Nhà phát minh của làng

Giang Thiên Phú.
Giang Thiên Phú.
TP - Ở tuổi 27, Giang Thiên Phú kinh qua nhiều công việc, mới nhất là Trưởng nhóm Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm Công ty Vincommerce của Tập đoàn Vingroup. Dù làm việc gì, anh chàng này cũng sáng tạo không ngừng để thỏa đam mê từ thời còn trên ghế nhà trường.

Giám đốc tuổi 20


Năm 2007, ở tuổi 18, khi được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, Giang Thiên Phú đã có bảng thành tích đáng nể. Nhiều lần đoạt giải sáng tạo của Báo Thiếu niên tiền phong, tác giả của nhiều sáng tạo như Robot xây thành Cổ Loa, Xuồng máy điều khiển từ xa, lập trang web sangtaotre.org. 

Ba lần Phú đoạt giải Cuộc thi Sáng tạo dành cho Thiếu niên nhi đồng toàn quốc do Quỹ VIFOTEC tổ chức, gồm giải nhất với Máy vệ sinh trại gà, giải ba với mô hình Máy bay điều khiển từ xa và giải nhất với Kính hiển vi làm từ webcam. Phú cũng từng nhận Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo và Giải thưởng WIPO của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới. Những sáng tạo này được Phú thực hiện khi là học sinh trường THPT Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Nhờ đó, anh chàng sinh năm 1989 này được nhiều người gọi bằng cái tên “nhà phát minh trẻ” của làng. 

Ở tuổi 27, khi nhiều người mới bắt đầu con đường sự nghiệp, Phú đã có một hành trình dài với nhiều công việc khác nhau. Từ 2007 đến 2009, Phú là sinh viên Trung tâm lập trình viên quốc tế Aprotrain-Aptech. Thời gian này, vừa học vừa làm lấy kinh nghiệm, Phú và cộng sự làm sản phẩm YOO (giống như mạng xã hội với chức năng chat, gửi tin nhắn, kết bạn, viết tâm trạng), dựng web “Hành tinh mãi xanh”. 

Năm 2009, Phú lập Công ty TNHH Công nghệ & Dịch vụ Thiên Phú, chuyên bán máy tính, thiết kế hệ thống mạng. Công ty tồn tại đúng một năm thì giải thể. “Chuyện lập và giải thể công ty hồi đó của mình là quyết định của một người chưa biết phải chịu trách nhiệm với việc mình làm, với những người mình cùng làm việc, chỉ là thích thế nào thì làm thế đó. 

Nhưng dù sao sự trải nghiệm đó cũng là bài học cho tôi, điều trong nhà trường tôi không được học, ở khía cạnh nào đó, những trải nghiệm, thất bại, sai lầm đều có ý nghĩa và đóng góp vào lựa chọn tiếp theo của tôi” - Phú chia sẻ. Tuy nhiên, công ty sau đó được cải tổ, nay là công ty TNHH Gadget Việt Nam.

“Chuyện lập và giải thể công ty hồi đó của mình là quyết định của một người chưa biết phải chịu trách nhiệm với việc mình làm, với những người mình cùng làm việc, chỉ là thích thế nào thì làm thế đó. Nhưng dù sao sự trải nghiệm đó cũng là bài học cho tôi, điều mà trong nhà trường tôi không được học. Ở khía cạnh nào đó, những trải nghiệm, thất bại, sai lầm đều có ý nghĩa và đóng góp vào lựa chọn tiếp theo của tôi” 

Giang Thiên Phú

Cũng thời gian này, Giang Thiên Phú có ý định trở lại Aptech để thử sức trong việc giảng dạy. Trải qua bốn vòng thi tuyển gắt gao, Phú được nhận vào làm giảng viên Trường Đào tạo lập trình viên quốc tế Aprotrain Aptech, là một trong số ít người được vào giảng dạy tại đây dù chưa từng tốt nghiệp ĐH. 

Thầy Trần Khánh, người từng dạy Phú trong thời gian học ở Aptech, cũng là người mời Phú tham gia kỳ thi tuyển giảng viên vào Aptech kể, ở Aptech không đòi hỏi bằng cấp cao mà cần có những chứng chỉ theo quy định. 

Người nào dạy môn gì thì phải trải qua thi tuyển môn đó với điểm tối thiểu đạt 80%, phải có hai buổi giảng thử kỹ năng sư phạm, gồm kỹ năng thứ nhất là nói cho học trò hiểu vấn đề mình đang nói và thứ hai là giảng thực hành, giúp học trò thực hành. Phú thi lần đầu không đạt vì còn vấp một số lỗi. Lần thứ hai, Phú đạt chuẩn giảng viên của Aptech và dạy chuyên ngành Java hơn một năm. Đến nay, Phú vẫn làm công tác thỉnh giảng ở đây. 

