“Nguyễn Văn Thạc trong tôi: Đôi mắt hình dấu hỏi”

“Nguyễn Văn Thạc trong tôi: Đôi mắt hình dấu hỏi”
Một buổi chiều, Báo Tiền Phong tiếp ba cựu chiến binh tay cầm bản nhạc tựa “Mãi mãi tuổi 20”, đề “Thân tặng Thạc- Y và đồng đội của chúng tôi- những người mãi mãi tuổi 20”, tác giả là Nguyễn Quý Lăng.
“Nguyễn Văn Thạc trong tôi: Đôi mắt hình dấu hỏi” ảnh 1

Các anh Lăng, Đạo, Năng (từ phải qua) với bài hát về thế hệ mình ảnh: Phạm Yên

Nguyễn Văn Thạc, tên người liệt sĩ được nhắc rất nhiều trong thời gian gần đây, tác giả cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” do NXB Thanh Niên ấn hành, nghe nói con số đã lên tới 100.000 bản.

Té ra ba người bọn họ: anh Đạo, anh Năng, anh Lăng là những đồng ngũ của anh Thạc, cùng nhập ngũ một ngày, cũng là những chàng sinh viên Hà Nội trẻ trung phơi phới ngày nào.

Chỉ có điều họ đã trở về sau chiến tranh, nay người thì làm giảng viên đại học, người làm phó giám đốc một doanh nghiệp xây dựng của Nhà nước, người làm Phó giám đốc Quỹ Tài năng trẻ của Thành đoàn. 

Hàng năm, không 30/4 thì 6/9 họ lại cùng tụ bạ, nhớ ngày lên đường năm xưa. Giờ họ muốn viết, hát về mình, về anh và bè bạn: “Chúng tôi lên đường tuổi hai mươi. Để lại trang thơ viết dở và một tình yêu chớm nở...”.

Nguyễn Quý Lăng và Nguyễn Văn Thạc vốn là hai chàng sinh viên cùng học Khoá 15 khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhập ngũ thì ở cùng tiểu đội. Sau 3 tháng huấn luyện, Thạc xin vào bộ binh trực tiếp cầm súng, còn anh Lăng vào binh chủng thiết giáp.

Có chút năng khiếu âm nhạc, vào bộ đội làm Tuyên văn, hồi đóng quân ở Vĩnh Yên lúc rỗi rãi anh Lăng được các nhạc sĩ Huy Du, Nguyên Nhung... dạy sáng tác cho. Nhạc lý thì tự học lấy. Anh hát cũng được lắm.

Nhật ký của Nguyễn Văn Thạc thỉnh thoảng lại nhắc tên Lăng “Lăng đi xe tăng rồi...” “Ta nhớ bạn, nhớ Lăng, Hậu, Hải...”. Còn Thạc trong trí nhớ của Lăng: dáng vẻ thư sinh, rất ít nói, học toán giỏi, đá bóng cũng giỏi nhưng đôi mắt lúc nào cũng như một dấu hỏi.

Khi Thạc đi chiến đấu, hi sinh, mãi về sau tôi vẫn cứ ám ảnh một ý nghĩ: "con người như thế không thể biến mất dễ dàng được, vô lý lắm. Thế rồi ngày kia nhìn thấy bức ảnh trên báo An ninh thế giới, tôi à lên: Thạc đây rồi” - Anh Lăng nói.

“Sinh viên vào chiến trường thời đó rất nhiều người tài năng” - Anh Năng thêm.

Những dòng nhật ký của Nguyễn Văn Thạc được công bố, ngoài niềm cảm phục tiếc thương một con người sống đẹp, hình như còn gợi sự tiếc nuối nữa: nếu Thạc còn sống trở về, biết đâu chúng ta sẽ có thêm một Bảo Ninh, Phạm Tiến Duật...?

Tiếc thay 4 tập thơ anh làm khi đang hành quân đã không giữ được, may còn trang nhật ký. Tiếc nuối thì nhiều nhưng nói như Thanh Thảo- nhà thơ, cựu binh chống Mỹ: Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/Nhưng tuổi 20 làm sao không tiếc/Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc/Cỏ sắc mà ấm quá phải không em.

Vào 16/8 tới đây, tại khu Thái Học- Văn Miếu sẽ có cuộc ra mắt Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” dành cho những học sinh sinh viên giỏi Văn toàn quốc, do chị Phạm Thị Như Anh bạn gái của Nguyễn Văn Thạc và một số đơn vị, cá nhân lập ra (lúc đầu Quỹ định lấy tên Nguyễn Văn Thạc).

Một số thủ khoa khối C kỳ thi đại học vừa qua là những người đầu tiên nhận học bổng này. Xen kẽ chương trình có thể là các bài hát Thời hoa đỏ, Màu hoa đỏ…

Những người bạn – người đồng ngũ của anh Thạc muốn bài hát “Mãi mãi tuổi 20” cũng sẽ vang lên trong buổi lễ đầy ý nghĩa này. Cùng thời điểm, các nhà làm phim tài liệu của Truyền hình Hà Nội cũng lên đường vào Quảng Trị làm một bộ phim về liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, phim “Cây bạch đàn cuối cùng”. 

MỚI - NÓNG