Đại biểu sinh viên Thủ đô đối thoại với lãnh đạo Thành phố:

Nhân tài đến lại đi, vì sao?

Nhân tài đến lại đi, vì sao?
TP - “Năm nào TP Hà Nội cũng tổ chức tôn vinh thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp đại học (ĐH) và mời gọi ở lại làm việc ở những cơ quan của TP nhưng số ở lại rất ít hoặc làm rồi lại bỏ? Vì sao?”

Đó là nội dung - Đại biểu Tôn Quang Hòa, Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH Hà Nội chất vấn lãnh đạo TP Hà Nội.

Đó cũng là chủ đề nóng của buổi gặp gỡ lãnh đạo TP Hà Nội trong khuôn khổ Đại hội Đại biểu Hội sinh viên TP Hà Nội lần thứ V diễn ra ngày 11/1. Buổi gặp gỡ kéo dài hơn hai giờ.

Chỉ 17% số thủ khoa ở lại

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tôn Quang Hòa, bà Nguyễn Thị Vinh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, nói:

“Việc tôn vinh cũng như cơ chế mời gọi những thủ khoa ở lại làm việc trong các cơ quan của TP bắt đầu từ 2003 cho tới nay. UBND TP Hà Nội cũng đã giao cho Sở Nội vụ xây dựng một cơ chế thuận lợi cho những thủ khoa ở lại làm việc như xét tuyển thẳng, hỗ trợ học sau ĐH, tiến sĩ tại nước ngoài.... 

Hiện có khoảng 600 thủ khoa được TP tổ chức tuyên dương, tuy nhiên mới có gần 100 thủ khoa ở lại làm việc tại các cơ quan TP (chỉ khoảng 17%). Nhiều cơ quan tiếp nhận đánh giá cao năng lực của thủ khoa. Nhiều tọa đàm giữa lãnh đạo TP với thủ khoa cũng được tổ chức để nghe ý kiến phản hồi để điều chỉnh chính sách phù hợp hơn”.

Anh Nguyễn Văn Phong, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội thừa nhận: “Con số chỉ 17% số thủ khoa ở lại đặt ra nhiều câu hỏi, nhất là môi trường làm việc và sự ưu đãi. Nhưng cũng có nhiều lý do khác: Có thủ khoa đến làm việc rồi lại đi học tiếp hoặc chuyển sang làm ở các Cty liên doanh nước ngoài vì thu nhập cao gấp nhiều lần...”.

Chưa bằng lòng với những câu trả lời, đại biểu Nguyễn Thị Cẩm Quyên nhấn mạnh: “Bà đã nghe phản ánh của những thủ khoa từng làm việc tại các cơ quan TP về môi trường làm việc chưa?”.

“Thủ khoa thường quan tâm thu nhập và chế độ lương, nhà ở hoặc đòi hỏi cao hơn. Tuy nhiên, tôi chưa được nghe ai  phản ánh rằng, môi trường làm việc tại các cơ quan của TP có vấn đề” - Bà Vinh trả lời.

Mong thủ khoa về công tác ở cơ sở

Vẫn là vấn đề việc làm, sinh viên Đinh Quang Tâm, Học viện Tài chính, thắc mắc: “Nhiều tỉnh, thành trong nước tạo cơ chế thông thoáng mời gọi SV tốt nghiệp ở lại, đồng thời có đề án bồi dưỡng SV ở lại. Tại sao Hà Nội chưa có?”.

Ông Tưởng Phi Chiến, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng: “Nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thủ đô.

Quan điểm của lãnh đạo TP hiện nay không chỉ mong muốn SV ở lại nghiên cứu khoa học hay làm việc cho cơ quan hành chính trên địa bàn TP mà  muốn các bạn hãy xuống những cơ sở, đến những vùng ngoại thành xa xôi. Ở đó cần các bạn. Số lượng SV tại TP là rất lớn, TP không thể tiếp nhận tất cả SV muốn ở lại”.

Về điều kiện ăn ở, vui chơi giải trí của SV, ông Tưởng Phi Chiến nói: “Nhà trọ SV có thể nói gọn trong mấy chữ: Chật chội, ẩm thấp, tối tăm và đắt đỏ! UBND TP đã yếu kém trong việc quản lý quy hoạch đô thị hoặc chưa tính đến những việc này. Địa giới hành chính Thủ đô đã được mở rộng, quỹ đất cho nhà trọ SV chất lượng cao, khu vui chơi giải trí cho người dân sẽ được tính đến trong thời gian nhanh nhất. Sắp tới, UBND TP cũng sẽ tham mưu cho Bộ GD&ĐT soạn thảo quy chế quản lý nhà trọ SV thiết thực nhất”.
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.