Nhớ chị Hoàng Ngân

Nhớ chị Hoàng Ngân
TP - Ngày 3/3/2008, 60 năm sau ngày chị ra đi, tại trụ sở Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, nhà nước và quân đội ta đã tổ chức long trọng lễ truy tặng chị Hoàng Ngân danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhớ chị Hoàng Ngân ảnh 1
Những đội viên nữ du kích Hoàng Ngân

Ở Thủ đô Hà Nội, có một đường phố mang tên người nữ lãnh tụ trẻ đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp khi mới 28 tuổi: Chị Hoàng Ngân.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình tiểu thương ở Hải Phòng, chị Hoàng Ngân (tên thậtlà Phạm Thị Vân) sớm thoát ly hoạt động cách mạng: tham gia Mặt trận bình dân, hoạt động trong Ban Phụ trách Đoàn thanh niên dân chủ Hải Phòng; làm liên lạc cho các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ… trong những năm thực dân Pháp khủng bố ác liệt nhất (1941 – 1942).

Hai lần bị bắt, bị tù, chị vẫn giữ vững chí kiên trung, bất khuất. Những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và những ngày chính quyền cách mạng còn non trẻ, chị đã tổ chức đội nữ du kích Minh Khai, học tập, rèn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Với tên gọi “chị Sáu” thân thương, quen thuộc với nam - nữ thanh niên Thủ đô thời đó, chị là thành ủy viên chỉ huy, lãnh đạo nhiều công tác quan trọng.

Tôi đã từng được sống, làm việc cùng chị Hoàng Ngân ở chiến khu Việt Bắc những năm 1947 - 1948, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt.

Cơ quan Phụ nữ Trung ương lúc đó chỉ có 7, 8 người, chị Hoàng Ngân từ Hội trưởng Phụ nữ Khu 3 lên Việt Bắc làm Bí thư Ban liên lạc phụ vận Bắc bộ.

Chị hơn bọn trẻ chúng tôi chừng 4-5 tuổi, nhưng chị thực sự là lãnh tụ của chúng tôi. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ dáng chị mảnh mai, gương mặt trái xoan, thanh tú cùng đôi mắt thông minh đượm nét buồn và giọng nói nhỏ nhẹ. 

Chị Hoàng Ngân sống tình cảm, yêu thương bạn bè, đồng chí. Chị hay chiều bọn trẻ chúng tôi. Chiều chiều, chị kéo chúng tôi ra sân phơi sau nhà sàn, cùng ngâm thơ, kể chuyện, hát những bài ca về Hà Nội. Ở bên cạnh chị, chúng tôi luôn cảm thấy ấm áp, tin cậy, bớt nhớ nhà.

Với chị Hoàng Ngân, tôi có nhiều kỷ niệm. Một lần, đi công tác về muộn. Chị Hoàng Ngân vẫn mải miết bên bàn làm việc. Chiếc bàn được treo khéo léo bên cửa sổ. Từ đây, có thể nhìn ra cánh đồng xanh trước mặt. Tôi bước lên cầu thang nhà sàn, rón rén đi vào, định gây bất ngờ cho chị. Nhưng chị đã quay lại:

- Về rồi hả em?

Chị đưa cho tôi cuốn sổ nhỏ được đóng rất công phu. Không biết chị kiếm đâu ra hai miếng giấy làm bìa sổ khá đẹp:

- Tặng em đấy. Đi cả ngày chắc mệt rồi, em ăn cơm đi.

Cuốn sổ xinh xắn tự tay chị đóng ấy, tôi giữ mãi đến sau này.

Mấy chị em cùng ngồi quanh bếp lửa nhà sàn, bên mâm cơm có bát canh bí đỏ, đĩa rau dớn luộc chấm muối. Bí đỏ là đặc sản của chúng tôi. Thường ngày, bữa ăn chỉ có rau tàu bay, rau dớn hái ở suối.

