Những cô giáo trẻ ở trường cai nghiện

Những cô giáo trẻ ở trường cai nghiện
Nhiều cơ duyên đã đưa họ gắn bó tuổi thanh xuân của mình với những người nghiện ma túy ở những trung tâm bốn bề rừng núi.

Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của mỗi học viên là công việc hằng ngày của cô giáo Linh - Ảnh: ĐÌNH DÂN

Xế trưa, Trung tâm cai nghiện ma túy Bình Đức (thôn Bình Đức, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) lác đác bóng những học viên nam đầu trọc, mình trần với những vết xăm ngang dọc trên cơ thể. Cạnh đó, cô giáo Đặng Thị Ngọc Linh mải mê dọn dẹp khu đọc sách với hơn 6.000 đầu sách.

“Ngoài dạy văn hóa, xóa mù chữ cho học viên, mỗi ngày mình cùng các học viên lao động trên vườn điều, rừng cao su. Có lao động, có sống chung mới hiểu họ nghĩ gì và cần gì...”, Linh say mê kể về công việc.

Rời thành phố, quảy balô lên vùng núi đồi

Năm 2005 khi vừa tốt nghiệp đại học KHXH&NV TP.HCM, Linh quyết định lên vùng núi đồi ở Bình Phước, đến với những người nghiện ma túy - những người mà cô từng sợ sệt khi gặp họ dưới chân cầu, nơi góc đường xung quanh khu vực cô sinh sống.

Ngày biết Linh quyết định rời phố xá lên Bình Phước, nhiều người dân ở con hẻm nghèo thuộc phường 15, quận 8, TP.HCM nơi Linh sống đều ngạc nhiên, ba mẹ Linh thì một mực ngăn cản. Khu vực Linh sống là một điểm “nóng” về tệ nạn ma túy. Cô từng sợ xanh mặt khi cứ đi ra đoạn đường gần nhà, chỗ cây cầu lại thấy những người đứng ngồi tiêm chích ma túy.

“Lần đầu thấy họ tôi sợ không dám đến gần. Đến khi biết vài người trong số họ là bạn, là hàng xóm của mình, tôi suy nghĩ rất nhiều”. Từ đó Linh trăn trở làm sao để kéo những con người ấy ra khỏi vũng lầy ma túy? Linh ra trường, cùng lúc đó Sở LĐ-TB&XH TP.HCM thông báo có đợt tuyển người cho các trung tâm cai nghiện ma túy. Linh đã theo xe của sở lên các trung tâm để tham quan và cơ duyên với nghề bắt đầu từ đây.

Những ngày đầu mới lên trung tâm, bốn bề là núi rừng, học viên nào cũng thấy... ngầu, nhiều đêm Linh khóc đẫm gối. Đặc thù công việc ở các trung tâm cai nghiện là phải làm việc 24/24, với người làm công tác giáo dục cũng không ngoại lệ. Một ngày của cô giáo Linh là dạy văn hóa cho học viên, rồi cùng học viên lao động trên các nương rẫy... Cứ mỗi tuần ba đêm, từ 1g30-3g sáng Linh lại cùng đồng nghiệp tuần tra xung quanh khu vực trung tâm để đảm bảo an ninh.

Học viên Đào Văn Vĩnh, người đã ở Trung tâm cai nghiện Bình Đức được 21 tháng, kể: “Ở đây ai cũng quý cô Linh. Cô giúp anh em học văn hóa, tham vấn những điều anh em thắc mắc, thậm chí an ủi, động viên những lúc chúng tôi chán nản”. Ông Đỗ Văn Quyết, giám đốc Trung tâm cai nghiện ma túy Bình Đức, cho biết: “Năm 2010, Bộ LĐ-TB&XH đã trao bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục học viên cai nghiện cho Linh”.

Nhưng có lẽ điều vui nhất với Linh là trong những lứa học viên được xóa mù chữ, được tạo công ăn việc làm sau cai nghiện có những người là hàng xóm của Linh ở con hẻm nghèo. Theo Linh, đó là những đáp án đầu tiên cho những thắc mắc ngày nào và cũng là động lực giúp Linh gắn bó với nơi đây.

Người chị cả ở “khu vươn lên”

Cô giáo Bùi Thị Thương đang làm công tác quản lý học viên tại khu nữ hay còn gọi là “khu vươn lên”, thuộc Trung tâm Giáo dục chữa bệnh xã hội Phú Văn. Đây là một khu đặc biệt với khoảng 100 học viên nữ (phần lớn là những người tái nghiện), được coi là khu vực có nguy cơ lây nhiễm các bệnh cơ hội cao nhất trong các trung tâm. Thế nhưng khi đi dạy học, hướng dẫn học viên lao động trên nương rẫy rất khó phân biệt đâu là cô Thương, đâu là học viên.

Những cô giáo trẻ ở trường cai nghiện ảnh 1

Cô giáo Bùi Thị Thương (bìa phải) cùng lao động với học viên ở “khu vươn lên” - Ảnh: ĐÌNH DÂN

“Ở cô có sự gần gũi và hòa đồng như người chị cả vậy. Sự hòa đồng của cô làm chúng tôi không còn thấy khoảng cách và muốn sống có ý nghĩa hơn trong những ngày còn lại...” - một nữ học viên tâm sự.

Vào trung tâm làm được ba năm, Thương lập gia đình với một người làm công tác an ninh trật tự ở đây. Nhưng do đặc thù công việc, lại làm lệch ca nên hai vợ chồng ít khi có thời gian riêng tư.

Thương tính: “5g30 sáng mình có mặt ở khu đến 11g trưa về phòng, 13g lên lại, đến 18g đi dạy cộng đồng, những hôm trực đêm thì ở lại khu luôn không về. Tính ra mỗi tháng vợ chồng mình chỉ có năm ngày ở bên nhau”.

Con gái đầu lòng của anh chị sinh ra tại trung tâm, nhưng cả nhà chỉ được ở bên nhau đến khi bé tròn 1 tuổi. Vì công việc, anh chị phải gửi con về quê tận Thái Bình cho bà ngoại chăm sóc.

“Ngày nào con tôi cũng điện thoại vào nói chuyện với bố mẹ. Nhiều khi nghe tiếng con mà rơi nước mắt, nhưng nghĩ đến công việc, đến học viên mình lại dặn lòng quyết tâm, cố gắng”, Thương tâm sự.

ĐÌNH DÂN

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG