Nhận thư nhà, nước mắt rơi

Nhận thư nhà, nước mắt rơi
TP - Rời xa thành thị ồn ào, xa những căn phòng tiện nghi, những cục cưng, cu tí vào học kỳ quân đội sống cuộc sống nhà binh. Mười ngày dãi nắng dầm mưa, nhiều em thay đổi tính cách, biết sống cảm thông, yêu thương và chia sẻ.
Nhận thư nhà, nước mắt rơi ảnh 1
Lần đầu tiên nhận và viết thư cho gia đình

Hành trình hơn 110km từ TPHCM tới Trung đoàn 88 (Long Giao - Cẩm Mỹ - Đồng Nai), 210 bạn trẻ bắt đầu tham gia học kỳ quân đội lớp bộ binh. Đi mỏi chân mới tới được nơi đóng quân.

Bốn dãy nhà lợp fibro xi măng với những dãy giường đôi, nơi ở của 210 tân binh. Sau khi làm thủ tục nhập ngũ, bài học đầu tiên của học viên là học cách gấp chăn, màn, gối.

Nhiều cậu ấm tròn xoe mắt nhìn các chiến sĩ gấp chăn màn, vuông góc trên từng centimet. Nguyễn Tuấn Anh (Tiểu đội 7), bày tỏ: “Ở nhà chăn màn ngủ dậy, em thường vo tròn lại để đầu giường. Giờ phải học cách gấp vuông vức như chiếc hộp này thật khó”. Thế nhưng, chỉ sau hai lần học gấp, Tuấn Anh khoe: “Em gấp được rồi”.

Hết giờ học gấp chăn màn, các học viên bắt đầu làm quen với việc tắm chung ở những bể nước rộng lớn và lạnh. Những bộ đồ quân trang dày cộp đỏ quạch màu đất, học viên phải giặt bằng tay. Không vò được, nhiều học viên đành nhảy lên dùng chân đạp, lập tức, bị các chiến sĩ nhắc nhở.

Đến giờ ăn, mỗi học viên được phát một chiếc bát, một đôi đũa và một chiếc ghế. Khi bắt đầu có hiệu lệnh ăn cơm, cả tiểu đoàn xếp hàng và đi ăn theo thứ tự. Học viên tự mang theo ghế ngồi và bát. Một học viên lỡ đánh vỡ bát, liền bị nhắc nhở nếu tái phạm sẽ phải dùng tay để ăn.

Cơm quân đội được cho vào một chiếc nồi to đặt trên bàn. Bữa cơm có đĩa thịt, canh và rau luộc, căng tin chỉ bán vài đồ ăn lặt vặt, học viên không hợp khẩu vị cũng phải ăn, nếu không đành nhịn đói.

Nguyễn Thế Tín (13 tuổi, Gò Vấp, TP HCM) thành viên nhỏ tuổi nhất của đoàn bắt đầu thấy vui và quen với cuộc sống quân ngũ. “Em thấy tự tin hơn”, Tín chia sẻ. Khó khăn nhất với Tín vẫn là việc dậy sớm vào mỗi sáng và phải giặt những bộ quân phục dày cộp.

Lá thư chan đầy nước mắt

Nhận thư nhà, nước mắt rơi ảnh 2
Gấp chăn màn đẹp từng centimet

Theo chương trình, các học viên đều phải viết thư cho gia đình và ngược lại. Đêm thứ hai nhận thư từ cha mẹ, cả tập thể hơn 200 học viên lặng đi, nhiều tiếng khóc nấc lên. Nguyễn Anh Tuấn nức nở trong nhật ký: “Bấy lâu sao con chưa bao giờ nói được tiếng yêu mẹ cho dù mẹ mong điều đó thật nhiều”.

Rất nhiều học viên dũng cảm đọc thư của cha mẹ gửi cho mình trước cả đại đội. Qua thư, nhiều cha mẹ gửi gắm hy vọng ước mơ cả đời mình nơi con. Mẹ cu Đức nhắn nhủ: “Xa gia đình, xa với lúc ở nhà đừng sợ con nhé. Khó khăn không gì có hại cho con cả. Chúc con trở thành một thanh niên trưởng thành”.

Phụ huynh của Nguyên Khang viết: “Học kỳ quân đội quá ngắn để thay đổi một con người nhưng mẹ hi vọng con sẽ cứng cỏi hơn, biết kiềm chế bản thân hơn”.

Học viên Nguyễn Ngọc Trí Dũng (Tiểu đội 10) chia sẻ sau khi nhận thư: “Nhận được thư của gia đình, cảm xúc trong em lâng lâng khó tả. Đọc từng chữ, em sởn cả gai ốc vì xúc động. Chưa bao giờ em nhận được thư của người thân. Xa nhà mới thấy hết tình yêu cha mẹ dành cho mình”.

Cả đại đội khóc khi lá thư của phụ huynh Nguyễn Thị Hồng Hoa từ Vũng Tàu viết cho cậu con trai. “Ngày hôm nay, nhìn con mặc áo lính, mẹ thấy hạnh phúc thực sự. Cuộc đời mẹ vừa phải làm mẹ, vừa phải làm bố. Công việc lớn nhất đời mẹ là dạy con nên người. Học trong sách vở, trường lớp chưa đủ đâu con ạ. Con cần học hỏi kĩ năng sống, tinh thần tự lập và thích nghi với hoàn cảnh sống con ạ”.

Đêm thứ ba, trong hội trường lại tiếp tục những lá thư từ phụ huynh. “Sống có ba mẹ nhiều quá nên các em quên mất mình đang ở gần ba mẹ. Lần đầu tiên sống xa nhà và cảm nhận được những lá thư, những tình cảm của ba mẹ các em hãy tĩnh tâm lại, nhìn lại những hình ảnh đã qua” - lời của đại diện ban tổ chức.

Điện tắt, thay vào đó là những chiếc nến. Huyền ảo. Đây đó tiếng nấc nghẹn ngào. “Ba mẹ ơi, những ngày trong quân ngũ con không được thức khuya tới 11 giờ, cũng không được ngủ nướng... Con xin lỗi vì tất cả những gì con đã làm ba mẹ phải phiền lòng”,  Trần Minh Đức viết.

Anh Nguyễn Thành Nhân, Trưởng ban tổ chức học kỳ quân đội, cho biết: “Kết thúc học kỳ quân đội, các em đều có những thay đổi qua từng hoạt động. Tính kỷ luật nghiêm ngặt, sống có khuôn khổ giúp các em hiểu được sự vất vả khó nhọc...Từ đó, các em sống thương yêu cha mẹ, sống tình cảm và có trách nhiệm với bạn bè, đồng đội”.

Học kỳ quân đội năm nay thu hút học viên đến từ 30 tỉnh thành trên toàn quốc, được chia thành hai lớp: Lớp Bộ binh có 210 học viên tham gia đóng quân tại Trung đoàn 88, Sư đoàn 302 tại xã Long Giao - Cẩm Mỹ -  Đồng Nai; Lớp Hải quân với 70 học viên đóng quân tại Hải quân vùng 5 Phú Quốc-Kiên Giang.

Lớp Hải quân rèn luyện các kĩ năng sinh tồn, chia sẻ tinh thần đồng đội và kỷ luật trong quân đội.

Ngày 1/9/2009, ban tổ chức bắt đầu nhận đăng kí học viên tham gia học kỳ quân đội 2010.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.