Người Việt trẻ ở Mỹ: Cuộc chiến văn hóa đông - tây

Người Việt trẻ ở Mỹ: Cuộc chiến văn hóa đông - tây
TP - Khi thế hệ người Việt trẻ định cư ở Mỹ bắt đầu già đi, cũng đồng nghĩa với việc họ phải chấp nhận có một lớp con cháu lớn lên, thụ hưởng một nền văn hóa mà chính họ khi mới đặt chân đến nước Mỹ cũng phải ngỡ ngàng.
Người Việt trẻ ở Mỹ: Cuộc chiến văn hóa đông - tây ảnh 1
Ngày lễ tốt nghiệp trường trung học thường được tổ chức rất lớn, đánh dấu sự trưởng thành

Hai nền văn hóa đông - tây hội tụ trong một gia đình đôi khi có đến ba thế hệ ắt không tránh khỏi mâu thuẫn. Cha mẹ không có cách nào khác là nhìn con cái mình trưởng thành với phong cách hoàn toàn khác hẳn nền văn hóa cha mẹ được dạy dỗ.

Khởi đầu

Gia đình ông T, một hôm bị cảnh sát gõ cửa, mời lên làm việc về tội hành hung bé Minh, con gái út của ông. Ở sở cảnh sát, ông T mới biết hôm đó bé Minh đến lớp học có vẻ mệt mỏi, cô giáo hỏi han, lấy tay xoa nhẹ vào lưng thì bé nói đau. Khi giở áo bé lên, cô sửng sốt, yêu cầu nhà trường gọi cảnh sát vì thấy trên lưng bé đầy vết bầm tím ngang dọc.

Cảnh sát phải liên hệ với các bác sĩ và tìm hiểu một số gia đình trong cộng đồng người Việt để khẳng định đó chỉ là do việc cạo gió, chứ không phải bị đánh đập! Tự điểnViệt Anh lúc bấy giờ chưa có từ cạo gió. Thế là, người ta phải đặt cho nó một cái tên: Coin treatment (chữa bệnh bằng đồng xu). Phải một thời gian, người Mỹ mới quen dần khi thấy những vết bầm đỏ trên lưng ai đó, người Việt.

Cũng không ít trường hợp người Việt lúc bấy giờ quen thực hành câu nói của ông bà xưa “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” và  bị con gọi cảnh sát, không ít cha mẹ bị tống giam vì tội hành hung con cái.

Có thể nói ở Mỹ, trẻ em ngay từ khi còn rất nhỏ, được pháp luật bảo vệ rất nghiêm ngặt. Và, đến năm 18 tuổi, các em trở thành người độc lập, không lệ thuộc vào cha mẹ nữa.

Khi con cái dưới 18 tuổi, các mẫu tờ đơn xin đi học ở những trường tiểu học, trung học đều có ghi tên cha mẹ, vì lúc ấy cha mẹ là người chịu trách nhiệm.

Thế nhưng, bước qua tuổi 18, hầu như hồ sơ ghi danh vào đại học, đi xin việc làm, hồ sơ thi bằng lái xe, chẳng đòi hỏi phải ghi rõ về cha mẹ… Ngoại trừ trường hợp muốn xin tiền học bổng, phải chứng minh cha mẹ có thu nhập thấp (nhưng học bổng cũng chỉ đến năm 21 tuổi là hết).

Những bữa tiệc sinh nhật 18 tuổi rất quan trọng, thường tổ chức rất lớn, nó đánh dấu sự trưởng thành của con cái về mặt pháp lý. Con cái toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm về tất cả mọi hành vi.

Sau 18 tuổi, thường bọn trẻ đều có xe riêng. Đi học, đi làm, đi chơi, hầu như vượt khỏi tầm kiểm soát vốn đã rất ít của cha mẹ. Từ việc chúng muốn ra riêng, vừa học, vừa làm đến vấn đề có bạn trai, bạn gái.

Và hầu như, câu đầu tiên mà các bậc cha mẹ Việt Nam mỗi khi nói về con cái lớn đều lắc đầu: “Không bảo được chúng nó!”.

