Từ các phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội:

Nhu cầu lao động phổ thông chiếm một nửa

Nhu cầu lao động phổ thông chiếm một nửa
TP - Phóng viên Tiền Phong trao đổi với bà Vũ Thị Thanh - Phó GĐ Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) Hà Nội...

Thưa bà, qua các phiên giao dịch việc làm thời gian vừa qua, đối tượng lao động nào đang có nhu cầu lớn?

Năm 2008, hơn 18.000 lao động được tuyển trực tiếp qua các phiên giao dịch việc làm do TTGTVL Hà Nội tổ chức; trong đó, trình độ đại học, cao đẳng khoảng 30 phần trăm, lao động phổ thông khoảng 35 phần trăm, còn lại là trình độ trung cấp, trung học chuyên nghiệp.

Các phiên giao dịch đầu năm 2009 vừa qua cho thấy, nhu cầu lao động phổ thông chiếm khoảng 50 phần trăm. Các ngành nghề tuyển dụng lớn là nhân viên maketting, bán hàng, kế toán, chăm sóc khách hàng, dịch vụ…

Trung tâm cải tiến những gì để tăng hiệu quả các phiên giao dịch việc làm?

Năm 2009, Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội phối hợp với Bưu điện Hà Nội, qua tổng đài 1088 để tư vấn miễn phí về lao động - việc làm.

Gọi đến số 1088 - 5 - 3 để được tư vấn định hướng nghề, việc làm, thông tin thị trường lao động, chế độ chính sách, quan hệ lao động… ; có thể gọi từ 8giờ-11giờ30, 13giờ30-16giờ30 (thứ Hai đến thứ Sáu) và 8giờ-11giờ (thứ Bảy).

Từ tháng 4/2009, Trung tâm tổ chức hai phiên giao dịch vào ngày 10 và 20 hàng tháng. Ngoài ra, Trung tâm cũng phối hợp với các huyện, nhất là các huyện mất nhiều đất nông nghiệp do đô thị hóa, tổ chức các phiên lưu động.

Tất nhiên, cần phải khảo sát kỹ nhu cầu của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn cũng như tình hình lao động thiếu việc làm ở địa phương đó để tổ chức tuyển dụng. DN và người lao động có thể tìm hiểu thêm trên website www.vieclamhanoi.net

DN tham gia tuyển dụng phải có yêu cầu gì, thưa bà?

DN  tham gia các phiên tuyển dụng do Trung tâm tổ chức sẽ không mất một khoản phí nào và phải kê theo phiếu đăng ký do Trung tâm cấp. DN phải có giấy phép đăng ký kinh doanh, có các thông tin tuyển dụng như: số lao động cần tuyển, vị trí, mức lương, thời gian, địa điểm làm việc…

Chúng tôi đang nghiên cứu hình thức tham gia tuyển dụng với những đối tượng không giấy phép kinh doanh nhưng có nhu cầu tuyển khá nhiều lao động như chủ ở các làng nghề, hộ gia đình làm kinh tế… 

Trong bối cảnh “người tìm việc”, “việc tìm người” đang khó gặp nhau, theo bà, lao động phải làm gì để tăng thêm cơ hội?

Lao động cần phải biết cách khai thác nhiều kênh thông tin, nhất là những đơn vị có uy tín trong đào tạo, giới thiệu việc làm. Khi đến các sàn giao dịch việc làm, lao động cần chuẩn bị sẵn hồ sơ, đồng thời, trau dồi kỹ năng trả lời phỏng vấn.

Khi đi phỏng vấn, cần chú ý cách ăn mặc, tác phong, thái độ để tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng. Những người chưa có kinh nghiệm xin việc, nên qua các lớp đào tạo kỹ năng tìm việc làm do các TTGTVL tổ chức. Tuy nhiên, hơn hết, lao động phải tự trang bị tay nghề vững vàng.

Ra mắt Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Nghệ An

Ngày 11/4, tại TP Vinh, Tỉnh Đoàn Nghệ An ra mắt Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Thanh niên Nghệ An. Trung tâm là cầu nối tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho thanh niên, cung ứng lao động theo yêu cầu của nhà tuyển dụng, phối hợp với các đơn vị tuyển chọn lao động đi lao động, học tập ở nước ngoài, cung cấp thông tin về thị trường lao động cho người lao động và người tuyển dụng lao động… 

Phạm Anh
(thực hiện)

MỚI - NÓNG