Nhiều học sinh VN cũng được chăm bẵm quá kỹ

Học sinh Hà Nội với nụ cười rạng rỡ sau kỳ thi tốt nghiệp trung học Ảnh: Minh Đức
Học sinh Hà Nội với nụ cười rạng rỡ sau kỳ thi tốt nghiệp trung học Ảnh: Minh Đức
TP - Bài phát biểu 'Các em chẳng có gì đặc biệt' của thầy giáo tiếng Anh David McCollough tại lễ tốt nghiệp của học sinh trường trung học Wellesley, bang Massachusetts (Mỹ) gần đây không chỉ gây sốc ở Mỹ mà đang thu hút sự quan tâm của học sinh Việt Nam.

> 'Các em chẳng có gì đặc biệt'

Tâm lý “nhất chị, nhì em”

Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT tư thục Vạn Xuân (Hà Nội) cho rằng bài phát biểu của thầy David gây được sự chú ý bởi vào dịp bế giảng năm học, người có trách nhiệm thường nói những lời tốt đẹp, ca ngợi học trò, nhà trường.

“Các em đã được nuông chiều, nâng niu, được che chở, bao bọc. Vâng, người lớn đã ôm, đã hôn, cho các em ăn, lau miệng; dạy dỗ, hướng dẫn, lắng nghe, động viên, tâm sự, an ủi và khuyến khích các em. Các em được nâng niu, phỉnh phờ, được nghe toàn những lời nài nỉ, ngon ngọt, ngợi khen đến tận trời xanh và được gọi là cục cưng. Đúng vậy... Và nay các em đã chinh phục được trường trung học.... Nhưng các em đừng lầm tưởng mình là đặc biệt”.

Bài phát biểu của thầy David là sự thức tỉnh cho học sinh, những em còn ảo tưởng trước sự ngợi ca, chăm bẵm của bố mẹ, nhà trường để bước vào đời thực.

Nhà giáo Đình Đại chỉ ra rằng “Những niềm vui ngọt ngào nhất trong cuộc sống chỉ đến khi các em nhận thức được rằng mình không có gì đặc biệt”.

Với nhiều học sinh ở những trường chất lượng tốp đầu phải tìm cách hãm bớt sự tự tin, kiêu hãnh, ảo tưởng thái quá. Trong nhà trường, gia đình thường tồn tại tâm lý “nhất chị, nhì em”.

Thầy và trò cùng vui vẻ với nhận định chủ quan ấy. Vì thế, nhà giáo Đình Đại thường xuyên tổ chức cho học sinh trường mình giao lưu với các trường khác để các em thấy rằng mình không phải là nhất.

“Mặc khác, sự bao bọc, che chở của nhiều gia đình, nhà trường tại Việt Nam với con trẻ đã triệt tiêu khát vọng, làm thui chột quá trình tự trưởng thành.

Thực tế ở Việt Nam, nhiều cha mẹ, thầy cô như vú em, chăm bẵm quá mức khiến học sinh nghĩ sau lưng mình luôn có bố mẹ, thầy cô trợ giúp, nếu không có họ theo sau sẽ là thảm hoạ, không tự thân làm được việc gì”, ông Đại nói.

Sự chăm bẵm thái quá ấy ảnh hưởng sâu sắc tới giới trẻ và câu chuyện này lan tới nhiều bạn trẻ du học.

Ông Đại chia sẻ chuyện những học sinh trường ông du học tại Úc bằng tiền của bố mẹ và hầu hết chưa tham gia hoạt động từ thiện xã hội. Tuy nhiên, sau thời gian thoát khỏi sự chăm bẵm trực tiếp, nhiều em mới thực sự trưởng thành.

“Chẳng có gì to tát”

Nhiều chông gai của đời thực đang chờ đón các em phía trước
Nhiều chông gai của đời thực đang chờ đón các em phía trước .
 

Lê Duy Bảo, học sinh trường THPT Nguyễn Trãi, TP. Hội An (Đà Nẵng) vừa trải qua kì thi tốt nghiệp THPT chia sẻ, dù có kết quả học tập khá, từng tham gia các kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh, gặt hái không ít giải thưởng nhưng Bảo luôn cho rằng chẳng có gì to tát.

