Những cây cầu mang dấu ấn tuổi trẻ Bách khoa

Học sinh đi trên cầu do sinh viên ĐH Bách khoa xây cách đây gần 20 năm ở xã Long Mỹ (Giồng Trôm, Bến Tre). ẢNH: HÒA HỘI
Học sinh đi trên cầu do sinh viên ĐH Bách khoa xây cách đây gần 20 năm ở xã Long Mỹ (Giồng Trôm, Bến Tre). ẢNH: HÒA HỘI
TP - Mùa hè xanh năm nay đánh dấu chặng đường 20 năm tuổi trẻ Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) tham gia chiến dịch tình nguyện với bà con xứ dừa Bến Tre. Đến nay, đã có hàng trăm cây cầu bê tông được xây dựng nối đôi bờ ở các vùng nông thôn, phát huy giá trị.

Làm ngày đêm để kịp tiến độ

Đối với người dân quê hương Đồng Khởi (Bến Tre), cái tên “ĐH Bách khoa” giờ đã hằn sâu vào trong ký ức họ. Những công trình cầu bê tông đã góp phần không nhỏ phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Từ những cây cầu gỗ trơn trượt tạm bợ ngày nào, nay thay bằng những cây cầu bê tông kiên cố, đảm bảo việc đi lại an toàn, thông thương hàng hóa cho người dân nơi đây.

Những cây cầu mang dấu ấn tuổi trẻ Bách khoa ảnh 1 Sinh viên ĐH Bách khoa giúp dân xây cầu. Ảnh: ĐTNBK

Ông Lê Văn Sơn, nguyên Chủ tịch UBND xã Long Mỹ là người đã “sát cánh” cùng sinh viên ĐH Bách khoa từ những ngày đầu xây dựng cây cầu U ở  ấp Linh Quy, xã Long Mỹ (Giồng Trôm, Bến Tre), nối liền các ấp. Cầu U được xây dựng năm 2003, có chiều dài hơn 70m, ngang 2,2m, trị giá trên 100 triệu đồng từ nguồn vận động của Trường ĐH Bách khoa. Tham gia làm cầu có hơn 30 sinh viên ngành Xây dựng của trường cùng hàng chục người dân địa phương.

Nhà ông Sơn cách cây cầu chỉ vài trăm mét nên ông hiểu tường tận về đời sống người dân cũng như ý nghĩa công trình mang lại. Ông Sơn cho biết, trước khi có cầu, khu vực bên trong như bị biệt lập, heo hút, đời sống khó khăn, nhưng từ khi có cầu nối liền hai bờ thì diện mạo đã thay đổi. Nhờ có cầu mà người dân lưu thông hàng hóa thuận tiện. Xe 2 - 3 bánh vận chuyển nông sản từ đầu ấp đến cuối ấp dễ dàng, không lo ép giá, dần dà dân mở rộng thêm các con đường liên tổ. “Đến nay đường sá thông thương, ấp liền ấp, xã liền xã. Cây cầu đã mở ra bước ngoặt lớn để phát triển kinh tế xã hội cho địa phương. Cây cầu sau gần 20 năm nhưng vẫn chắc chắn. Người dân nơi đây biết ơn các em sinh viên tình nguyện năm ấy lắm!”, ông Sơn nói.

Cây cầu chỉ làm trong 1 tháng chiến dịch là hoàn thành đưa vào sử dụng đã khiến ông Sơn và nhiều người dân “không tin vào mắt mình”. Bước đi những bước đầu tiên trên cây cầu mới, ông Sơn thấy rưng rưng, ôm chầm từng chiến sĩ tình nguyện. “Lúc đó, để kịp tiến độ, không chỉ làm ban ngày mà ban đêm các em cũng làm, có hôm đến gần 21 giờ mới nghỉ. Thấy các em nhiệt tình, người dân ở đây ủng hộ hết mình; người đến phụ giúp cùng làm, người đem bánh trái, gà vịt… để bồi dưỡng cho các em. Thời điểm đó, ngày thường trời nhập nhoạng tối là vắng vẻ, buồn lắm, nhưng ở công trường lúc nào cũng sôi động, rộn ràng tiếng nói cười của các bạn trẻ”, ông Sơn nhớ lại.

