Nguyễn Thị Hồng Ngát với những lời tỏ tình… vu vơ

Nguyễn Thị Hồng Ngát với những lời tỏ tình… vu vơ
TP - Nhà văn, nhà biên kịch, từng là Cục phó Cục Điện ảnh… thế nhưng, cô chỉ thích được gọi là nhà thơ. Một ngày đầu tháng Ba đẹp trời, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với cô về những năm tháng học trò đầy kỷ niệm trên tầng 4 của Cục Điện ảnh…

Thực ra bây giờ kể lại có thể một số bạn sẽ cảm thấy lạ lẫm. Vì tuổi học trò của chúng tôi ngày đó khác các bạn rất nhiều.

Thuở nhỏ học trường làng ở Văn Giang (Hưng Yên), tôi cũng như bao bạn bè cùng trang lứa tham gia đủ trò tinh nghịch và hồn nhiên lắm. Sáng đi học với củ khoai lang luộc được ăn vội. Trưa về, lấy bát cơm nguội ăn rồi lại cầm sọt và liềm đi cắt cỏ cho bò ăn đêm.

Hồi ấy, tôi cũng như mọi đứa trẻ trong làng, rất chăm chỉ và chịu khó. Từ lớp 3 lớp 4, tôi đã ý thức được mình cần phải làm việc để đỡ đần bố mẹ. Và được giao nhiệm vụ chăm một con bò to lắm.

Tuổi thơ tôi êm đềm với những buổi chiều dắt bò lên đê, thả rong, rồi cùng lũ bạn tụ tập, bày ra đủ trò để quậy, để nghịch như: đánh tam cúc, chơi tàu bay giấy, chơi ăn quan, nướng khoai lang…cũng nện nhau ra trò đấy (cười lớn) nhưng thực sự là trong trẻo và hồn nhiên lắm. Thú vị nhất là ngồi đọc truyện trên sườn đê trong lúc chăn bò...

Buổi tối kéo nhau lên đê chơi, đi chặt trộm lá chuối, rải lên dọc sườn đê và nằm. Bọn tôi kể chuyện cho nhau nghe, trăng thanh gió mát rồi thiu thiu ngủ lúc nào không hay. Con trai, con gái có một ranh giới rõ ràng, mỗi bọn nằm một bên.

Có lần cả hai nhóm sau khi bừng tỉnh, thấy còn một bạn nam và một bạn nữ ở hai bên vẫn còn say giấc nồng, thế là ý tưởng lớn gặp nhau, hò nhau đi nhẹ đến bên mỗi bạn và “khênh” họ đặt cạnh nhau. Cả lũ chúng tôi được trận cười nghiêng ngả, rồi gán ghép hai bạn ấy với nhau.

Lũ chúng tôi hồi đó mê tắm sông lắm. Nhưng khổ nỗi tôi lại không biết bơi. Mấy lần suýt chết đuối vì tắm sông, tôi uống no nước, nhưng vẫn thích, sểnh ra một cái là lại lao ra sông. Còn tắm ao, tôi chỉ biết “phi” từ bờ ra cái cọc giữa ao, đứng đó một lúc, rồi lại “phi” về và quay ra khoe với đám bạn “thế là biết bơi rồi đấy” (cười).

Bài tham gia diễn đàn xin gửi về:

diendantuoiteen@gmail.com hoặc Báo Tiền phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội

Cũng có khiếu hát hò, văn nghệ, lại nhiệt tình, nên không phong trào văn nghệ nào tôi không tham gia. Trường hay cắm trại ở đền Chử Đồng Tử, khi đó lại tất bật hát hò, và cũng được thầy yêu bạn quý vì thế. Trang phục biểu diễn giản dị lắm, thậm chí mặc quần phin, áo cánh, không có áo sơ mi, đi chân đất và cứ hồn nhiên cất lời ca tiếng hát.

Mê ca hát từ nhỏ, lại rất thích phim lưu động. Mỗi lần có chiếu phim về làng là phải đi xem cho bằng được dù đang sốt cao. Mẹ ngăn, tôi thuyết phục mẹ bằng cách “cho con đi, xem xong là con sẽ tỉnh, khỏi ốm ngay thôi mà”. Cũng không có vé nữa, tôi đành “xem chui”, lợi dụng lúc mấy chú mải soát vé, thế là “chui ” ngay vào (cười).

15 tuổi, lên Thủ đô học vì thương bố mẹ

Ngày tôi học cấp III trường huyện, phải đi trọ học xa nhà, tốn kém, vừa mất tiền học lại tiền ăn. Thời gian đó, mẹ tôi bị bệnh ung thư phải điều trị ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

Nhìn bố tôi gầy rộc đi vì lo nghĩ, có bữa trong nhà không còn gạo mà ăn, tôi càng thương bố mẹ, chỉ muốn làm thật nhiều để bớt đi gánh nặng cho gia đình. Đúng dịp đó, tôi thấy có giấy chiêu sinh của trường sân khấu. Thế là ý tưởng đi thi để vào học trường nghệ thuật xuất hiện.

Trốn bố mẹ, tôi quyết định đi theo những người buôn chuyến trong làng lên Hà Nội và hỏi đường đi tàu điện về Cầu Giấy dự thi. Tôi quyết định như vậy bởi tôi nghĩ, học nghệ thuật sẽ không tốn tiền ăn, học, sẽ bớt đi phần nào gánh nặng cho gia đình.

Tôi dự thi bằng một bài hát và bài múa. Thầy tuyển sinh đã trực tiếp ra tiễn khi tôi thi xong giữa hàng trăm người thi hôm đó, tôi vô cùng ngạc nhiên về sự ưu đãi đặc biệt này.

Lúc sau thầy dặn “em cứ về đi, 15 ngày sau sẽ có người đến đón em đi học” như một lời báo chắc chắn đỗ. Và đúng 15 ngày sau tôi được đón đi học thật. Khi đó sung sướng lắm, gia đình và bạn bè rất ngạc nhiên, tôi kín tiếng quá mà.

Mỗi tháng tôi được tiêu chuẩn thanh sắc với 3- 4 hộp sữa đặc và 1-2 kg đường. Nghĩ mình sướng như thế này trong khi bố mẹ khổ cực ở nhà mà ăn không cầm lòng.

Thế là tôi ăn rất ít để chắt chiu gửi về nhà cho bố mẹ. Tem phiếu thì dành mua thịt hộp gửi về cho mẹ bồi dưỡng. Thương mẹ đã đành, tôi còn thương bố nữa. Tính của tôi biết nghĩ từ nhỏ nên rất thảo, chỉ mong giúp bố mẹ phần nào.

“Lá thư tình” kẹp giữa quyển truyện

Ngày đi học tôi thuộc diện nổi bật bởi cũng xinh xinh, nhiều người bảo có duyên, trắng trẻo, hát hò được, lém lỉnh lại có giọng nói trong veo. Và cũng vì thế mà có nhiều bạn cùng học thích.

Nhưng hồi đó không có nhiều thời gian để nghĩ đến chuyện yêu đương đâu, và quan niệm về tình yêu nó cũng chưa được thoáng như bây giờ. Vừa rồi lớp tôi họp lớp, bây giờ toàn các ông các bà với nhau cả, mới vỡ lẽ ra là ngày xưa cũng khối chàng thích mình mà không dám nói (cười).

Nhớ nhất một anh hơn tôi một lớp, rất hay cho tôi mượn truyện đọc vì anh biết sở thích này của tôi mà. Thi thoảng trong mỗi cuốn truyện lại có những mẩu thư nhỏ hỏi thăm như “bạn có khỏe không, bạn đã ăn cơm chưa, hôm nay bạn làm gì?”… ngồ ngộ mà vui.

Tôi còn nhớ rõ đó là những tờ giấy pơluya màu hồng xinh xinh, còn được tô vẽ ngộ lắm. Đó là những năm lớp 6, lớp 7 (bằng các bạn lớp 9 lớp 10 bây giờ rồi đấy). Anh cũng chỉ gửi những bức thư vu vơ, không dám tỏ tình. Mãi sau này khi anh đã đi bộ đội, còn tôi học trường sân khấu, anh mới dám viết thư nói rõ tình cảm.

Sau đó tôi cũng xung phong vào chiến trường. Những ngày tháng đi đọc thơ cho các anh bộ đội nghe, gặp cả những anh bạn khóa trên giờ cũng là bộ đội nên quý nhau lắm. Nhưng mối tình đầu của tôi thì phải đến năm 18 tuổi cơ. Anh ấy cũng là bộ đội.

Tình yêu đó cũng như bao tình yêu khác trong chiến tranh được nuôi dưỡng qua hàng trăm bức thư. Nhưng rồi cũng không đi đến đâu vì hồi đó cũng còn trẻ con lắm.

Nhưng những kỷ niệm hào hùng về một thời tuổi trẻ đó, cùng tình yêu được nuôi dưỡng từ trong ngọn lửa ác liệt của chiến tranh thì có lẽ chẳng bao giờ tôi quên.

Hải Yến- Hoài Trâm
Tthực hiện

MỚI - NÓNG