Nhọc nhằn lan tỏa hương trà Việt

Nguyễn Cao Sơn trình diễn trà tại Cao Sơn trà thất đãi khách. Ảnh: L.A.
Nguyễn Cao Sơn trình diễn trà tại Cao Sơn trà thất đãi khách. Ảnh: L.A.
TP - “Việt Nam xuất khẩu trà đứng thứ 10 thế giới, nhưng tại sao khi  nói đến các danh trà thế giới, người ta chỉ nhắc đến trà Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...?”. Nguyễn Cao Sơn luôn trăn trở vì điều này và anh dành hai năm lăn lộn với bà con vùng chè, tốn bao công sức và tiền bạc mang các mẫu chè sang Pháp kiểm nghiệm.

Ba năm trở lại đây, trà Việt với thương hiệu Cao Sơn trà bắt đầu được biết đến nhiều ở châu Âu. Trà sen Việt được bán với giá 1.000 euro/kg ( tương đương gần 24 triệu đồng/ kg), nhưng cung không đủ cầu . Người tiêu dùng Pháp, Ðức, Ba Lan cũng bắt đầu biết đến và thích các  loại trà shan tuyết  Hà Giang, Sơn La, Yên Bái của Việt Nam.

“Yêu” từ những chuyến đi xả stress

Chủ nhân của Cao Sơn trà  là Nguyễn Cao Sơn, quê gốc Nam Ðịnh. Vốn tốt nghiệp cử nhân tiếng Trung, Ðại học sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay thuộc Ðại học Quốc gia Hà Nội). Sơn từng làm việc tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội 6 năm, phụ trách mảng xuất khẩu lao động. Thời điểm năm 2007, thị trường Ðài Loan, Malaysia, Indonesia bị đóng băng do lao động bỏ trốn nhiều, Sơn khủng hoảng tâm lý do phải giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến quyền lợi người lao động. Anh quyết định xin nghỉ việc và về mở một công ty xuất nhập khẩu giống và các loại thức ăn chim cảnh ở Phú Thọ.

Thời gian này, cứ lúc nào cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, từ Phú Thọ, Sơn phóng xe lên các vùng chè ở Suối Giàng (Yên Bái), Hà Giang, Mộc Châu chơi xả stress. Thực ra, niềm đam mê trà của Sơn được nuôi dưỡng ngay từ thuở ấu thơ. Ông nội Sơn nổi tiếng với nghề trồng hoa cúc và ướp trà hoa cúc ở Nam Ðịnh. Ngay từ nhỏ, Sơn lon ton xem ông ướp trà. Sơn bảo, các cụ ngày xưa sành điệu lắm. Các cụ có thói chơi trà ngũ hương: gồm hương ngâu, hương nhài, hương sen, hương sói, hương cúc.

Từ năm 2013, Sơn mới chuyên tâm làm trà.

Nhọc nhằn lan tỏa hương trà Việt ảnh 1

Ông Bernard Biron (trái)- Chủ tịch và đồng sáng lập Hiệp hội Liseron Pháp Việt đi thăm vùng trà shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh, Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Thay đổi thói quen làm “trà váy Mông”

Nguyễn Cao Sơn cho biết, bà con người dân tộc  làm trà hoàn toàn theo bản năng. Ðiều này không thể trách được vì họ làm từ đời này sang đời khác, không dễ thay đổi ngay. Rất may, lúc đó Sơn gặp nhóm chuyên gia trà của người Pháp đang có dự án tại Việt Nam. Sơn mời họ đi tham quan các vùng trà và nhận được những lời góp ý bổ ích. Chuyên gia Pháp rất giỏi, họ có thể định vị được sản phẩm. Họ ngửi là biết ngay trà sao bị khê hoặc được xử lý như thế nào.

Sơn đã thư từ trao đổi qua email các mẫu test (kiểm tra) khá nhiều, và rút kinh nghiệm dần dần. Sau mỗi lần thay đổi, phản hồi của đối tác ngày càng tốt hơn. Sơn cho biết, anh  hướng dẫn bà con cách làm hiện đại, liên kết với họ thay vì cách làm chụp giật của các tiểu thương, cứ mỗi mùa trà thì  lên chén trà ngon, trả giá rất cao, nhưng khi chất lượng trà thấp thì dìm giá.

Trong hai năm đầu thử nghiệm, Sơn chỉ có mỗi một việc... gửi trà đi test  ở nước ngoài. Những thay đổi, dù nhỏ nhất, đều được Sơn ghi chép tỉ mẩn trong sổ tay. Không những thế, Sơn cũng chịu khó mang trà đi tham gia các cuộc thi tại Nga, Ba Lan, Pháp, Ðức,Mỹ... để học hỏi kinh nghiệm và quảng bá trà. Dần dà, Sơn học được cách đánh giá tiêu chuẩn thế giới. Sơn đưa họ kiểm tra 5 mẫu đều đạt về mẫu mã, hình thức, chất lượng. Thậm chí, trà Việt còn hơn ở tố chất. Bởi lẽ, cây trà Việt tồn tại 300-400 năm, chất lượng sẽ khác hẳn những cây trà mới trồng.

