Nhà văn trẻ "cày" nhiều

Nhà văn trẻ "cày" nhiều
TP- Viết văn là công việc nhàn hạ hay sự tự hành xác? Đằng sau những tập sách của các nhà văn trẻ có năng lực sáng tạo dồi dào mà trong giới hay gọi vui “đẻ sòn sòn” là điều gì?

Gặp Nguyễn Văn Học, nhiều người khó hình dung chàng sinh viên sinh năm 1981 học năm cuối Khoa Viết văn Trường Đại học Văn  hóa ăn mặc xuềnh xoàng này là nhà văn… “đẻ nhiều”. Nhưng Học đã in 2 tập thơ, 4 tiểu thuyết và 3 tập truyện; riêng tiểu thuyết “Gái điếm” tái bản tới 3 lần. Anh sinh viên này đang làm thủ tục xuất bản một tiểu thuyết nữa dày 300 trang.

Cấn Vân Khánh – một sinh viên khác của khoa Viết văn đang làm mưa làm gió trên văn đàn suốt hai năm nay với những truyện tình cảm nhẹ nhàng, lãng mạn đã xuất bản 4 tập truyện ngắn trong đó có những tập tái bản nhiều lần liên tiếp. Khánh nói: “Không nhất thiết viết ít mới là hay còn viết nhiều lại là dở đâu”.

Nguyễn Đình Tú cũng là một “cao thủ” xuất hiện liên tục. Đến nay anh đã in 6 tập truyện ngắn và 3 tiểu thuyết. Anh chia sẻ: “Đời văn có người viết nhiều, có người viết ít, tùy”. Hỏi anh về “Nháp” cuốn tiểu thuyết mới nhất gây xôn xao vì những chuyện tình yêu tình dục của giới trẻ, mãi mới in được sau khi qua 3 - 4 nhà xuất bản, anh nói: Tôi quên rồi, lại đang bắt tay vào viết cuốn mới!

Nhà văn trẻ "cày" nhiều ảnh 1
Đặng Thiều Quang

Năm 2007, Đặng Thiều Quang in liền 2 cuốn, năm 2008 lại “đẻ” thêm hai cuốn nữa. Theo Quang: “Là nhà văn thì phải viết liên tục. Dừng lại nghĩa là bị bỏ rơi”. Hỏi về “cuốn sách để đời”, Quang dí dỏm: “Nói cả đời chỉ viết một cuốn để đời, trong khi biết đâu anh ta lại có thể viết nhiều cuốn để đời thì sao?”. Cùng quan điểm này, Di Li nửa đùa nửa thật: “Cho ra đời hàng chục tác phẩm để đời thì là tốt nhất. Có nhiều người “dồn nén” cảm xúc mà có được tác phẩm để đời nào đâu?!”.

Di Li cũng có năng suất đáng nể, dù chị còn đi dạy tiếng Anh, viết báo và làm PR manager cho một công ty. Năm 2007, Di Li in 2 tập truyện ngắn. Cuốn tiểu thuyết “Trại hoa đỏ” của chị ra mắt vào đầu tháng 1/2009. Di Li viết nhanh, “ngồi là viết”, kể cả lúc con cái nheo nhéo và bếp núc bộn bề. Chị bảo : “Giờ tôi viết chậm hơn trước. Trước 1 buổi chiều viết 4.000-5.000 từ thì giờ chỉ viết được 2.000 - 3.000 chữ, thậm chí ít hơn”.  Dù vậy thì vẫn quá năng suất, bằng hoặc hơn viết báo.

Một nữ nhà văn nữa, Phong Điệp, lúc nào cũng tất bật với bài vở (chị làm biên tập viên báo Văn nghệ trẻ, lại còn làm admin trang phongdiep.net khá hot) và hai đứa con gái nhỏ mà Điệp đùa là “các chị tôi”. Thế nhưng nữ nhà văn trên ba mươi này đã có 10 đầu sách được xuất bản. Những năm gần đây, Phong Điệp in khá  đều đặn, năm một, có năm 2 cuốn. Chị đang hoàn tất cuốn tiểu thuyết có nhan đề khá thời thượng “Blogger” - sẽ ra mắt vào đầu năm 2009.

Nhà văn trẻ "cày" nhiều ảnh 2
Di Li

Duy trì việc viết mỗi ngày – đó là bí quyết của chị. “Tôi xin lưu ý là “viết” chứ không phải là sáng tác” – Phong Điệp nói. Có lẽ đó cũng là cách mà rất nhiều nhà văn đang âm thầm làm.