Coi như người thân trong nhà

Ông Bùi Văn Dệt, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Giồng Trôm có đến 6 năm nuôi sinh viên tình nguyện trong nhà.  Hỏi về kỷ niệm với các chiến sỹ, ông Dệt cười hiền, nói: “Thấy tụi nhỏ làm mà thương, sinh viên đâu có đứa nào phải làm việc nặng nhọc như thế này, vậy mà về đây làm được hết. Các em đã đem sức trẻ, tri thức giúp cho quê hương mình phát triển. Đặc biệt, sự chân thành, tình cảm của các em đã khiến gia đình tôi lưu luyến nên mỗi khi có đợt sinh viên về là muốn các em đóng quân nhà mình”.

Chiến dịch chỉ trong vòng 1 tháng, sau đó các chiến sỹ phải quay trở lại TPHCM tiếp tục việc học. Khoảng thời gian ngắn ngủi ấy đã để lại biết bao kỷ niệm, khiến giờ phút chia tay đầy lưu luyến. Bí thư Huyện Đoàn Giồng Trôm Nguyễn Thạnh Phụ bồi hồi nhớ lại: “20 năm trước tôi mới 12 tuổi. Nhà tôi nuôi chiến sỹ tình nguyện. Khi chiến dịch hoàn thành, ngày chia tay mà những giọt nước mắt của người đi và người ở lại cứ tuôn rơi, như không muốn rời xa. Tất cả không cần nói điều gì mà đã hiểu nhau từ rất lâu, xem nhau như những người thân trong nhà”.

Ngoài cầu U còn có cầu Thuận Lợi, xã Hòa Lợi (Thạnh Phú) cũng mang dấu ấn của các bạn sinh viên tình nguyện. Ông Nguyễn Văn Bé, người dân ở xã Hòa Lợi cho biết, khi chưa có cầu người dân qua lại khó khăn, mỗi lần đi phải dùng xuồng, chưa kể hôm nước cạn còn khó khăn hơn để sang được bên kia sông. “Sau khi sinh viên ĐH Bách khoa về đây giúp dân làm cầu, người dân và các cháu học sinh đi lại thuận tiện, an toàn, không cần phải xuồng ghe đưa đón như trước. Đặc biệt, đời sống người dân nâng lên rõ rệt, từ các hộ chăn nuôi heo, gà đến các hộ trồng trọt đã giảm được chi phí vận chuyển cũng như không bị ép giá mỗi khi xuất bán”, ông Bé nói.

Những cây cầu mang dấu ấn tuổi trẻ Bách khoa ảnh 2 Ông Nguyễn Đức Trung ngồi cạnh cầu U xây cách đây gần 20 năm.  
ẢNH: HÒA HỘI

Anh Đào Vũ Hoàng Nam, Bí thư Đoàn trường ĐH Bách khoa cho biết, trong suốt quãng thời gian gần 20 năm, Đoàn trường đã áp dụng chuyên môn vào thực tiễn giúp cải thiện, nâng cao đời sống của người dân xứ dừa Bến Tre. Đồng thời, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển hạ tầng, kinh tế địa phương. Theo anh Nam, “Học kỳ Xanh” được xây dựng và triển khai đã mang sinh viên đến gần hơn với người dân quê, gắn bó với nhân dân. Trải qua những thử thách này các bạn đã trưởng thành hơn và tiếp tục có những đóng góp thiết thực cho quê hương, đất nước. 

Sau 20 năm triển khai chiến dịch tình nguyện hè tại Bến Tre, đã có hơn 13 nghìn lượt chiến sỹ, cán bộ, giảng viên trường ĐH Bách khoa tham gia tại 63 xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay đã xây dựng được 158 cây cầu nông thôn, 151 ngôi nhà tình thương, 5 trường học và 2 nhà văn hóa... Đặc biệt đã làm được hơn 100 km đường nông thôn với tổng giá trị hơn 179 tỷ đồng.

Cầu thay đổi cuộc sống người dân

Ông Nguyễn Đức Trung, nguyên cán bộ Huyện Đoàn Giồng Trôm (nay là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Giồng Trôm) là người trực tiếp giám sát xây dựng cầu U. Ông Trung cho biết, trước đây bắc ngang sông là cây mù u, nằm sát mép nước, mỗi khi qua lại phải lần mò rất vất vả. Người dân mang vác nông sản qua đây vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, từ khi xây xong cầu, nơi đây đã thay đổi hoàn toàn, người dân rất phấn khởi. "Có cầu đời sống người dân nâng lên rõ rệt, đặc biệt là dân ở khu vực sâu bên trong. Họ không sợ bị ép giá nông sản vì xe chạy tới nhà, còn con cháu đi học không phải lo lắng gì cả", ông Trung cho biết.

MỚI - NÓNG