Những chiếc máy "Made in Liên Mạc"

Thanh Ngân bên máy đóng vỏ kẹo lạc do mình sáng chế Ảnh: D.N
Thanh Ngân bên máy đóng vỏ kẹo lạc do mình sáng chế Ảnh: D.N
TP - Một thanh niên tàn tật ở ngoại thành Hà Nội có hàng chục sáng chế đang chờ được cấp bằng.

> Thất nghiệp nhưng vẫn tự chế ra… tàu ngầm

Đó là Kiều Thanh Ngân (SN 1985, xã Liên Mạc, Mê Linh, Hà Nội), con út trong gia đình có 5 anh em. Sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng sau vụ tai nạn lúc lên 5 tuổi, chân của Ngân bước đi không được bình thường.

Từ nhỏ Ngân đã đam mê sáng tạo và thường tự mày mò chế ra nhiều đồ chơi cho bạn bè. Nhà nghèo không có điều kiện mua sắm nên khi bạn bè, người làng vứt bỏ thứ gì, Ngân thường lượm về tháo tung ra và ngồi cả ngày tìm hiểu rồi tự lắp ráp lại.

“Mình thường bị bố mẹ trách mắng vì quá chăm chú vào việc tháo lắp đồ được xem là vô bổ mà quên cả ăn cơm, học hành”, Ngân nhớ lại.

Tốt nghiệp Khoa Điện tử, Trường Trung học công nghiệp III (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) năm 2005, nhưng do sức khỏe yếu, Ngân phải về quê phụ giúp bố mẹ việc nhà.

Xã Liên Mạc có nghề làm kẹo lạc từ lâu đời, nhưng bà con chủ yếu làm thủ công nên mất nhiều thời gian và năng suất thấp. Lúc đó máy đóng gói sản phẩm của Trung Quốc đã có mặt trên thị trường nhưng giá quá cao (120 triệu đồng/chiếc) nên các hộ dân làm kẹo lạc ở xã Liên Mạc không dám nghĩ tới.

Sau nhiều tháng trăn trở, Ngân đã có bản hồ sơ chế tạo máy đóng gói kẹo lạc Made in Liên Mạc. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, Ngân gặp nhiều khó khăn, nhất là về tài chính.

Sau một năm mày mò, tự bỏ tiền mua thiết bị, vật liệu cuối cùng chiếc máy đóng gói kẹo lạc của Ngân cũng ra đời. Với giá chỉ khoảng 3 triệu đồng, nhưng máy do Ngân chế tạo rất tiện dụng khi giúp bà con giảm thiểu được thời gian, tăng năng suất lao động gấp 5 - 10 lần.

Máy đóng gói kẹo lạc ra đời vào thời điểm lần đầu tiên tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật. Ngân mang sản phẩm đi dự thi và giành liền hai giải cao.

Thành công bước đầu khích lệ chàng trai tật nguyền. Ngân bắt đầu nghiền sáng chế. Năm 2010, trong một lần thấy trời mưa bão, cột điện có thể đổ bất cứ lúc nào, Ngân đã sáng chế hệ thống bảo vệ đường dây điện dân dụng khi gặp sự cố.

Ngân cho biết, trong điều kiện trời mưa bão nếu chẳng may dây đứt xuống sẽ gây nguy hiểm cho người qua lại trên đường và thực tế đã có không ít trường hợp người chết do bị điện giật khi đứt dây điện.

Thiết bị bảo vệ của Ngân được lắp ở cuối nguồn điện nên có ưu điểm là phản ứng nhanh nhạy với mọi sự cố trên hệ thống dây dẫn điện.

Do đó, chỉ cần một sợi dây điện bị đứt chưa kịp rơi xuống đất, hệ thống bảo vệ đã tự động ngắt điện, đảm bảo an toàn cho lưới điện và giảm thiểu thiệt hại.

Đó là hai trong số những sáng chế của Ngân. Gần đây do gia đình gặp nhiều khó khăn nên Ngân đang tập trung làm kinh tế, còn một số ý tưởng sáng chế khác sắp được ứng dụng vào thực tế.

“Quan trọng nhất là những sản phẩm mình tạo ra có thể áp dụng làm lợi cho bản thân, gia đình và bà con. Mình không làm để thỏa mãn thú vui”, Ngân chia sẻ.

Kiều Thanh Ngân đã được tham dự buổi giao lưu trực tuyến “Tôn vinh các nhà sáng tạo vĩ đại” do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức ngày 20- 4 vừa qua. Ngân giành giải Ba sáng tạo và một giải triển vọng dành cho thí sinh trẻ tuổi nhất của cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2005.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG