp mặt, khi gặp rồi nâng niu trân trọng, ngấu nghiến từng giây từng phút. Ở trên tàu, nhưng máy ảnh luôn kè kè bên anh. Sáng sớm tinh mơ đã thấy anh trên boong chụp cảnh bình minh trên biển. Trời nắng như rang, rát bỏng thịt da nhưng anh vẫn ngồi lì trên boong tàu. Hóa ra, anh vẫn lăm le máy ảnh để rình chụp cá voi, cá heo, cá chuồn, chim biển...

Khi tàu cập đảo, Hoàng Chí Hùng lao nhanh như tên bắn, tiến về phía trước, lựa cho mình những góc máy ổn nhất và bấm máy như bắn súng liên thanh. Tôi thầm nghĩ, hai chiếc máy to tổ chảng đầy pin nhiều khi mệt đứt hơi vì ông chủ của chúng. Anh chụp như người lên đồng. Anh bấm máy như muốn ôm lấy, choán lấy mọi khoảnh khắc.

Người vẽ bản đồ nước Việt bằng ảnh ảnh 15 Sách của tác giả Hoàng Chí Hùng.

Kết quả cho những chuyến đi của Hoàng Chí Hùng là hàng vạn tấm ảnh. Hoàng Chí Hùng đã có 3 tập sách và 8 triển lãm cá nhân, trong đó có 5 lần chủ đề Trường Sa. Hoàng Chí Hùng rất vui khi tập sách ký sự ảnh “Sức sống Trường Sa” của anh do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành đã được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đưa vào nhà trường.

Tập sách là những bức ảnh ghi lại toàn cảnh, diện mạo đời sống của cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên 9 đảo nổi và 12 đảo chìm của Trường Sa, ghi lại những cảm xúc đặc biệt của anh mỗi lần đến với đảo yêu thương!

Với tôi, Hoàng Chí Hùng là người đặc biệt, anh đã vẽ bản đồ đất nước bằng những bức ảnh đặc biệt, được chụp bằng sự đam mê và trái tim nóng bỏng yêu thương.

Anh yêu Trường Sa như thể một chàng trai “phải lòng” một cô gái, lúc nào cũng “kiếm cớ” để gặp mặt, khi gặp rồi nâng niu trân trọng, ngấu nghiến từng giây từng phút.

MỚI - NÓNG