Nhà trọ mùa thu hoạch: Liên minh khai thác điểm yếu

Nhà trọ mùa thu hoạch: Liên minh khai thác điểm yếu
TP - Sau ngày khai trường, sinh viên từ các tỉnh đổ về thành phố nhập học cũng là lúc các ông bà chủ nhà trọ ở Hà Nội bước vào mùa thu (hoạch) mới.

>> Ký túc đẩy ra, nhà trọ mời vào

Ba nhất

Nhà trọ mùa thu hoạch: Liên minh khai thác điểm yếu ảnh 1
Nhà chưa xây xong đã đắt hàng

Đang mùa mưa, nhưng từng dãy nhà trọ vẫn thi nhau mọc lên ở làng Triều Khúc, Phùng Khoang, Nhân Chính, Từ Liêm, Hà Nội… Chủ nhà trọ giờ đây rất thức thời, họ không xây nhà dãy kiểu cấp bốn lợp fibrô ximăng nữa mà đổ móng bê tông cốt thép để lên 2-3 tầng, tận dụng tối đa diện tích đất để tăng thu nhập.

Họ cũng nắm bắt được nhu cầu đa dạng của người thuê phòng: sinh viên, học sinh đi ôn thi chỉ cần phòng khoảng 10 m2, không khép kín với giá từ 600 đến 800.000 đồng/tháng có thể ở 2-3 người; người đi làm, mới có gia đình hoặc sinh viên thuộc diện quý tộc thì có phòng khép kín, rộng 14 - 20 m2 có đường truyền internet, giá 1,5 - 2,5 triệu đồng/ tháng.

Tuy nhiên, vẫn có không ít những căn phòng được xây dựng với tiêu chí ba nhất: vật liệu rẻ nhất, thi công nhanh nhất và được cho thuê với giá cao nhất.

Một chị phụ hồ quê Nam Định, tiết lộ: "Chị theo đội thợ đi làm mấy chục dãy nhà cho sinh viên thuê ở làng Triều Khúc, chủ nhà toàn mua vật liệu chất lượng thấp, xây xong trát vôi ve vào ai biết bên trong thế nào.

Tường mỏng, mái tôn thấp lè tè, mùa hè nóng như thiêu, mưa thì ồn như gõ búa trên đỉnh đầu. Chỉ qua một mùa mưa là nước ngấm vào tường, rêu mốc loang lổ. Cửa đóng bằng gỗ tạp, được vài hôm lại cong vênh, hở toang hoác…".  Những dãy nhà cho thuê được xây ngay trong diện tích đất tận dụng của vườn nhà, đất canh tác, thậm chí cả đất lấn chiếm.

Liên minh

Nhà  chưa xây xong đã có người đến hỏi thuê, đặt tiền trước luôn cả khu vài chục phòng. Cho nên mặc dù công trình chưa hoàn thiện nhưng các chủ nhà vẫn lắc đầu: Hết phòng.

Tìm hiểu mới biết, hóa ra đã có sự liên minh chặt chẽ giữa chủ nhà trọ và các trung tâm môi giới, đặt tiền trước để đầu cơ phòng trọ. Người cần thuê sau một vòng đi hỏi chán chê không có phòng, đành phải đến trung tâm.

Trước tiên nộp 50.000 đồng phí giao dịch để được dẫn đi xem phòng (tối đa là ba phòng/ lần đi, nếu chưa ưng ý thì nộp thêm tiền sẽ được chỉ thêm ba phòng nữa). Lòng vòng một hồi, có khi lại được dẫn đến đúng cái nhà vừa được chủ thông báo hết phòng. Sau khi tìm được phòng vừa ý, người thuê phải trả cho trung tâm 40 - 50 phần trăm tiền thuê tháng đầu tiên mới được dọn đến ở.

Nhân viên trung tâm môi giới có khi là sinh viên, mới ra trường đang chờ việc hoặc sinh viên làm part-time nên nắm rất rõ "điểm yếu" của người thuê nhà. Sinh viên mới nhập trường thì lạ nước lạ cái, không biết đường đi lối lại, người đã đi làm thì không có thời gian để đi tìm nhà trọ (mà thường thì phải chui vào các ngõ ngách mới có nhà cho thuê). Vì thế nếu trung tâm dù mọc lên nhan nhản vẫn có đất làm ăn.

Có trong tay hơn 100 phòng trọ, mỗi tháng ngồi chơi xơi nước cũng bỏ túi 60 - 70 triệu đồng nhưng bà M. vẫn chịu khó tận thu bằng một cửa hàng tạp hóa mở ngay trong khu nhà trọ.

Bà có đủ các mặt hàng phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày, từ hàng khô cho đến hàng tươi sống, với giá cao hơn ngoài chợ một chút vì được mang về tận cổng. Thế cho nên ai "trót dại" mà mua hàng bên ngoài về là bà mặt nặng mày nhẹ, sớm muộn gì cũng bị tìm ra lý do để mời ra khỏi phòng.

Suốt mùa thi đại học vừa qua, các sĩ tử ngơ ngác từ quê ra phố buộc phải tìm nơi tá túc mấy ngày thi. Nắm được quy luật này, nghe ngóng có lịch nghỉ hè là các chủ nhà thường dồn người thuê lại để lấy phòng trống cho thuê theo ngày (30- 50.000 đồng/ ngày/ người). Những ngày sinh viên hồ hởi bước vào năm học mới cũng là thời điểm nhà trọ vào mùa… thu hoạch.

MỚI - NÓNG