Những cô gái dệt nên huyền thoại

Những cô gái dệt nên huyền thoại
TPO - Tuổi trẻ các chị đã đi qua cuộc chiến khốc liệt vì khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Chiến công, lòng quả cảm đã dệt nên huyền thoại 11 cô gái sông Hương anh hùng.

Sau 41 năm kể từ lần đầu xung trận trong cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân, tập thể 11 cô gái sông Hương được vinh danh anh hùng.

Ký ức thời hoa lửa

Những cô gái dệt nên huyền thoại ảnh 1
Mười một cô gái sông Hương huyền thoại (ảnh tư liệu).

Ngôi nhà nhỏ tại con hẻm 131/1 đường Bà Triệu - Huế của chị Hoàng Thị Nở những ngày cuối tháng 4/2009 luôn ngập tràn niềm vui.

Vui vì những cô gái sông Hương năm xưa qua bao ngày xa cách vì hoàn cảnh cuộc sống sắp sửa được gặp nhau. Vui vì tiểu đội nữ du kích vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân đúng dịp kỷ niệm 34 năm giải phóng miền Nam. Trong 11 cô gái huyền thoại năm xưa, hơn một nửa nay không còn.

Chị Hoàng Thị Nở là một trong 11 cô gái sông Hương ngày ấy có vóc người nhỏ nhắn, đôi mắt thâm quầng do bệnh tật, vết thương chiến tranh thường xuyên hành hạ. Nhắc đến cuộc tiến công nổi dậy năm nào, đối với chị, tất cả như vừa xảy ra hôm qua.

Những cô gái dệt nên huyền thoại ảnh 2

Chị Hoàng Thị Nở. Ảnh : PV

Ngày ấy, theo hồi ức của chị, cả 11 cô gái tuổi đời đều còn rất trẻ, chỉ từ 17-22 tuổi, hợp thành tiểu đội dân quân, lấy tên dòng Hương đặt làm tên chung. Tiểu đội ra đời do yêu cầu phải nắm chắc địa bàn và các mục tiêu quan trọng của địch, bám mục tiêu xây dựng cơ sở, để chuẩn bị tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân-1968.

Tiểu đội đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông Hoàng Lanh - Chính uỷ cánh Đông ở Huế, được giao nhiệm vụ dẫn đường đưa bộ đội vào tấn công các mục tiêu quân sự của Mỹ ngụy phía bờ nam thành phố.

Lật giở từng tấm ảnh đen trắng được ép nhựa cẩn thận, chị Nở xúc động nhớ về ngày đầu cả nhóm trở thành nữ du kích, tập làm quen với súng ống, rồi đêm đầu tiên thức trắng nhận nhiệm vụ chuẩn bị đối mặt với kẻ địch tấn công Huế từ hướng Phú Bài.

Đáng nhớ nhất trong cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân, 11 cô gái sông Hương đã phối hợp bộ đội chủ lực đánh địch phản kích, diệt 120 lính Mỹ, bắn cháy 5 xe tăng... Tiểu đội nữ du kích còn tham gia vận chuyển lương thực, đạn dược, thuốc men cho tuyến trước đảm bảo công tác chiến đấu.

Không chiến hào, không công sự, 11 cô gái sông Hương vẫn anh dũng dàn trận trên các nẻo phố phường, lợi dụng nhà dân “xuất quỷ nhập thần” để đánh địch.

Sau 26 ngày đêm anh dũng chiến đấu, làm chủ thành phố Huế, bốn người trong tiểu đội nữ du kích sông Hương đã anh dũng ngã xuống. Chiến công hào hùng của 11 cô gái sông Hương được Bác Hồ gửi thư khen.

Sau cuộc tổng tấn tết Mậu Thân, những cô gái sông Hương còn lại tiếp tục cầm súng chiến đấu trên khắp chiến trường Thừa Thiên-Huế. Thêm hai chị hy sinh anh dũng là Đỗ Thị Cúc (vào năm 1969), Phạm Thị Liên (1972).

Điều ước giản dị

Tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện đã dựng bia tưởng niệm và ghi công 11 cô gái sông Hương tại đường Bà Triệu, phường Xuân Phú - TP Huế, cạnh SVĐ Tự Do, nơi gắn liền chiến công vang dội của những cô gái huyền thoại.

Tên của liệt sĩ Phạm Thị Liên, tiểu đội trưởng tiểu đội 11 cô gái sông Hương, cũng được đặt cho một con đường ở phường Kim Long.

Năm cô gái sông Hương chiến đấu đến ngày hòa bình, hiện còn sống là Hoàng Thị Nở, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Hợi, Chế Thị Mừng (đều tại Thừa Thiên-Huế). Riêng chị Nguyễn Thị Xê sống tại Ninh Bình. Tất cả đã ngoài 60 tuổi.

Nhớ về những ngày kề vai sát cánh bên nhau, nay mỗi người một nơi, chị Hoàng Thị Nở bồi hồi: “11 chị em từng chia nhau từng miếng cơm, manh áo. Giờ hòa bình, tuổi đã lớn, vết thương cũ hành hạ, rồi cuộc sống riêng mỗi gia đình, các chị ít có dịp gặp nhau”. Nhiều năm qua, các chị ấp ủ điều ước giản dị sẽ có ngày được hội ngộ bên nhau, được ra thăm lăng Bác, thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Mong ước hội ngộ của các chị đã thành hiện thực, Tỉnh Đoàn Thừa Thiên - Huế tổ chức buổi giao lưu với thế hệ trẻ toàn tỉnh vào ngày 28/4/2009, nhân kỷ niệm 34 năm giải phóng miền Nam và sự kiện tiểu đội 11 cô gái sông Hương vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân do Đảng, Nhà nước phong tặng.

MỚI - NÓNG