Những cô nàng “valy hiệu”

Những cô nàng “valy hiệu”
“Người yêu tôi là một đại gia. Song chúng tôi chỉ gặp nhau khi thèm cảm giác được chiều chuộng từ người khác giới. Cả hai đều không muốn hy sinh nghề nghiệp của mình cho chuyện tình cảm vốn mang nhiều rủi ro...", 1 cô nàng “valy hiệu” cho biết.

Cụm từ “valy hiệu” đã ra đời với ám chỉ ngầm về những cô gái trí thức, sành điệu, hiểu biết và có thêm một điểm chung là sẵn sàng trở thành "trợ thủ" đắc lực của các đại gia, trong cả công việc và cuộc sống.

“Hẹn hò với những người đàn ông mà không cần quan tâm đến mục đích hôn nhân cũng như gửi tiền qua mạng, rủi ro cao nhưng thủ tục đơn giản, nhanh gọn”, Dương, nhân viên của một tập đoàn đa quốc gia hóm hỉnh.

Kim, 25 tuổi, vốn là thủ khoa của Đại học Ngoại Thương, đang làm việc trong một công ty của Mỹ. Cô chủ trương: Chỉ yêu, không kết hôn.

Bồ của cô là ông tổng giám đốc đang trực tiếp quản lý cô. Với quan điểm thoáng, cá tính mạnh mẽ, quan niệm yêu đương của Kim rất sòng phẳng: Trong giờ làm việc, cùng kết hợp thật ăn ý; hết giờ làm việc hoặc cuối tuần cùng nhau đánh ô tô đi chơi golf, tennis tiền ai nấy tiêu, thân ai nấy lo.

Từ ngày yêu, Kim không một lần đả động đến chuyện kết hôn và người yêu cô cũng không có ý định như vậy. Gần đây, anh ta chuẩn bị cưới một cô gái trẻ, song Kim không lấy đó làm phiền lòng.

Cô rất tự tin: Anh lấy vợ là chuyện của anh. Còn một ngày, nếu cô không buông tay thì anh không thể rời được. Bởi, trong công việc cũng như trong tình yêu với cô, anh ta không phải lo bất cứ cái gì.

Cô không chỉ là một cộng sự đắc lực trong việc điều hành các dự án của công ty, là cánh “tay phải” mà còn là nhà tư vấn tài chính khá tài ba giúp anh điều hành công ty “tay trái”. Đổi lại, “hợp tác tình cảm” với anh ta, việc thăng tiến và các bổng lộc của cô trong sự nghiệp cũng rất thuận tiện.

Trường hợp của Dương cũng vậy. Đang làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia, tổng thu nhập của cô lên đến gần 1.000 USD. Cô nói:

“Người yêu tôi cũng là một đại gia, theo cách gọi của mọi người. Song chúng tôi chỉ gặp nhau khi thèm cảm giác được chiều chuộng từ người khác giới.

Cả hai chúng tôi đều không muốn hy sinh những phấn đấu nghề nghiệp của mình cho chuyện tình cảm vốn mang nhiều rủi ro, nay yêu, mai bỏ. Tôi thích sự ổn định và sự thăng tiến đều đặn trong sự nghiệp hơn.

Tôi yêu anh vì anh là một người đàn ông thực sự giỏi. Tôi có thể học hỏi ở anh nhiều điều, nhưng ở nhà thổi cơm chờ anh đi làm về thì tôi không làm được. Còn anh thì không bao giờ đòi hỏi ở tôi điều gì cả”.

Hương thì khác, 26 tuổi, đang làm việc cho một ông chủ Nhật Bản. Cô luôn cho rằng, yêu là một sự “hợp tác” bình đẳng. Quan niệm người đàn bà ngồi trong mái nhà mới được xem là hạnh phúc của người Trung Hoa và của người Việt xưa bị cô gạt phắt. Thế nên, người đàn ông mà cô chọn để tiến hành hợp tác là một người đàn ông đã ly dị vợ, chủ một doanh nghiệp cỡ lớn.

Ngoài công việc chính của mình, vào các ngày cuối tuần, cô thường cùng người yêu chu du khắp các chi nhánh ở tỉnh. Vừa là để làm việc, vừa là để vui chơi, thăm thú các danh thắng đồng thời bổ sung kiến thức mới ở các lĩnh vực mới.

