Những chàng “khùng” đạp xe xuyên Việt

Những chàng “khùng” đạp xe xuyên Việt
TP- “Một người là giám đốc Cty luật, hai người là nhân viên, quyết định tạm nghỉ công việc, từ Hà Nội mỗi người mang theo 30kg hành lý “bay” vào TPHCM để… đạp xe ra Hà Nội.

Nhiều người gọi vui chúng tôi là khùng” - Anh Phạm Thành Long, 1 trong 3 thành viên cười tâm sự.

Vui cùng thử  thách 

Sáng. Những vệt mây mù dày đặc cùng những trận mưa nặng hạt càng làm cho cái lạnh Đà Nẵng thêm thách thức. Xốc hành lý đến vài chục ki-lô-gam lên vai, với chiếc xe đạp, 3 chàng trai không ngần ngại nhìn phía đèo Hải Vân. Thẳng tiến !

“Đèo Hải Vân là thử thách lớn nhất với chúng tôi nên ai cũng háo hức chinh phục. Vượt qua được đèo là đã gần đi hết cuộc hành trình vì vậy chúng tôi sẽ tự thưởng cho mình những ngày ở lại ngắm nhìn xứ Huế mộng mơ” - Anh Long cho biết.

Theo những vòng xe, Đà Nẵng - chặng dừng chân thứ 9 của cuộc hành trình dần khép lại, Hải Vân - “đệ nhất hùng quan” hiện ra trước mắt. Mưa tạt mạnh, gió thốc từng cơn, những thành viên giật mạnh cơ chân, mắt căng mở, tay rắn rỏi cầm “vô - lăng” lượn lờ theo những góc cua và vượt dốc.

Chiếc áo mưa cũng được cả 3 thành viên “tự chế” từ bao ni lông đựng rác, với lý do thật đơn giản “đỡ vướng víu lại vừa bó sát người nên rất thuận lợi”- Vũ Quang Anh, một thành viên trong đoàn lý giải và xem đây như một phát hiện mới. Mưa đọng từng giọt nhỏ xuống càng làm vết thương của anh thêm khó chịu. Cả  thảy  6 mũi khâu ngay phía đùi chân trái sau một cú ngã trên đường cách đây 1 tuần.

“Đoạn Phan Rí - Phan Rang là hành trình cơ cực nhất bởi gió ở đây rất mạnh, lại nhiều đèo dốc, chúng tôi cảm tưởng ngay cả khi đổ dốc nếu không đạp mạnh thì xe sẽ dừng lại ngay. Một cơn gió khủng khiếp đã lật nhào xe tôi, gây ra vết thương này. Nhưng lúc đó thấy máu chảy nhưng chỉ bị ngoài da và có thể tiếp tục cuộc hành trình” - Quang Anh tâm sự.

Có mặt tại một điểm nghỉ ở Đà Nẵng, 3 anh vui vẻ  kéo một đoạn tay áo, lộ ra những vệt trắng – đen, dấu tích của những ngày cháy nắng. “Không biết khi về đến Hà Nội người thân có nhận ra không nữa” - Nguyễn Hùng Long, thành viên nhỏ nhất trong đoàn hóm hỉnh. Cái nắng bỏng rát ở Sài Gòn, Bình Thuận xuyên thấu qua logo đeo tay và in cả vệt chữ lên đây được nhắc đến như một kỷ niệm đáng nhớ.

Xuất phát từ TPHCM vào ngày 20/12, vượt hơn 1.000km và qua 9 chặng đi, sáng 30/12, các thành viên đã có mặt tại Đà Nẵng, dừng một chút nghỉ ngơi và tiếp tục những vòng xe, dự kiến có mặt tại Hà Nội vào đúng ngày 9/1/2009.

“Chúng tôi đều sống ở Hà Nội nhưng chọn Sài Gòn làm điểm xuất phát do muốn có thêm một phần khó khăn trên hành trình, vì nếu đi từ Hà Nội sẽ thuận chiều gió và có khả năng làm giảm bớt những thách thức với đoàn” - Thành Long trao đổi. Cứ thế. Nắng gió ở Bình Thuận, mưa ở Phú Yên, Quảng Ngãi, lạnh dần từ Đà Nẵng đổ ra... với các anh, mỗi chặng hành trình xuyên Việt là những niềm vui, kỷ niệm và mang theo khát vọng về một Việt Nam xanh.

“Chúng tôi đã thiết lập nhiều cái nhất: Chặng gian nan nhất là Phan Rí – Phan Rang, chặng dài nhất là Quy Nhơn - Quảng Ngãi với độ dài hơn 180km, và cửa ải cần vượt qua nhất là đèo Hải Vân... Mỗi chặng thường có rất nhiều người hưởng ứng đạp xe theo, để cổ vũ cho anh em, khiến ai cũng phấn khởi, quyết tâm và đầy háo hức” - Anh Anh tâm sự.

