Những điều cần chuẩn bị khi phỏng vấn

Những điều cần chuẩn bị khi phỏng vấn
Trước khi gặp ứng viên, bạn hãy liệt kê tất cả các kỹ năng của ứng viên cần phải có để đáp ứng các yêu cầu của vị trí tuyển dụng trong công ty bạn, ở thời điểm hiện tại và cả trong tương lai.
Những điều cần chuẩn bị khi phỏng vấn ảnh 1
Không nên tỏ thái độ xa cách với các ứng viên.

Cần xem xét không chỉ các kỹ năng chuyên môn mà còn những kỹ năng hỗ trợ khác như: khả năng thích ứng nhanh với môi trường làm việc, khả năng giao tiếp… của ứng viên.

Dựa vào bản liệt kê này, hãy chuẩn bị những câu hỏi nhằm nắm bắt những thông tin quan trọng. Điều đó là cơ sở cho việc bạn có quyết định tuyển dụng ứng viên đó hay không.

Ví dụ như bạn cần một người cho vai trò là người lãnh đạo thì câu hỏi có thể là: “Hãy chia sẻ một vài kinh nghiệm trong việc dẫn dắt một đội ngũ mà trong đó tồn tại rất nhiều những mâu thuẫn nội bộ. Bạn sẽ làm thế nào để tạo nên tinh thần đồng đội nếu bạn đảm nhiệm vị trí đó?”.

Hãy nghĩ đến những vấn đề đang tồn tại ở công ty bạn, tổng hợp chúng thành những tình huống đặt ra cho các ứng viên, qua đó đánh giá họ có thể giải quyết các vấn đề đó đến mức độ nào.

Linh hoạt trong bố trí các cuộc hẹn

Sắp xếp linh hoạt thời gian phỏng vấn theo đề nghị của ứng viên. Một số ứng viên có thể sẽ không sắp xếp được thời gian để tham dự phỏng vấn đúng như theo yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Nếu bạn muốn tìm được người giỏi nhất cho vị trí mà bạn đang cần , hãy kiên nhẫn và linh hoạt trong việc bố trí lịch hẹn phỏng vấn.

Dẫn dắt cuộc phỏng vấn

Sau đây là một vài kinh nghiệm dành cho phỏng vấn viên khi ứng xử trong phỏng vấn.

- Không để các ứng viên chờ đợi quá lâu trước khi được phỏng vấn,

- Không nên có thái độ xa cách, lạnh lùng, ngay cả khi bạn là ông chủ,

- Không độc diễn khi phỏng vấn. Một nguyên tắc hiệu quả là hãy để 80% thời gian để các ứng viên tự nói về bản thân và các mục tiêu nghề nghiệp của họ

- Mỉm cười và tạo cho ứng viên tâm lý thoải mái, cho dù bạn đã có một ngày làm việc tồi tệ đi chăng nữa.

- Nhớ tên của người mình sẽ dự định phỏng vấn vì có như vậy mới tạo cho các ứng viên hiểu rằng bạn đang thực sự quan tâm đến họ.

- Chăm chú lắng nghe ứng viên bộc lộ mình

- Nếu ứng viên không hiểu câu hỏi của bạn, hãy nhắc lại một cách rõ ràng hơn.

Kết thúc phỏng vấn

Đừng quên hỏi các ứng viên xem họ có muốn hỏi điều gì về công ty hoặc công việc không.

Hãy đảm bảo rằng ứng viên sẽ rời khỏi nơi phỏng vấn với một tâm trạng thoải mái, bởi vì rất có thể một ngày nào đó họ sẽ trở thành người phỏng vấn chính bạn .

Theo Jobsvietnam.com

MỚI - NÓNG