“Trà váy Mông” là nói vui về cách làm trà thủ công của người dân tộc. Ở vùng cao, bà con sống chung với gà, lợn, trâu, bò. Họ không có khu sản xuất riêng, nên trà thường ám mùi khói, mùi ngô và mùi môi trường xung quanh. Trà có mùi khê khê, ngai ngái. Người nước ngoài thì khác, lá trà lúc tươi như thế nào thì khi sao lên nó phải có mùi thơm như thế, không bị pha tạp. “Trà váy Mông” theo các chuyên gia nước ngoài là trà ám khói, trà bị mốc. Muốn xuất khẩu  trà, phải thay đổi cách làm trà truyền thống. Lúc đầu bà con chưa quen, anh phải luôn theo sát họ để kiểm soát chất lượng.

Nhọc nhằn lan tỏa hương trà Việt ảnh 2
Nhọc nhằn lan tỏa hương trà Việt ảnh 3

Ướp trà sen biết mấy công phu. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Cao Sơn trà và Sobica trà

Ðể trà Việt thâm nhập thị trường nước ngoài là điều vô cùng gian nan. Ngoài việc vượt qua các tiêu chuẩn chất lượng ngặt nghèo, thì mẫu mã và thương hiệu cũng là một vấn đề lớn. Rất may, Sơn kết nối được với chị Hằng, một Việt kiều tại Pháp. Chị Hằng vốn là giáo viên và rất đam mê các loại đồ uống Việt. Chị lập công ty Sobica chuyên giới thiệu cafe và trà Việt Nam. Sơn đã kết hợp với doanh nghiệp của chị Hằng để  có thể đưa Cao Sơn trà sang thị trường Pháp, Ðức, Ba Lan.

Công ty Sobica cũng là đại diện cho Cao Sơn trà tham gia các cuộc thi trà quốc tế. Sơn khoe, năm 2016, trà và cafe Việt của Sobica đoạt 5 giải thưởng về chất lượng.

Giá một kilogram trà shan tuyết ướp sen bán với giá 1.000 euro (tương đương gần 24 triệu đồng), trà shan tuyết  có giá khoảng 250-300 euro/kg (tương đương  6 - 7 triệu đồng/kg).

Thoạt nghe có vẻ thấy giá trà  quá cao, nhưng theo Sơn, giá đó hợp lý vì nguyên liệu làm trà khá đắt đỏ và tinh tuyển. Ðể có một kilogram trà sen ngon, Sơn phải cần đến 1.200-1.500 bông sen, mà phải đúng sen Ðầm Trị, hồ Tây. Trà để ướp sen cũng phải là trà chuẩn Thái Nguyên. Với hơn 500 gốc trà cổ trên vùng cao, một năm chỉ có 4 vụ thu hoạch. Trà Hà Giang, Tà Sùa, nếu làm theo tiêu chuẩn của Cao Sơn trà giỏi lắm chỉ thu hoạch được 700kg - 1 tấn trà/năm.

Ở nước ngoài, khách hàng của trà Việt thường là dân văn phòng, tuổi từ 28-50. Ở trong nước, khách Hoa kiều ở TPHCM rất yêu chuộng Cao Sơn trà. Một số ca sỹ hải ngoại như Ngọc Anh, Bằng Kiều lần nào về nước cũng đến Cao Sơn trà thất thưởng trà và mua về Mỹ dùng dần.

Tính đến nay, thương hiệu Cao Sơn trà đã được biết đến trên thị trường trong và ngoài nước. Sơn tự tin: “Tôi theo đạo Phật nên luôn  mang chữ Tâm trong kinh doanh.  Tôi tin  sẽ duy trì được chữ Tín với trà Việt bằng những nỗ lực không mệt mỏi của mình”. 

Sống được bằng nghề chơi

Trước khi đến với trà, Nguyễn Cao Sơn đã nổi tiếng với biệt danh “Sơn cu gáy” vì anh rất mê chim cu gáy. Sơn có trang trại nuôi hơn 2.000 chim cu gáy ở Phú Thọ. Không chỉ là nghệ nhân chim cu gáy, Sơn còn sống được bằng nghề cung cấp thức ăn và thuốc chữa bệnh cho chim. Anh cũng xuất hiện thường xuyên trên các chương trình nói về ẩm thực Hà Nội. Ba năm trở lại đây, Sơn liên tục được mời giới thiệu trà tại Ngôi nhà di sản, 87 Mã Mây nhân dịp Ngày di sản Việt Nam. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.