Những chàng “khùng” đạp xe xuyên Việt ảnh 1

Công dân mạng mang khát vọng thực

Điều đặc biệt với các “cua – rơ” không chuyên này, trước khi đến với hành trình xuyên Việt, họ chỉ có ba tuần “tập làm quen với xe đạp”. Ba anh chàng “khùng”: Phạm Thành Long, Giám đốc Cty Luật Gia Phạm, Vũ Quang Anh, nhân viên kinh doanh của một công ty, Nguyễn Hoàng Long, nhân viên Maketting, VTC Online vốn gặp nhau trên mạng Photo.vn rồi tình cờ đề xuất ý tưởng và không nề hà tạm gác những bộn bề công việc dịp giáp Tết để đồng lòng thực hiện khát vọng.

“Xe đạp là phương tiện tốt cho sức khỏe, tốt cho môi trường, đồng thời còn tiết kiệm không gian lưu thông. Mình thấy ở nước ngoài, người ta sử dụng xe đạp rất phổ biến, trong khi ở nước ta, một bước lên xe, hai bước cũng dùng cơ giới khiến tình trạng ô nhiễm rất nghiêm trọng.

Vì thế, chúng tôi muốn góp một phần mình qua chương trình này, để mọi người thấy được giá trị của xe đạp, đến với xe đạp nhằm giảm khí thải ô nhiễm từ động cơ”, anh Thành Long tâm sự. “Chúng tôi đều là những người làm việc ở văn phòng, nhưng nay vẫn muốn chứng tỏ với mọi người về khả năng đạp xe để mọi người đừng quay lưng lại với xe đạp” - Anh Anh nhấn mạnh.

Tự mua xe, tự tập luyện kỹ năng cần thiết và lên đường, họ là những “công dân mạng” nhưng đã từ thế giới ảo đến hành động thực để kêu gọi mọi người. Những thông điệp “vì một Việt Nam xanh”, hãy chung tay bảo vệ môi trường đã theo vòng xe của cuộc hành trình.

Những chàng “khùng” đạp xe xuyên Việt ảnh 2

Tại mỗi điểm dừng chân, các thành viên sẽ lưu giữ lại bằng hình ảnh cuộc sống của người dân trên các tuyến quốc lộ, các sự kiện phương tiện giao thông gây ô nhiễm, tai  nạn, các sự kiện có ích cho môi trường. Đồng thời gặp gỡ với nhân dân các địa phương để tuyên truyền về sự cần thiết của môi trường và hạn chế ô nhiễm từ những phương tiện giao thông.

Gần 1 tiếng vượt đèo, cuối cùng đỉnh của “đệ nhất hùng quan” Hải Vân cũng xuất hiện. Những cua- rơ xuống xe, phóng tầm mắt xuống khoảng không rộng lớn, hướng nhìn về thành phố trẻ Đà Nẵng, tận hưởng cảm giác ít có của những người đang chinh phục thử thách. Mở túi hành lý cồng kềnh, Thành Long lấy chiếc máy ảnh “pờ rồ”, chỉnh góc độ đẹp và... chớp.

Không chỉ mang theo khát vọng xanh suốt cuộc hành trình, họ còn là những tay “săn ảnh” chuyên nghiệp của trang web Photo.vn. “Chúng tôi sẽ ghi lại tất cả những hình ảnh lãng mạn, đẹp nhất, ấn tượng nhất trên suốt cuộc hành trình, đặc biệt là các phương tiện gây ô nhiễm môi trường để mọi người cùng quan sát và đưa ra hành động của mình.

 Anh Phạm Thành Long, một thành viên của đoàn xe xuyên Việt:

 Không chỉ riêng cuộc hành trình đạp xe xuyên Việt này, chúng tôi sẽ quyết định đạp xe mỗi ngày đến công sở và mọi người cũng hãy góp phần mình trên những vòng xe để cùng hành động vì một Việt Nam xanh, giảm ô nhiễm môi trường từ khí thải cơ giới.

Hãy bắt đầu bằng những việc nho nhỏ để cùng chung tay làm việc lớn.

Đó như một thông điệp đa chiều trên chiếc xe đạp. Xe đạp sẽ giúp chúng ta tiếp cận với mọi góc độ của cuộc sống, sẽ là những phút giây lãng mạn và tuyệt đẹp và nhất là góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải do động cơ gây ra vì thế mọi người hãy nên yêu mến những chiếc xe đạp của mình” - Thành Long không quên nhắn nhủ.

Theo những vòng xe, hành trình mỗi lúc một thu hẹp khoảng cách, và những thông điệp bảo vệ môi trường mỗi lúc một lan tỏa tới mọi người. Với những chàng trai “khùng” này, hành trình vì một Việt Nam xanh vẫn chưa dừng lại ở đó ngay cả khi chặng đường kết thúc:

“Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi mọi người, trước hết là những công dân trên mạng cùng nhau có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường và tổ chức các chuyến đạp xe xuyên Việt vào những lần tới. Đặc biệt 3 anh em quyết tâm mỗi ngày đều đi xe đạp đến công sở” - Vũ  Quang Anh nói về những dự định.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.