Cô có một ngôi nhà riêng. Bình thường cô sống cùng “chồng không cưới” của mình tại nhà của ông. Khi nào cảm thấy cần, cô tự ý trở về nhà mình để lấy lại khoảng trời riêng. Cô và người yêu cam kết: Cả hai không xâm phạm tự do của nhau.

Những cô gái như Dương, Hương và Kim đang được một bộ phận giới trẻ xem như những biểu tượng của nếp sống mới: Tự do và năng động. Giấc mơ của các cô không phải là một mái ấm gia đình truyền thống mà là những ngày tháng sống cho bản thân với quá trình phấn đấu, học tập, làm việc và hưởng thụ không ngừng.

Không còn cái thời, các đại gia phải gồng mình “bao sân” cho các em sinh viên trẻ đẹp hay những người mẫu chân dài. Thế hệ nữ giới 7X và 8X sành điệu, trình độ cao đang là đích nhắm cho các ông lớn.

Tả xung hữu đột cùng người yêu trong công việc và tay trong tay trong những chuyến du ngoạn bốn phương trời. Xem ra, những cuộc tình này còn bền vững hơn chuyện tình của các đại gia với các em sinh viên trẻ đẹp nhưng “yếu ớt”.

Còn lại gì sau giấc mơ về những thăng tiến trong nghề nghiệp cũng như các thú vui trong cuộc sống? Điều mà hầu hết những cô gái trẻ thuộc tuýp “valy hiệu” đều hiểu và thấm thía là sự cô đơn đến lạnh người.

Một nhà tâm lý người Pháp nào đó đã nói, khi người phụ nữ đạt đến đỉnh cao của danh vọng, khi đã ngấm hơi lạnh của quyền lực và tiền bạc cô ta sẽ thấy sự ấm áp của gia đình và sự chia sẻ của người bạn đời quan trọng đến mức nào.

Hơn ai hết, những người phụ nữ trí thức này hiểu rõ, cuộc vui nào rồi cũng sẽ có lúc tàn. Tuy nhiên, để an phận, bằng lòng với cuộc sống truyền thống thì cả Kim, Hương, Dương đều nhất trí rằng họ sẽ không bao giờ chấp nhận.

Kim cho biết: “Bạo hành về tinh thần, thể xác hay đơn giản là vòng quay luẩn quẩn bất hạnh của quan hệ vợ chồng bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ ập đến. Sự già nua của tuổi tác là không thể tránh khỏi. Tôi không thể lãng phí tuổi thanh xuân bên chiếc chảo chống dính của gian bếp chật hẹp.

Nếu muốn có con, tôi sẽ đi thụ tinh nhân tạo. Những năm tháng say mê làm việc sẽ cho tôi một tuổi già tươm tất. Cũng có lúc tôi thấy cuộc sống tình cảm của mình không có mục đích, lý tưởng. Thậm chí nó là sự giải trí phi nghĩa. Nhưng để lao vào vòng quay của gia đình thì tôi không đủ kiên nhẫn”.

Còn Dương thì lại khác, cô tự thấy: “Tôi không yêu một cách toàn tâm toàn ý thì tôi sẽ không có tư tưởng sở hữu, không lo lắng, không ghen tuông. Chỉ đơn giản là yêu, yêu một cách không ràng buộc, dựa trên sự hợp tác, bình đẳng đôi bên cùng có lợi, như thế nhẹ nhàng hơn nhiều.

Nhiều khi nhìn những người bạn đồng trang lứa hạnh phúc bên người chồng của họ tôi cũng thấy chạnh lòng. Song, thực tâm, tôi không muốn đánh đổi và hy sinh cả cuộc đời mình vào một phi vụ tình cảm vốn mang tính rủi ro rất cao”.

Dường như, đằng sau những giấc mơ về nếp sống thoáng, độc lập không ràng buộc và những hoài bão trong nghề nghiệp của những cô gái trẻ này, sự sợ hãi và lo lắng vẫn lẩn quẩn.

Dù rất mơ hồ nhưng những người được phỏng vấn đều đồng ý là khi trở thành một chiếc “valy hiệu” cho các đại gia, các cô cũng không tránh khỏi thiệt thòi.

Nhưng “cuộc sống không cho ai điều gì trọn vẹn, chúng tôi buộc phải lựa chọn và chấp nhận”, tâm sự của một người trong cuộc âu cũng là lời khẳng định thẳng thắn về một lối sống đang hiện hữu trong giới trí thức trẻ thành đạt.

Theo Thời Trang Trẻ

MỚI - NÓNG