Nói về thói quen viết của các nhà văn trẻ cũng có nhiều chuyện lý thú. Trần Nhã Thụy dậy sớm, đi giải quyết mọi công việc trong buổi sáng. Đến trưa về nhà, ngủ một giấc, rồi viết. Nhưng anh thú nhận: “Ít khi tôi viết được liền một mạch”. Cấn Vân Khánh thì viết như chơi với tinh thần “tập trung tinh thần cao độ chứ không ngồi lì trên máy tính” tuy nhiên chị sửa rất kỹ. Đặng Thiều Quang thì “vào cuộc tôi viết bất kể ngày đêm, cho tới khi mệt mỏi mới nghỉ ngơi, ngủ vùi”. Riêng Nguyễn Danh Lam có vẻ “ quái ” nhất, anh luôn viết từ 0 giờ trở đi cho đến sáng bạch hàng ngày. 8 giờ sáng của mọi người với anh là 10 giờ đêm.

Nhà văn trẻ "cày" nhiều ảnh 3
Nguyễn Danh Lam

Cơm áo không đùa, hiện nay, sách in một lần thường chỉ nghìn cuốn, nhuận bút khoảng 10% giá bìa. Một cuốn sách được in tới 4.000 bản như của Nguyễn Văn Học nhuận bút cũng chỉ trên 10 triệu (giá bìa khoảng 30.000 đồng). Người lập kỷ lục có lẽ là Di Li, cuốn sách mới nhất của chị giá bán xấp xỉ 100.000đ/cuốn nhưng in đợt đầu đã là 4.000 cuốn. Hỏi “bí quyết”, Di Li nửa đùa nửa thật: Cho hai đối tác cạnh tranh với nhau còn mình làm “trọng tài”! Giỏi đàm phán như thế nên chị sẵn sàng tuyên bố: “Sách của tôi bán cũng tạm ổn và cá nhân tôi có thể sống bằng nghề viết”. Năm tới, Di Li dự định ra mắt một cuốn bút ký, một tập truyện ngắn và tiếp tục “pốt” dần cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị thứ hai lên mạng.

Người tự tin như Di Li không nhiều. Viết khỏe như Đặng Thiều Quang mà vẫn phải sống khá vất vả. Anh làm đủ nghề để kiếm cơm cho mình và vợ con với dáng vẻ của một người “tử vì đạo” khi chỉ mải mê viết và viết. Năm 2009 anh “rao” sẽ ra tiếp một tập truyện ngắn, một tập tạp bút, tái bản tiểu thuyết “Hoen gỉ” - cuốn sách đầu tay viết cách đây gần 10 năm. Anh còn viết (chung với nhiều tác giả khác) bộ sách “Cẩm nang về kỹ thuật câu cá”, đang viết dở một tiểu thuyết và một truyện dài.

Nhà văn trẻ "cày" nhiều ảnh 4

Trần Nhã Thụy

Xung quanh chuyện nhuận bút của các nhà văn trẻ thật lắm bi hài. Trần Nhã Thụy chua chát: “Thù lao một quyển sách giống kiểu “có chồng hờ hững cũng như không”. Nguyễn Danh Lam “khai”: Sách in ra, tôi trừ hơn một nửa nhuận bút mua lại sách mình, để tặng bạn bè, người quen làm… kỉ niệm! Số tiền còn lại tôi đem về… báo cáo vợ: “Đây là nhuận bút sáng- tác- văn- học của anh, em cầm đi mua thức ăn cho… mấy con cá vàng trong hồ kính! Một cuốn sách, đủ cho mấy con cá ấy sống cả đời!”. Với những người còn đang theo học (viết văn) như Nguyễn Văn Học và Cấn Vân Khánh, số nhuận bút nhỏ nhoi cũng đỡ đần họ được phần nào qua những bữa cơm sinh viên gian khó. Riêng Nguyễn Đình Tú có vẻ thờ ơ (?) với vấn đề này, anh nói: Tôi viết xong là đưa đến một NXB nào đó và hoàn toàn phó thác cho họ!

Dù sao mặc lòng, viết như một sự hành xác nhưng với nhiều nhà văn trẻ hôm nay, cuốn sách hay nhất vẫn luôn là cuốn sách ở phía trước...

Dù sao mặc lòng viết như một sự hành xác nhưng với nhiều nhà văn trẻ hôm nay, cuốn sách hay nhất vẫn luôn là cuốn sách ở phía trước..

MỚI - NÓNG