Đội du kích Thiếu niên Đình Bảng đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND:

Người xưa còn đấy

Người xưa còn đấy
TP - Anh hùng Lao động, nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn, một đội viên du kích Đình Bảng nhớ lại: “Hằng ngày tôi được giao nhiệm vụ qua đình theo dõi ô tô và tình hình tập luyện của địch...".

"Sau đó tôi chuyển tin bằng ký hiệu rồi cho vào vỉ thuốc tây đưa ra giấu ở lăng lòng chảo ngoài cánh đồng, người của ta sẽ đến nhận. 

Tôi biết thổi kèn amonika với những bài dân ca Pháp nên lính lê dương rất thích nghe. Nhờ thế tôi vào đồn, giấu cái máy ảnh đen trắng trong kính vạn hoa chụp lại cảnh lính đang tập luyện”.

Người xưa còn đấy ảnh 1
Các cựu đội viên trong đội thiếu niên du kích Đình Bảng kể chuyện với thiếu niên quê hương vùng kinh Bắc

Người  giao nhiệm vụ và chỉ bảo cho đội viên Nguyễn Đức Thìn lúc ấy là đội trưởng đội du kích Đình Bảng, Nguyễn Thạc Hoàn. Người đội trưởng này ngày ấy khiến cho địch nhiều phen kinh hoàng, đến nỗi chúng treo giải cả vạn tiền đồng Đông Dương cho ai lấy được đầu của Nguyễn Thạc Hoàn.  Thạc Hoàn tham gia đội thiếu niên du kích Đình Bảng khi mới 14 tuổi.

Những ngày đầu hoạt động, Hoàn cùng em trai Nguyễn Thạc Tam, 10 tuổi, đến giặt quần áo cho tên quan sai Pháp. Hai anh em Hoàn, Tam rình chờ những lúc tên quan rời phòng làm việc, lẻn vào tìm tài liệu mật mà không hề run sợ.

Một lần, nhận được chỉ thị của cấp trên yêu cầu tiếp tế gấp đạn cho bộ đội Từ Sơn phá vây, Thạc Hoàn cùng các đội viên bày trò mời lính canh kho vũ khí uống rượu, sau đó lẻn vào chuyển hết mười hòm đạn qua ao, trườn qua bãi đầy thép gai sát bốt giặc, vượt đồn Tiêu Dương giao cho các chú du kích..

Cuối tháng 4/1952, ông Nguyễn Thạc Hoàn được Đảng và Đoàn cử ra vùng tự do dự đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc tại Việt Bắc để báo cáo thành tích đánh Pháp của thiếu niên du kích Đình Bảng. Ông Hoàn nhớ lại: “Tại đại hội năm đó, tôi được gặp Bác Hồ”.

Cuối năm 1953, chi bộ Đảng cử Nguyễn Thạc Tam làm đội trưởng đội thiếu niên du kích. Khi ở cương vị đội trưởng, Thạc Tam khéo léo tổ chức đồng đội thâm nhập vào tận hang ổ để nắm bắt tình hình lực lượng, sự bố phòng, kế hoạch, cây quây càn, bình định của chúng, hoặc đánh cắp tài liệu quân sự, vũ khí địch để chuyển ra khu du kích.

Thạc Tam lập một chiến công vang dội khi giữ làng Đình Bảng khỏi trận pháo của quân giặc.

Ông cho hay: “Lúc đó tôi nhảy cắt hết các dây dẫn nổ. Đến khi ra khỏi đình làng được quãng ngắn, tôi thấy bốt lính Pháp bùng lên một ngọn lửa lớn và, khắp làng ầm ầm chuyển rung, chìm trong biển khói đen mù mịt. Tôi bị hất tung lên nhưng vẫn cố nâng đầu dậy để nhìn thấy đình làng mờ tỏ, uy nghiêm, bề thế”.

Nguyễn Thị Ngữ, em gái của Thạc Hoàn và Thạc Tam cũng góp công vào bảng thành tích của đội du kích lừng danh này khi cùng với các đội viên chiêu hàng được 115 lính ngụy.

Đội trưởng du kích và cái áo của cô hàng giải khát

Nhân vật cô hàng giải khát trong cuốn truyện “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng” của nhà văn Xuân Sách bước vào tuổi bảy mươi nhưng vẫn nhớ đến từng chi tiết những câu chuyện như bán bia cho lính Pháp uống say để các đội viên đổ vào nòng đại bác, giải thoát hàng chục trâu bò địch cướp của dân...

Một kỷ niệm đẹp giữa cô hàng giải khát và đội trưởng Nguyễn Thạc Hoàn: “Hôm ấy anh Hoàn hớt hơ hớt hải chạy vào nhà tôi bảo “cho tớ mượn cái áo, tụi nó đuổi”. Rồi anh lấy cái áo cánh nâu của tôi phơi trên dây mặc vào.

Nhờ cái áo của tôi mà anh ấy thoát chết. Chẳng  ngờ sau này anh ấy tâm sự với mẹ tôi là anh ấy thầm yêu tôi một phần vì cái “mùi  thơm thơm của áo Thư”.

Ông Hoàn cười: “Tôi thích cô nàng mà không dám nói. Cho đến bây giờ vẫn ngửi  thấy mùi thơm thơm từ áo cô nàng”.

Người xưa còn đấy ảnh 2
Sáng 26/3 tại Đền Đô, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, Thượng tướng Phan Trung Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho Đội Du kích Thiếu niên Đình Bảng.

Đội du kích Thiếu niên Đình Bảng thành lập ngày 7/11/1949, lúc đầu có 15 đội viên. Đội Du kích Thiếu niên Đình Bảng lập nhiều chiến công xuất sắc như lấy của địch hàng chục tấn đạn, 13 khẩu súng các loại và nhiều vật dụng khác, lọt vào trận địa của địch đổ axit phá hủy ba đại bác, một súng cối, chín đại liên, rải hàng trăm tờ truyền đơn, tìm đường giải thoát cho 42 cán bộ, chiến sĩ khỏi trại tù của địch, vận động 115 lính ngụy bỏ hàng ngũ về với cách mạng…”.

MỚI - NÓNG