Sau vụ 'Rỉa tiền tỷ người nghèo' Tiền Phong phanh phui

Những chỉ dẫn giúp tránh bẫy lừa xuất khẩu lao động

Những chỉ dẫn giúp tránh bẫy lừa xuất khẩu lao động
TP - Sau loạt bài phản ánh lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLĐ), Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Báo Tiền Phong chuyển những thông tin mang tính cẩm nang đến với bạn đọc.

“Nắm kỹ thông tin, làm theo hướng dẫn – lao động sẽ không bị lừa” - Đại diện Bộ LĐ-TB&XH khẳng định.

Những chỉ dẫn giúp tránh bẫy lừa xuất khẩu lao động ảnh 1
Lao động cần chủ động hơn trong nắm bắt thông tin để biết cách bảo vệ mình trên đường xuất ngoại. Ảnh: BP

Tiền Phong trích đăng những thông tin do Phòng Thông tin Tuyên truyền- Cục Quản lý Lao động Ngoài nước cung cấp.

Những cách lao động tự kiểm tra

Lao động có thể tự kiểm tra tính hợp pháp của doanh nghiệp, hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài cũng như việc thu tiền của doanh nghiệp (DN) có đúng quy định hay không, bằng một số cách như sau:

Kiểm tra tính hợp pháp của doanh nghiệp. Lao động có quyền yêu cầu DN xuất trình bản sao công chứng Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ LĐ-TB&XH cấp.

Nếu Cty con, chi nhánh hoặc trung tâm XKLĐ là đơn vị trực tiếp thực hiện chức năng XKLĐ của doanh nghiệp thì theo quy định của pháp luật đơn vị đó phải niêm yết công khai quyết định của doanh nghiệp giao nhiệm vụ cho đơn vị và bản sao giấy phép hoạt động của doanh nghiệp tại trụ sở đơn vị.

Như vậy, lao động đọc các văn bản này tại trụ sở chi nhánh (hoặc trung tâm, Cty con) để tự kiểm tra tính hợp pháp.

Cũng theo quy định, đơn vị nói trên (trung tâm, chi nhánh, Cty con trực thuộc Cty mẹ có chức năng XKLĐ) không được ký hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; không được thu tiền dịch vụ, môi giới và tiền ký quỹ của lao động, trừ trường hợp được doanh nghiệp ủy quyền (việc ủy quyền cũng phải có văn bản và được niêm yết công khai tại trụ sở đơn vị).

Kiểm tra hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài có đảm bảo hay không. Theo quy định, Cty XKLĐ chỉ được đưa lao động ra nước ngoài làm việc sau khi đã đăng ký hợp đồng và được cơ quan có thẩm quyền (Cục Quản lý Lao động Ngoài nước) chấp thuận.

Vì vậy, lao động khi ký hợp đồng với Cty XKLĐ đi làm việc ở nước ngoài có quyền yêu cầu DN hoặc đơn vị được ủy quyền xuất trình văn bản Phiếu trả lời Đăng ký hợp đồng cung ứng lao động của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước cấp cho doanh nghiệp để kiểm tra hợp đồng đó đã được phép thực hiện hay chưa.

Các khoản thu

Xác định các khoản tiền thu (dịch vụ, môi giới, tiền ký quỹ và các chi phí làm thủ tục) của DN có đúng quy định hay không, lao động cần thực hiện như sau: Lao động chỉ nộp các khoản tiền cho Cty XKLĐ hoặc đơn vị được ủy quyền (Cty con, trung tâm, chi nhánh) khi ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài và theo những khoản tiền ghi trong hợp đồng.

Đồng thời lao động yêu cầu ghi rõ từng khoản tiền phải nộp và có hóa đơn, chứng từ có dấu của Cty XKLĐ hoặc đơn vị được ủy quyền.

Trường hợp, Cty XKLĐ yêu cầu lao động phải nộp một khoản tiền để làm thủ tục trước khi đi làm việc ở nước ngoài sau khi trúng tuyển (như tiền làm hồ sơ), làm thủ tục nhập cảnh (giấy phép, visa), vé máy bay, tiền môi giới và tiền ký quỹ (nếu có) thì lao động có quyền yêu cầu doanh nghiệp làm thỏa thuận trong đó cam kết về thời gian xuất cảnh và trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí.

Hướng dẫn (tại Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 8/10/2007) của Bộ LĐ-TB&XH) quy định giải quyết thanh toán tiền giữa Cty XKLĐ với lao động trong trường hợp lao động không đi làm việc ở nước ngoài, như sau:

Nếu lao động không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian Cty đã cam kết với lao động thì Cty phải trả hồ sơ cho lao động và lao động phải chịu các khoản chi phí mà doanh nghiệp đã chi (nếu có) để làm thủ tục cho lao động đi làm việc ở nước ngoài (gồm phí làm hồ sơ, khám sức khỏe, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, phí tài liệu học tập, ăn ở trong thời gian đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết, phí làm thủ tục nhập cảnh); nếu quá thời gian mà Cty cam kết vẫn chưa đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và lao động không có nhu cầu đi nữa thì doanh nghiệp phải hoàn trả cho lao động hồ sơ, các khoản chi phí đã nộp cho doanh nghiệp (gồm, phí làm hồ sơ, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết), phí làm thủ tục nhập cảnh (giấy phép lao động, visa), vé máy bay, tiền dịch vụ, tiền môi giới và làm thủ tục hoàn trả tiền ký quỹ cho lao động).

Hà Nội: Cục Quản lý Lao động Ngoài nước chỉ đạo các doanh nghiệp:

Chấm dứt liên kết với tổ chức, cá nhân không có chức năng XKLĐ

Sau loạt bài Rỉa tiền tỷ người nghèo, Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) có văn bản gửi các doanh nghiệp XKLĐ.

Văn bản này đặt vấn đề: Thời gian qua, một số doanh nghiệp XKLĐ ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân không có chức năng XKLĐ để tạo nguồn. Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng để tuyển, thu tiền và đưa lao động ra nước ngoài trái phép. Hiện, các cơ quan bảo vệ pháp luật đang điều tra, khởi tố và xử lý  một số cá nhân, tổ chức...

Theo đó, Cục Quản lý Lao động Ngoài nước yêu cầu các DN:  Trực tiếp tuyển lao động đưa đi nước ngoài làm việc theo các hợp đồng ký kết và được Cục Quản lý Lao động Ngoài nước chấp thuận; Thông qua ban chỉ đạo XKLĐ và các cơ quan chức năng có thẩm quyền của địa phương để tuyển chọn lao động; Chấm dứt hợp đồng liên kết với tổ chức, cá nhân không có chức năng XKLĐ trong tư vấn, tuyên truyền, tạo nguồn đi làm việc ở nước ngoài.

Hiện tượng DN có chức năng XKLĐ bắt tay trái phép, bán giấy phép… diễn ra nhức nhối thời gian gần đây, tạo ra nhiều kẽ hở cho kẻ xấu đục nước béo cò.

Văn bản kể trên của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước được các doanh nghiệp có uy tín trong XKLĐ đánh giá là tín hiệu tốt lành, tạo đà đẩy nhanh lành mạnh hóa, chuyên nghiệp hóa công tác tuyển lao động trong nước, hạn chế cò mồi và lừa đảo.

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.