“Những thành công nhỏ mà em giành được có chăng nhờ vào ba mẹ, thầy cô đã dày công trui rèn, dạy dỗ”.

Tâm đắc với nhận xét của thầy David, Bảo cho biết: “Một điều hết sức vô hình với tụi em là ba mẹ, thầy cô lúc nào cũng tự hào, nghĩ tụi em tài giỏi. Họ luôn tìm cách khen thưởng, tuyên dương chúng em bằng những từ có cánh. Lúc đó chúng em vui nhưng ngẫm lại cũng thấy hơi quá. Điều chúng em đang cần là những nhận xét thẳng thắn. Cái tụi em cần trong cuộc sống ngày nay là sự tự lập, sắp tới sẽ còn lắm chông gai, trước mắt là giảng đường đại học. Ở môi trường đó tụi em chắc phải bước đi bằng chính đôi chân của mình. Nều cứ dừng lại không chịu vận động để phát triển, em nghĩ thế hệ mới chập chững vào đời như tụi em sẽ chẳng đi đến đâu. Vì thế, hãy để chúng em được bước đi trên mặt đất”.

Trương Thị Thương, SV năm nhất, khoa Công nghệ thông tin (ĐH Sư phạm Đà Nẵng) là học sinh khuyết tật chỉ cao 70cm, được đặc cách tuyển thẳng vào đại học.

Thương đồng tình với nhận xét của thầy David rằng những học sinh mới tốt nghiệp như cô “chẳng có gì đặc biệt” bởi đang trong giai đoạn trưởng thành.

“Bài phát biểu trên mới đọc có vẻ sốc nhưng nếu nhìn nhận nghiêm túc, đây là vấn đề cần lưu tâm. Nhận thức và hành động của học sinh về cuộc sống ngày nay cũng chưa thực sự sâu sắc. Trong thời đại thế hệ trẻ luôn được gia đình, nhà trường chăm lo từng li từng tí, có ít bạn có thể tự lập hoàn sau khi tốt nghiệp trung học”.

Thương cũng cho biết, dù em nằm trong diện được xét tuyển thẳng không phải thi tốt nghiệp, nhưng vì muốn dựa vào chính sức lực của bản thân, muốn kiểm chứng những kiến thức mình đã được học nên em đã không làm đơn miễn thi tốt nghiệp mà xin tham gia kì thi năm đó và đạt 45 điểm.

Bùi Thị Phương, trường THPT Dân tộc nội trú Tân Kỳ (Nghệ An) cho biết quá trình tự nhìn nhận bản thân giúp mỗi bạn trẻ trưởng thành hơn.

“Khi tự ý thức được việc mình làm là tốt hay xấu, ảnh hưởng như thế nào, có mang lại điều tốt đẹp cho xã hội hay không thì các bạn sẽ có sự lựa chọn con đường vào đời đúng đắn bởi cuộc sống vốn nhiều vấn đề phức tạp, cạm bẫy nên mình phải biết mà tránh, hãy nên sống cho tốt với những ước mơ, hoài bão và ra sức thực hiện nó để không phải hối tiếc”.

Với Bùi Văn Minh, trường THPT Lê Qúy Đôn (Hà Nội), lời chia sẻ của thầy David giúp bạn phải nhìn lại bản thân. Là con một và được gia đình nuông chiều từ nhỏ, chưa từng va vấp với cuộc sống nên Minh thường tự mãn và ngộ nhận về mình.

“Đã đến lúc em phải bước vào cuộc đời thực đầy chông gai (như lời thầy David), nơi có nụ cười và nước mắt. Thi đại học xong em sẽ đi làm thêm việc gì đó để trải nghiệm, hiểu hơn về cuộc sống thay vì lao vào những cuộc đàn đúm, nhậu nhẹt vô bổ như những kỳ nghỉ hè trước đây”, Minh nói.

“Các em không thể là “cái rốn” của vũ trụ. Ngay cả tỉ phú Mỹ nổi tiếng Donald Trump cũng chẳng là “cái đinh” gì! Đừng mong chờ cảm hứng và niềm đam mê sẽ tự tìm đến với các em. Hãy đứng dậy, bước ra bên ngoài, tự mình khám phá, tìm kiếm cảm hứng cùng niềm đam mê và hãy giữ chắc nó bằng đôi tay”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG