Những ẩn họa rình rập trẻ em - Kỳ 2: Nỗi ám ảnh đuối nước

Bơi là kỹ năng sinh tồn trẻ cần học sớm nhất có thể tự cứu mình khi bị đuối nước. Ảnh: Quang Lộc.
Bơi là kỹ năng sinh tồn trẻ cần học sớm nhất có thể tự cứu mình khi bị đuối nước. Ảnh: Quang Lộc.
TP - Trẻ em bị đuối nước luôn là vấn đề nhức nhối mỗi dịp hè. Từ đầu hè đến nay, liên tục xảy ra những vụ đuối nước thương tâm, với nhiều trường hợp nạn nhân là nhóm học sinh, anh em trong cùng một gia đình.

Ám ảnh

Mới bước vào hè, cả nước rúng động bởi vụ đuối nước thương tâm xảy ra ngày 15/4 khiến 9 học sinh Trường THCS Nghĩa Hà (Quảng Ngãi) tử vong. Khi mọi người chạy đến nơi thì thấy nhóm học sinh đang chới với giữa dòng nước. Nhiều người dân  bất chấp hiểm nguy lao xuống sông để cứu nhưng không kịp. Vụ việc đau lòng trên được xác định do một số học sinh rơi vào xoáy nước sâu hơn 2 mét. Một số em khác nhảy xuống cứu bạn cũng bị nước cuốn trôi.

Liên tiếp sau đó, lại diễn ra hàng loạt vụ đuối nước khác ở nhiều địa phương. Ngày 29/5, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 4 vụ đuối nước khiến 5 trẻ tử vong. Trong đó, có trường hợp đuối nước của 3 học sinh trường Tiểu học Diễn Quảng, huyện Diễn Châu tại một hồ nước gần UBND xã Diễn Quảng. Trong 3 học sinh chết đuối, có hai anh em ruột là Trần Thành T. (10 tuổi, học sinh lớp 5A), Trần Thu H. (6 tuổi, học sinh lớp 1C) và con chú ruột là em Trần Việt H. (9 tuổi, học sinh lớp 4C). 

Một vụ đuối nước thương tâm khác diễn ra tại Tánh Linh, Bình Thuận ngày 17/5. Chiều 17/5, bé Q., 11 tuổi dẫn hai em đi chơi. Đến tối, mẹ gọi 3 anh em về ăn cơm. Gia đình đi tìm, phát hiện 3 anh em đã thiệt mạng tại ao nước gần nhà. 

Nhiều trường hợp đuối nước vì thiếu sự giám sát của người lớn. Những ngày đầu tháng 6, gia đình chị Nguyễn Bích Lan (28 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đưa con trai 4 tuổi đi du lịch tại biển Hải Tiến, Thanh Hóa. Đến ngày thứ 2, chị Lan không cho con ra biển tắm mà xả nước trong bồn tắm nhà nghỉ cho con tắm. Sau đó chị vào phòng tranh thủ mở máy tính để làm việc. Khoảng 20 phút sau, trở vào phòng tắm, chị chết đứng khi chứng kiến con trai đã chết cứng trong bồn.

Dạy con những kỹ năng tự cứu mình

Theo thống kê năm 2015 của Tổ chức Y tế thế giới WHO, mỗi năm Việt Nam có trên 11.500 trẻ bị chết đuối, cao thứ 2 trên thế giới. Đuối nước là một trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Tuy nhiên, nhận thức chung của người dân và toàn xã hội về vấn đề này vẫn còn hạn chế. Các bậc phụ huynh chưa có sự quan tâm, giám sát chặt chẽ con em, chưa có kỹ năng sơ cấp cứu con em khi bị đuối nước.

Trăn trở, ám ảnh với tình trạng đuối nước của trẻ em, thầy Lê Văn Tùng, giáo viên kiêm Tổng phụ trách Đội Trường THCS Cẩm Trung (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), người có thâm niên hơn 10 năm dạy bơi miễn phí cho trẻ em ở Hà Tĩnh  đi về từng thôn xóm tuyên truyền, mở lớp dạy bơi miễn phí. Thầy Tùng chia sẻ, để giảm tình trạng trẻ đuối nước, từ gia đình, nhà trường và xã hội phải có sự phối hợp chặt chẽ để giúp các em có kỹ năng phòng tránh đuối nước.

 Đây là việc làm không của riêng ai. Với bản thân thầy Tùng, từ tháng 3 hàng năm, thầy đã đi về từng thôn, xã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng về phòng tránh đuối nước thông qua loa truyền thanh, phát tờ rơi và mở các lớp dạy bơi miễn phí. Thầy Tùng nhắn nhủ, các bậc phụ huynh hãy tạo điều kiện cho con em học bơi sớm nhất có thể. 

