Lại về Trường Sa - Kỳ 2

Những cán bộ 8X ở Trường Sa

Những cán bộ 8X ở Trường Sa
TP - Bốn chàng trai 8X đang được xem là lớp trụ cột của thị trấn Trường Sa để xây dựng huyện đảo thân yêu của Tổ quốc.

>> Kỳ 1: Vượt sóng mái nhà

Những cán bộ 8X ở Trường Sa ảnh 1
(Từ phải qua): Các anh Phạm Gia Huy, Vi Đức Thanh, Biền Văn Quảng, Lê Minh Cảnh và Nguyễn Quốc Thiện trong buổi giao ban tại trị trấn Trường Sa. Ảnh: Minh Thùy

Chí lớn

Mặt trời đứng bóng, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của bốn cán bộ chủ chốt ở thị trấn Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa). Cánh cửa vẫn im ỉm đóng. Bé Trà My, con một người trên đảo, dẫn chúng tôi sang UBND thị trấn.

Hết giờ làm việc nhưng cửa Ủy ban vẫn mở. Họ vẫn miệt mài với chồng tài liệu phải hoàn thiện trước khi đón mùa xuân mới. “Mấy hôm trước chúng tôi biết thông tin về đoàn công tác ra thăm đảo.

Nhưng công việc cuối năm nhiều quá, thành thử chưa kịp ra đón được”, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa Nguyễn Quốc Thiện cho biết.

Vừa đặt chân lên đảo, chúng tôi được thượng tá Nguyễn Văn Đình, đảo trưởng đảo Trường Sa giới thiệu về bộ tứ 8X của thị trấn. Người nhỏ, da sạm đen, nói lưu loát..., là ấn tượng ban đầu của chúng tôi về Nguyễn Quốc Thiện. (SN 1980, tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa).

Những cán bộ 8X ở Trường Sa ảnh 2
(Từ trái qua) Các anh Huy, Cảnh, Thiện, Quảng tại UBND thị trấn Trường Sa

Tốt nghiệp cao đẳng, Thiện lấy vợ. Hai vợ chồng làm ở một công ty thực phẩm với thu nhập cao. Một lần, Thiện nghe tin về việc tuyển cán bộ cho thị trấn Trường Sa, anh đăng ký và đậu chức phó chủ tịch thị trấn, phụ trách hành chính. 

Ngồi cạnh Thiện là Phó Chủ tịch UBND thị trấn Biền Văn Quảng (SN 1980 ở Nam Đàn, Nghệ An, phụ trách về nhân sự và tài chính của thị trấn). Tốt nghiệp khoa Tin học (Trường Đại học Nha Trang), Quảng từ chối nhiều lời mời từ các công ty tin học về đầu quân cho đội TNXP tỉnh Khánh Hòa.

Ngày Quảng lên tàu ra đảo nhận công tác, vợ và con gái bốn tuổi không ra vịnh Cam Ranh vì sợ những giọt nước mắt làm Quảng buồn.

Anh Nguyễn  Ngọc Hải, cư dân trên đảo, cho biết: “Mỗi lần có việc gì đến Ủy ban, chúng tôi được họ đón tiếp nhiệt tình rồi thăm hỏi về công việc, gia đình như những người thân”.

Chị Bùi Thị Nhung, một cư dân khác nói: “Ở đất liền làm sao có chuyện cán bộ cùng xắn cao ống quần ra biển bắt ốc, cua với dân như trên thị trấn Trường Sa”.

Trên người với tấm áo xanh tình nguyện do mới đi giúp bà con dọn dẹp khu phố để chuẩn bị đón mùa xuân mới Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị trấn Trường Sa Lê Minh Cảnh (SN 1986 ở Ninh Hoà, Khánh Hòa) giống một thủ lĩnh trong đội tình nguyện hơn là một chủ tịch.

Việc Cảnh trở thành Chủ tịch Mặt trận thị trấn không gây bất ngờ cho bạn bè tốt nghiệp THPT nhưng Cảnh tỏ rõ mình có khả năng trong các hoạt động tình nguyện.

Ban đầu, việc tổ chức các hoạt động tình nguyện của Cảnh chỉ bó gọn ở thôn, xã. Dần dà, Cảnh trở thành thủ lĩnh trong các hoạt động tình  nguyện về những vùng xa xôi hải đảo của tỉnh Khánh Hòa.

Anh cán bộ văn phòng có nước da trắng mịn Phạm Gia Huy (SN 1985, ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) ra đảo khi chưa kịp nhận bằng tốt nghiệp ở một trường trung cấp tin học.

Đảo và biển

Cưới vợ chưa tròn 10 ngày, Phó chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa Nguyễn Quốc Thiện quyết định ra đảo Trường Sa nhận công tác.

Ngày anh bước xuống tàu rời thành phố, chị giấu vội nước mắt vào trong để động viên chồng yên tâm công tác. Hàng ngày anh lao vào công việc với những kế hoạch phát triển vùng quê mới.

Bao nhiêu nhớ mong được anh trút vào thư viết cho vợ mà không gửi được về nhà. Mỗi lá thư đều được Thiện cất vào tủ. Anh bảo bao giờ được nghỉ phép sẽ mang về cho chị đọc.

Tết này, Thiện nhận được niềm vui: Anh vừa được lên chức bố gần hai tháng và được lãnh đạo thị trấn cho nghỉ phép. Thiện cho biết đang chuẩn bị quà cho gia đình nhỏ của mình là đoá hồng thắm được làm bằng vỏ ốc để tặng vợ và quả bàng vuông phơi khô tặng con trai.

Nhà và quê hương

“Ngày mới ra đảo nhận việc nhiều người lớn tuổi xưng hô với mình bằng anh cán bộ, ông chủ tịch thấy... ngại quá”- cán bộ văn phòng Phạm Gia Huy tâm sự về những ngày đầu đi làm.

Còn Biền Văn Quảng bộc bạch: “Trường Sa là làng quê mới của bọn mình. Anh em chúng tôi đang lên kế hoạch đầu tư thuyền lưới để nhân dân yên tâm với cuộc sống lâu dài trên thị trấn”.

Đêm đêm cả hội trường thị trấn như một trường học. Hàng chục cháu nhỏ đủ các lớp từ mẫu giáo đến lớp năm tập trung nhờ chú Thiện, chú Quảng giải hộ bài toán, chỉ cho một phép tính… Những đứa trẻ tung tăng chạy quanh sân ủy ban gọi các chú cán bộ sang ăn cơm khi gia đình bắt được con cá ngon.

“Ở đây quen tiếng sóng vỗ quanh năm, giờ về nhà không biết có ngủ được không. Tôi đang dự tính lần này về sẽ bàn với gia đình đưa vợ con ra thị trấn lập nghiệp”.

Không chỉ riêng Thiện, cả ba cán bộ trẻ cũng đang nuôi ý định lập nghiệp lâu dài ở nơi đây. “Không biết có cô nào tình nguyện xây dựng gia đình với mình ở đảo không”, Lê Minh Cảnh nói đùa với chúng tôi.

Anh Vi Đức Thanh, chủ tịch thị trấn Trường Sa tâm sự: “Thị trấn Trường Sa tự hào về đội ngũ cán bộ trẻ hôm nay”.

MỚI - NÓNG