Dạy nghề và việc làm cho bộ đội xuất ngũ:

Những băn khoăn cần tháo gỡ

Những băn khoăn cần tháo gỡ
Đi bộ đội năm 2000 và phục vụ trong Trường Sỹ quan Lục quân I, năm 2002 Bùi Văn Quang được xuất ngũ. Chàng trai sinh năm 1979 ấy lại về quê làm ruộng.

Trường hợp của Nông Phương Thụy sinh năm 1975, người dân tộc Tày huyện Văn Lãng (Lạng Sơn), hoàn thành NVQS tại bộ đội biên phòng Lạng Sơn năm 1997 cũng tương tự. Về quê, là đảng viên phụ trách bí thư đoàn xã, Thụy luôn tích cực theo sát và đóng góp công sức cho phong trào của địa phương.

Các anh không hề mặc cảm với công việc ruộng nương, đi rừng, nhưng... Thụy tâm sự: “Từ lâu em có nguyện vọng được học một nghề gì đó hiện đại hơn, được làm việc  tại nhà máy, công trường và có thu nhập ổn định”. Năm 2003, Trường dạy nghề số 3 của quân đội thuộc Quân khu 3 thông báo tuyển sinh lớp công nhân lái xe máy công trình khoá một, học trong 18 tháng.

Tốt nghiệp lớp này, học viên tốt nghiệp sẽ sử dụng thành thạo ba loại xe máy công trình: xe lu, xe ủi và xe xúc, trong khi nếu học ở trường dạy nghề khác với cùng lượng thời gian và học phí, học viên chỉ được học sử dụng một loại máy công trình.

Quang, Thụy và một số bộ đội xuất ngũ khác biết được, đã lên đường học nghề. Phải nói họ gặp may khi đến học nghề tại Trường dạy nghề số 3 (QK3). Đây là khoá một khoa Xe máy công trình của trường, một nghề các công trường xây dựng đang rất cần. Chúng tôi đến đúng ngày các anh thi tốt nghiệp. Quang và Thụy đều tốt nghiệp loại giỏi.

Còn đó băn khoăn cần tháo gỡ 

Chẳng riêng hai anh Quang và Thụy, những quân nhân xuất ngũ khác đều gặp may khi học nghề ở Trường dạy nghề số 3 này. Trường dạy nghề số 3 là con chim đầu đàn trong hệ thống 17  trường dạy nghề của quân đội có truyền thống 45 năm hoạt động với đội ngũ giáo viên giỏi, tận tình và cơ sở vật chất tốt phục vụ dạy nghề.

Mỗi năm, có khoảng 7.000 thanh niên qua đào tạo nghề ở đây, trong đó trên 80% là quân nhân xuất ngũ. Tuy nhiên, việc học nghề và tìm việc làm của bộ đội xuất ngũ nói chung còn nhiều điều cần giải quyết. Mỗi một quân khu, một quân đoàn đều có một trường dạy nghề. Song nhiều trường, nhất là một số trường thuộc quân khu, quân đoàn ở địa bàn vùng trung du miền núi, mới được xây dựng, cơ sở vật chất thiếu thốn, giáo viên yếu và thiếu, lại chỉ chú trọng dạy nghề về kỹ thuật nông nghiệp nên bộ đội xuất ngũ không mặn mà.

Khi nhập ngũ, mỗi thanh niên đều được cán bộ tuyển quân đến tận nhà gặp mặt trao đổi, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng. Và trước khi xuất ngũ, nhiều người chỉ được tư vấn sơ sơ về học nghề, do vậy không ít người chưa dám đăng ký học nghề. Chưa kể, học xong nhiều người không kiếm được việc làm.

Vậy có hoạt động nào tư vấn tốt hơn cho chiến sỹ trước khi để họ xuất ngũ biết rõ khả năng, năng khiếu của mình và ngành nghề đắc dụng nếu theo học? Hiện nay, lao động xuất khẩu đang là hướng hoạt động lớn trong việc  tạo việc làm cho thanh niên. Mỗi năm, cả nước có hàng vạn quân nhân xuất ngũ, là nguồn của lao động xuất khẩu có phẩm chất cao về ý thức và trách nhiệm trong lao động cũng như đời sống xã hội.

Vậy nên các trường dạy nghề của quân đội cần liên kết với nhau, mở rộng liên kết với các trung tâm KHKT, các trường đại học và mở thêm hoạt động dịch vụ việc làm và xuất khẩu lao động để bộ đội xuất ngũ có nhiều thời cơ hơn trong học nghề, tiếp thu KHKT và tìm việc làm.

MỚI - NÓNG