Những lễ nghi ngày càng Mỹ hóa

Ngày trước, người Việt trên đất Mỹ vẫn giữ truyền thống cưới hỏi theo phong tục tập quán Việt Nam và có phần rình rang (kể cả phô trương). Từ đám hỏi, rước dâu, nghi thức gia đình, lễ nhà thờ, tiệc cưới linh đình ở  các nhà hàng sang trọng…

Vào những ngày cuối tuần, người ta thường thấy trước cửa nhà của người Việt có những cổng chào tân hôn hay vu quy. Hàng đoàn dài nhà trai ăn mặc chỉnh tề, quả cưới, heo quay nguyên con, những mâm lễ vật khệ nệ, rất trang trọng trong thủ tục rước dâu theo truyền thống...

Giới trẻ sau này, sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, dần dần bị Mỹ hóa, không thích rườm rà phong tục cưới hỏi Việt Nam. Nhiều cặp đơn giản hóa mọi thủ tục. Bắt đầu là bỏ qua phần đám hỏi, rồi đến rước dâu… Chỉ cần lên đăng ký kết hôn tại sở thị chính thành phố là xong. Thậm chí, nhiều cặp chẳng cần bất cứ một thủ tục nào, sống với nhau như vợ chồng (không ưng thì bỏ).

Đây là một trong những vấn đề đau đầu của các bậc phụ huynh Việt Nam. Họ rất mong muốn thấy con cái mình thành thân lập thất, danh chính ngôn thuận; thế nhưng, sống trong một xã hội mà chuyện ly dị quá phổ biến, các bậc làm cha mẹ hầu như không dám có ý kiến về hôn nhân của con cái mình.

Do đó, khi con cái tới tuổi trưởng thành, ra ở riêng, hoặc sống chung với ai, cũng là ngoài ý muốn và ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ. Nếu có ý kiến gì về gia phong lễ giáo thì sẽ nhận được những câu trả lời rất thực tế: bày vẽ cưới xin làm chi, ba bữa xong ly dị cũng thế.

Sờ sờ những ví dụ trước mắt khiến cha mẹ nghe vậy cũng phải lặng thinh.

Vào thời điểm nghề địa ốc làm ăn phát đạt, vợ chồng anh D phất lên. Nhà cửa, cơ ngơi đàng hoàng, khang trang, ba đứa con học đại học… Gia đình đang êm ấm bỗng có chuyện xảy ra.

Người Việt trẻ ở Mỹ: Cuộc chiến văn hóa đông - tây ảnh 2
HS Tiểu học không phải mặc đồng phục

Số là ba anh D ở VN đau nặng, gia đình kêu anh về thăm ông cụ lần cuối. Ở Sài Gòn một thời gian, anh giở chứng quen với một cô gái mới 25 tuổi, tất nhiên là ngon lành hơn bà vợ xấp xỉ 50! Cái phòng nhì này làm anh D cứ phải đi đi về về, mỗi năm vài chuyến.

Anh giải thích là do ông cụ bệnh khi tỉnh, khi hấp hối nên anh phải về thăm thường hơn. Cuối cùng mọi việc kết thúc. Vợ chồng anh D ly dị. Hai cô con gái đang tuổi đôi mươi, chán sống trong gia đình lạnh lẽo, ra ở riêng, mỗi cô ở với một người bạn trai. Tan đàn xẻ nghé.

Vợ chồng anh D, đều biết con gái mình đang sống tạm, sống thử, nhưng nói làm sao khi bản thân họ cũng vậy.

Hồi đó, hai vợ chồng anh chị K và bốn đứa con đang làm ăn ổn định ở California, bỗng dưng phát hiện cô con gái lớn có thai. Mang nặng tư tưởng Việt Nam, sợ họ hàng bạn bè biết xấu hổ, anh chị bỏ hết công ăn việc làm, dọn qua tiểu bang khác sinh sống.

Có lẽ chẳng ai biết chuyện nếu như gia đình anh K sống bình yên, làm lại từ đầu. Thế nhưng, bắt đầu cuộc sống ở một tiểu bang khác không dễ. Thế là vợ chồng hục hặc. Buồn chuyện nhà, anh K về VN tìm nguồn vui mới, kết hôn với một cô gái gần bằng tuổi con gái lớn của mình. Ly dị xong, chị K cũng sang ngang với một người bản xứ.