Một kỷ niệm đáng nhớ khác, trong lễ cưới của tôi với anh Lê Quang Đạo, chị Hoàng Ngân đã kín đáo đưa cho cô dâu chiếc áo cánh nâu đẹp nhất của chị và chiếc nón mới. Chị biết khi chạy Pháp nhẩy dù, tôi đã mất hết ba lô quần áo. Sự săn sóc tỉ mỉ đầy tình người của chị, tôi không bao giờ quên.

Cuối năm 1947, Hội nghị cán bộ Phụ vận toàn miền Bắc họp ở vùng Thái Nguyên, Tuyên Quang. Từ chỗ cơ quan đóng đến nơi phụ nữ các tỉnh về phải đi bộ gần một ngày đường.

Bà con ở đây sơ tán vào núi, để lại những vườn quýt đỏ ối quả. Có tin Pháp sắp đánh lên nhưng chị Hoàng Ngân vẫn bình tĩnh tiến hành cuộc họp.

Lần đầu tiên có đầy đủ phụ nữ các khu lên họp nên không khí thảo luận rất sôi nổi, nhiều vấn đề mới được đặt ra. Chị Hoàng Ngân lắng nghe và tổng kết hội nghị rất sắc sảo.

Tuy tuổi còn trẻ nhưng chị tỏ ra rất dày dạn với phong trào phụ nữ. Mọi người rất phục chị về trình độ tổng hợp ý kiến, kết luận hội nghị. Hội nghị đã bầu chị làm Bí thư Đoàn Phụ nữ cứu quốc - lúc này chị mới 26 tuổi.

Hội nghị kết thúc, chúng tôi vừa ra khỏi địa điểm họp, ngoái nhìn lại đã thấy mấy chiếc máy bay Đacôta thả dù dày đặc vùng trời phía sau.

Trong lúc quân Pháp tìm cách đánh sâu vào chiến khu Việt Bắc, tìm diệt các cơ quan đầu não của ta, chị Hoàng Ngân vẫn mở lớp đào tạo các lớp cán bộ trẻ từ các tỉnh về dưới những chiếc lán nhỏ nằm sâu trong rừng nứa.

Những thời kỳ kháng chiến gay go, ác liệt, cơ quan Hội Phụ nữ Trung ương luôn phải di chuyển địa điểm từ Thái Nguyên lên Bắc Cạn về Hà Nam, Hà Đông…

Chị Hoàng Ngân xông xáo, lo toan cùng với các chị lãnh đạo trong hội, duy trì được liên lạc và đẩy mạnh phong trào của Hội Phụ nữ liên tục hoạt động phục vụ cuộc kháng chiến.

Số báo Phụ nữ Việt Nam đầu tiên phát hành vào mùa thu năm 1948 đã có sự đóng góp và quyết tâm lớn của chị Hoàng Ngân. Sau một cuộc họp ở Trung ương, Bác Hồ cho ý kiến: “Các cô nên ra một tờ báo”, chị Hoàng Ngân đã về bàn với Ban lãnh đạo Hội chỉ định ban biên tập: chị Bội Hoàn (tức Tâm Kính) tổng biên tập, chị Anh Thơ, chị Tâm Trung, chị Thanh Thủy (vợ anh Dương Đức Hiền) và tôi.

Chị Hoàng Ngân đích thân viết bài xã luận đăng trang 2 của số báo đầu tiên, trang thứ nhất đăng nguyên văn bức thư viết tay của Bác Hồ gửi báo Phụ nữ Việt Nam, có chữ ký của Bác.

Không ai ngờ, chỉ một năm sau, tháng 7/1949, chị Hoàng Ngân ra đi mãi mãi vì bị một trận sốt rét ác tính giữa rừng núi Việt Bắc thiếu thuốc men, xa bệnh viện. Tên chị được đặt cho một đội nữ du kích đường 5. Đội du kích Hoàng Ngân sau này nổi tiếng lập được nhiều chiến công.

MỚI - NÓNG