Từ năm 2012 đến 2015, Phú đảm nhận vai trò là Giám đốc Công nghệ của Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ Hòa Bình. Mới đây, anh chàng lại nhảy việc, nhận chức mới là Trưởng nhóm Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm Công ty Vincommerce của Tập đoàn Vingroup, đánh dấu bước phát triển mới trong hành trình đam mê sáng tạo của chàng trai tuổi Tỵ.

Nhà phát minh của làng ảnh 1
Đam mê là động lực

Phú được biết đến là tấm gương về lòng say mê tìm tòi, sáng tạo. Điều kiện gia đình không mấy khá giả, Phú tự mày mò học hỏi và viết truyện cười gửi báo để lấy tiền mua vật liệu, linh kiện chế tạo máy. 

Cậu từng bị cấm đoán việc tháo tháo, lắp lắp để tập trung vào việc học và không ít lần phải tự tay đốt sản phẩm mới làm ra. Tuy nhiên, Phú vẫn say sưa với những máy móc, công nghệ. Cũng bởi đam mê sáng tạo nên Phú có một quyết định khá táo bạo ở tuổi 18. 

Phú tâm sự, năm 2007, khi tốt nghiệp phổ thông, anh đăng ký dự thi tuyển sinh vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng trượt nguyện vọng một. Điểm thi của Phú chỉ đủ để anh trúng tuyển vào một trường khác có điểm chuẩn thấp hơn và Phú cũng đã phân vân định nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội nhưng lại dừng. “Tôi cũng từng nghĩ nếu đỗ vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, có lẽ tôi sẽ học và tốt nghiệp. Nhưng không đỗ và tôi không nhất thiết phải cố gắng để có một tấm bằng ĐH ở nơi khác khi mình không thấy thích, chưa muốn học”.

Trong lúc nhiều thí sinh lo tìm một nơi đủ điều kiện để xét tuyển ĐH và nhất định phải là ĐH thì Phú dành thời gian để nghĩ về “nghề nào mình nên làm cho đáng”. Anh kể lại: “Ban đầu tôi thích học chế tạo máy hay điện tử. Nhưng trong suy nghĩ non nớt của tôi khi đó thì tôi nên chọn công nghệ thông tin. Đơn giản vì khi thiết kế một sản phẩm phần mềm nếu không thành công thì có thể bỏ đi làm lại, không tốn kém về vật chất. 

Sau này tôi mới hiểu vật chất còn là thời gian, là công sức bỏ ra nữa. Và lĩnh vực tôi theo đuổi, những cái làm không thành công còn lãng phí hơn nhiều những gì tôi nghĩ trước đây. Tuy nhiên, nhờ suy nghĩ thời đó, tôi đã chọn thiết kế phần mềm, công việc mà tới giờ tôi vẫn gắn bó”.

Nhà phát minh của làng ảnh 2 Giang Thiên Phú trong một lần chia sẻ kinh nghiệm về nghề lập trình với các bạn trẻ của APT Aptech.

Giang Thiên Phú được học bổng của Trung tâm Aprotrain Aptech ngành Thiết kế phần mềm. Năm 2010, với kết quả học tập tốt ở đây, Phú được chuyển tiếp học ĐH Greenwich nhưng anh lại quyết định bảo lưu để theo đuổi những công việc đang làm.  

Phú cho rằng, mỗi người có một con đường, một lựa chọn, nhưng mỗi bạn trẻ phải có một đam mê và lựa chọn ngành vừa sức để học. Dù trình độ có thể chưa tốt, nhưng có đam mê và dám theo đuổi đam mê thì sẽ thành công. Phú cho rằng, trình độ có thể chăm chỉ học sẽ có, nhưng đam mê và dám theo đuổi đam mê không phải ai cũng có. Những người có đam mê sẽ gắn bó với công việc và có thể đạt tới thành công.

Cũng theo Phú, đam mê không đồng nhất với sự mơ hồ, ảo tưởng. Để làm được điều đó, mỗi bạn trẻ cần phải thực hiện những công việc cụ thể. “Tôi không bao giờ nghĩ làm bài tập để đối phó. Tôi thích làm những sản phẩm phục vụ đời sống. Tôi muốn những sản phẩm của mình được sử dụng trong cuộc sống”, Giang Thiên Phú chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.