Với cách nhìn của người Á Đông, ít ai thông cảm. Nhưng, giờ đây đối với họ mọi thứ đều bình thường. Anh K nói: “Hồi đó chưa thấy nhiều trường hợp như vậy nên quê quá, trốn đi. Chứ như bây giờ thì chẳng sợ. Quá thường”. Anh còn nói: “Nhờ vậy mới có được vợ trẻ”. Còn chị K thì nói: “Bây giờ chị cũng khỏe lắm, ông Mỹ già này có tiền lo cho chị. Mấy đứa con cũng ngon lành”.

Le lói đông thắng tây

Chị H qua Mỹ năm 40 tuổi theo diện đoàn tụ gia đình. Chồng chị qua trước, sau đó bảo lãnh chị và hai con gái qua sau. Bước chân lên xứ người, chị H không chỉ choáng váng về những phương tiện vật chất cũng như văn hóa tây phương, chị còn choáng váng hơn nữa khi biết chồng mình có người khác.

Đau khổ, cay đắng muôn vàn, chị quyết tâm ôm hai con, không lệ thuộc vào người đàn ông bạc bẽo.  Cắm mặt cày, chị bỏ quên việc dạy dỗ con cái. Có muốn cũng không được vì chị đâu có thời gian gần gũi chúng. Chị chỉ biết cố làm lụng để có tiền, mọi chuyện phó thác cho nhà trường và để mặc chúng thích nghi với xã hội hiện đại.

Trong một môi trường như vậy lại thêm hoàn cảnh gia đình tan nát, năm 16 tuổi N, con gái đầu của chị bỏ nhà ra đi sống với một bạn trai. Chị H cũng năm bảy bận khuyên con trở về nhà, nhưng N nói thẳng với mẹ là cô chán sống với gia đình. Vì thiếu hiểu biết (bỏ học sớm), năm 18 tuổi N có hai con và không có chồng.

Đến lúc này, chị H quyết tâm giành lại con, kéo con trở về gia đình. Chị nhận nuôi hai cháu ngoại, năn nỉ N trở lại trường học. Ở Mỹ việc học hành rất dễ dàng. Không muốn học thì thôi, chứ đã quyết tâm thì mọi điều kiện đều thuận lợi.

Sở dĩ năm đó chị H quyết tâm làm lại cuộc đời cho con gái lớn vì chị còn một cô con gái nhỏ nữa đang bước vào tuổi 14. Chị sợ cô em đi theo vết xe đổ của cô chị.

Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng chị H không nản lòng. Cuối cùng công lao của chị được đền bù. Bảy năm sau, N tốt nghiệp đại học và kiếm được việc làm lương hậu.

Giờ đây nhìn hai con có công ăn việc làm, có gia đình hạnh phúc, chị H thường nghĩ, nếu năm đó chị không quyết tâm giành lại con, không biết con gái chị giờ đây như thế nào! Còn N, mỗi khi nghĩ đến ngày đã qua, đến công lao của mẹ, cô vẫn thường nói rằng, mẹ đã cứu cô, lòng bao dung và sự che chở của mẹ cho cô có ngày hôm nay.  

Kinh nghiệm của chị H sau bao năm sống ở Mỹ là, cuộc sống càng văn minh, cha mẹ càng cần phải quan tâm đến con cái nhiều hơn. Quan tâm ở đây không phải là theo dõi chúng hay bạo lực chúng, mà cha mẹ là chỗ dựa vững chắc nhất cho con cái, không làm cho con cái hẫng hụt.

Quan trọng là phải biết chắc chắn rằng cho dù con cái đã qua tuổi 18, được công nhận là trưởng thành, thật ra chúng vẫn chưa thật sự lớn, vẫn cần cha mẹ để mắt đến. Cho dù chúng hưởng thụ hoàn toàn nền văn hóa phương tây, cũng cần phải có sự giáo dục của gia đình để kìm bớt chúng lại , dẫu biết rằng đó là việc rất khó khăn.

MỚI - NÓNG