“Hai điều quan trọng nhất để đứa trẻ không bị đuối nước là: Biết bơi và biết kỹ năng cứu đuối, lánh nạn. Kỹ năng cứu đuối, lánh nạn rất quan trọng. Bởi nhiều đứa trẻ biết bơi vẫn bị đuối nước trong quá trình cứu đuối cho người khác do không có kỹ năng”, thầy Tùng nói.

Anh Trần Anh Tuấn, Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố cho hay, Thành Đoàn đa

ng phối hợp với các trường tổ chức dạy bơi cho học sinh quanh năm. “Nhiều người quan niệm, chỉ đến dịp hè mới bơi. Nhưng bơi là một kỹ năng phải học và thực hành thường xuyên mới thành kỹ năng thành thạo được. Thành Đoàn đang cố gắng nhân rộng mô hình này”, anh Tuấn nói.

 Ngoài ra, Thành Đoàn còn tặng vé tiếp cận nước miễn phí cho các em học sinh. “Nhiều em từ nhỏ đến khi đi học rồi vẫn chưa được đi bơi, thậm chí rất sợ nước, bố mẹ lại không có thời gian dạy bơi. Vì thế chúng tôi phát vé này để các em đến các bể bơi làm quen với nước, trút bỏ được sợ nhút nhát, sợ hãi với nước. 

Từ đó, các em sẽ học bơi để bảo vệ mình”, anh Tuấn chia sẻ. Ngoài ra, Thành Đoàn cũng phối hợp với chuyên gia dạy các kỹ năng trên cạn cho trẻ phòng tránh đuối nước. Những kỹ năng này dạy cho cả những trẻ chưa biết bơi nhưng khi rơi xuống nước các em vẫn có thể tự cứu sống mình. Ví dụ như kỹ năng tự cứu sống khi rơi một mình như thế nào, kỹ năng cứu sống khi rơi xuống nước với cả nhóm bạn.

(Còn nữa)

Ngày 5/2/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 234/QĐ-TTg về “Chương trình phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, giai đoạn 2016-2020”. Trong đó, có đặt ra mục tiêu 100% các tỉnh, thành phố phải triển khai chương trình dạy bơi an toàn thí điểm. Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng thực hiện chương trình này. Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trước hết là các trường phổ thông rà soát lại nội dung chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường, chú ý hướng dẫn kỹ năng bơi lội, kỹ năng phòng, tránh, ứng phó các trường hợp tai nạn, gây thương tích. Các tỉnh, thành cần rà soát lại cơ sở vật chất, điều kiện về tập luyện thể chất, trong đó chú ý về hướng dẫn tập luyện kỹ năng bơi lội phù hợp với điều kiện của địa phương.

Cách cứu người bị đuối nước

Theo thầy giáo Đỗ Đại Việt, Chủ nhiệm Trung tâm dạy bơi Vsport, khi thấy người đuối nước không nên vội nhảy xuống cứu ngay, cần nhanh chóng quan sát hiện trường xung quanh để tìm phương án ứng cứu hợp lý, đồng thời hô hoán người khác đến hỗ trợ cùng. Nếu trên bờ có dây, sào, gậy… thì ném xuống cho nạn nhân bám lấy, lôi lên bờ là tốt nhất. Nếu không, bình tĩnh đợi nạn nhân gần kiệt sức hẵng nhảy xuống cứu. Cứu vào thời điểm này đảm bảo an toàn cho người đuối nước lẫn người cứu. Bởi khi mới bị rơi xuống nước, do bản năng sinh tồn, nạn nhân sẽ vùng vẫy rất mạnh, bằng 150 – 200% sức lực của họ. Nhảy xuống cứu vào thời điểm đó, rất dễ bị nạn nhân nhấn chìm cả người cứu (kể cả với những người bơi giỏi). Khi vớt được nạn nhân lên bờ, cần nhanh chóng tiến hành các bước sau để sơ cấp cứu:

lVác nạn nhân lên vai (sao cho bụng nạn nhân nằm ngang vai mình) để dốc nước trong bụng, phổi chảy ra hết.

* Một tay bóp miệng nạn nhân để lấy rác và các dị vật trong miệng ra. Các vụ đuối nước ở ao hồ, sông suối thường có rác, dị vật nếu không kịp thời lấy ra sẽ khiến nạn nhân ngạt thở.

* Thực hiện các thao tác xoa bóp lồng ngực, hô hấp nhân tạo.

* Khi nạn nhân đã tỉnh lại hãy thay quần áo khô, dùng chăn ủ ấm và cho uống trà hay cà phê nóng.           

Lưu Trinh

MỚI - NÓNG