Nhớ anh Vũ Quang

Nhớ anh Vũ Quang
TP - Có người đùa vui rằng: Trong số những “thủ lĩnh” của Đoàn Thanh niên, Vũ Quang là người… đẹp trai nhất! Bữa ngồi chuyện trò cùng chúng tôi, ông bồi hồi nhớ lại một kỷ niệm...
Nhớ anh Vũ Quang ảnh 1
Bác Hồ dặn dò đồng chí Vũ Quang trước lúc đi xa. Tháng 7/1969.

Cách đây 4 năm, trước thềm Đại hội Đoàn Toàn quốc lần thứ XII, chúng tôi đã có dịp cùng anh ôn lại những kỷ niệm một thời gắn bó với tuổi trẻ. Anh kể: Dòng họ Vũ của anh khởi nguồn từ Làng Mộ Trạch nổi tiếng là “Làng Tiến sĩ” với 36 vị và ông tổ là Vũ Hồn.

Dòng họ này, có thể nói, qua bất cứ triều đại nào, cho tới khi nước ta tiến tới nền Dân chủ Cộng hòa, đều cống hiến cho đất nước những bậc “Đại công thần”. Sự thành đạt ấy đều bắt nguồn từ chữ “học”.

Có thể nói, hiếm có nơi nào, dòng họ nào lại chịu khó và ham học như  họ Vũ làng Mộ Trạch. Chả thế mà ngày xưa có khoa thi cử mà làng Mộc Trạch chiếm tới phân nửa số Tiến sĩ,  đặc biệt có gia đình cả 3 đời đều đỗ Tiến sĩ nên đã được Vua Tự Đức ban cho câu “Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ”.

Thừa hưởng truyền thống ấy, ông cụ thân sinh ra Vũ Quang là Vũ Quốc Chính – Mặc dù cha mẹ là “phu”  kéo xe cút kít - nhưng cũng bằng mọi cách tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương vào những năm 20 của thế kỷ trước.

Nhưng do không chịu được cảnh ngược đãi, phân biệt đối xử của “quan Tây” đối với giáo viên bản xứ nên Vũ Quốc Chính thường phản đối quyết liệt và kết quả là bị đưa lên tít tận vùng cao hoang dã ở chợ Rã – Bắc Cạn để dạy học.

Trong cuốn “Đời im lặng” nhà văn Chu Lai khắc họa chân dung của ông giáo Chính như sau “Ông giám thị vóc người to lớn, mặt mày phương phi, không khi nào xử ác với học trò”. Thế nhưng với con cái thì ông lại rất nghiêm khắc.

Ngay từ nhỏ, Vũ Quang đã rất ham học và học giỏi nên năm 13 tuổi đã thi đậu vào trường Bưởi nổi tiếng của Hà Nội mặc dù chỉ là con trai một giáo viên nghèo nơi miền núi xa xôi lạc hậu. Và cũng bắt đầu từ năm 13 tuổi ấy, Vũ Quang khăn gói về Hà Nội (1939) theo học trường Bưởi, để rồi năm sau, cậu thiếu niên 14 tuổi chập chững bước vào con đường cách mạng.

18 tuổi (1944) Vũ Quang được kết nạp vào Đảng và 2 năm sau, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Vũ Quang được Thành ủy Hà Nội mà trực tiếp là Bí thư Nguyễn Quyết giao phó cương vị Bí thư Thành Đoàn đầu tiên của Thủ đô.

Sau một thời gian hoạt động ở mọi lĩnh vực, giải phóng Thủ đô, Vũ Quang lại được điều về làm Bí thư Thành Đoàn Hà Nội và cho tới năm 1962, Vũ Quang chính thức trở thành Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn và cũng là vị Bí thư lâu năm nhất trong các đời Bí thư: 16 năm liên tục.

Dẫu cho sau này, trải qua nhiều trọng trách như Phó Ban Kinh tế T.Ư, Trưởng Ban Dân vận, Trưởng Ban Đối ngoại T.Ư, Chánh Văn phòng T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ…, Vũ Quang vẫn không thể nào quên chặng đường gắn bó với tuổi trẻ.

Có người đùa vui rằng: Trong số những “thủ lĩnh” của Đoàn Thanh niên, Vũ Quang là người… đẹp trai nhất! Bữa ngồi chuyện trò cùng chúng tôi, ông bồi hồi nhớ lại một kỷ niệm mà ông không bao giờ quên được: Dạo mới giải phóng Thủ đô, trên cương vị là Bí thư Thành Đoàn, ông ra tận công trường cùng đào, bốc vác đất với thanh niên để tôn tạo con đường Cổ Ngư mà đích danh Bác Hồ đặt tên là đường Thanh Niên.

Một bữa, mấy nữ đoàn viên xúm lại và cùng lên tiếng: Chị em chúng tôi đề nghị với Bí thư Thành Đoàn Vũ Quang không nhất thiết phải xắn tay trực tiếp lao động mới là động viên thanh niên trên công trường. Đề nghị Bí thư hát cho chúng tôi nghe mấy bài.

Nghe tin Bí thư hát hay múa giỏi mà đẹp trai vào loại nhất thanh niên thành phố rồi. Hôm nay được gặp Bí thư không gì bằng được nghe Bí thư hát… Tiếng hoan hô, đề nghị ầm vang lan truyền.

Không ngần ngừ, Vũ Quang đáp lại:  “Tôi sẽ hát và nếu tôi hát hay thì các bạn phải để cho tôi vác đất cùng mọi người cho đến lúc nghỉ trưa!”. Tiếng đồng ý vang lên.

Một người đưa cho Vũ Quang chiếc loa phóng thanh và những ca từ của bài Lên đàng vang lên. Một lát sau, hàng ngàn thanh niên nam nữ đều vỗ tay hát theo. Nào ngờ, loa phóng thanh khuếch đại lại đặt ngay cửa Đền Quan Thánh nên tiếng loa ầm ầm dội sang bên Phủ Thủ tướng và cơ quan T.Ư Đảng khiến một số người kêu ca, phàn nàn.

Sau này Vũ Quang được biết những lời kêu ca ấy đến tai Bác Hồ, Bác bảo thanh niên lao động thì phải hò hát. Các chú thấy ồn ào thì đóng cửa vào mà làm việc…

Cho đến hôm nay, tiếng cười và giọng hát của Vũ Quang vẫn còn vang vọng đâu đó… 

MỚI - NÓNG