Tài liệu tham khảo cuộc thi tìm hiểu “75 năm lịch sử vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”:

Những đoàn viên cộng sản đầu tiên (Kỳ 2)

Những đoàn viên cộng sản đầu tiên (Kỳ 2)
Từ những năm 1924 đến 1926, phong trào yêu nước của nhân dân ta, đặc biệt là của tuổi trẻ có sự bùng phát gây cho bọn thực dân và phong kiến không ít hoang mang, lo sợ.

Tiếng bom Sa Diện mưu sát toàn quyền Đông Dương Méc Lanh (Merlin) của người thanh niên yêu nước Phạm Hồng Thái tuy không thành nhưng như Trần Dân Tiên nhận định: “Nó báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc như chim én nhỏ báo hiệu mùa xuân”.

Tháng 6/1925, Nguyễn ái Quốc sáng lập ra Hội cách mạng thanh niên Việt Nam (trước đây gọi là “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội”), tổ chức tiền thân của Đảng ta. Đây là sự kiện quan trọng trong lịch sử của Đảng và dân tộc. Trường huấn luyện chính trị do chính Người chủ trì cùng các đồng chí cộng sự Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn... ra đời thu hút nhiều lớp thanh niên yêu nước vượt biên giới đến học rồi trở về nước hoạt động, xây dựng tổ chức.

Với cương vị là người theo dõi phong trào cách mạng các nước châu á, Nguyễn Ái Quốc biết được lúc này ở vùng Đông Bắc Thái Lan đang có nhiều đồng bào ta do bị thực dân Pháp khủng bố phải lánh sang nước bạn. Họ là những người yêu nước từng tham gia hoặc ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp do các sĩ phu lãnh đạo. Họ luôn canh cánh trong lòng tinh thần phục quốc, họ mở trường học cho con em, mời các thanh niên từng “Đông Du” ở Nhật về dạy.

Mùa hè năm 1926, Nguyễn Ái Quốc, lúc này mang bí danh là Lý Thụy cử Hồ Tùng Mậu, người đồng chí thân thiết của mình trở lại Thái Lan chọn một số thiếu niên con em các gia đình yêu nước đưa sang Quảng Châu đào tạo nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng Thanh niên cộng sản đoàn. Đến Thái Lan, Hồ Tùng Mậu liên lạc được với cụ Tú Đặng tức Đặng Thúc Hứa, một sĩ phu chủ chốt trong “Quang phục Hội” truyền đạt ý kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Việc lựa chọn được thực hiện rất thận trọng, duy có một học sinh làm mọi người băn khoăn vì còn nhỏ tuổi quá (mới 12). Song cuối cùng, xét về cả tư chất và thân nhân, Hồ Tùng Mậu quyết định đưa vào danh sách. Đó chính là Lê Hữu Trọng.

Nhóm thiếu niên học sinh đầu tiên người Việt từ Đông Bắc Thái Lan đến Quảng Châu rất sung sướng, vui mừng được gặp ngay đồng chí Lý Thụy. Đúng hơn, đây có thể coi là một cuộc “đoàn tụ” giữa những người thân trong gia đình. Để đảm bảo tính hợp pháp và nguyên tắc bí mật, cả nhóm có bí danh và đều mang họ Lý.

Đó là: Lê Hữu Trọng mang bí danh Lý Tự Trọng; Đinh Chương Long mang bí danh Lý Văn Minh; Vương Thúc Thoại mang bí danh Lý Thúc Chất; Hoàng Tự mang bí danh Lý Anh Tự (có lúc đọc lệch là Tợ); Ngô Trí Thông mang bí danh Lý Trí Thông; Ngô Hậu Đức mang bí danh Lý Phương Đức (nữ); Nguyễn Thị Tích mang bí danh Lý Phương Thuận (nữ); Nguyễn Sinh Thản mang bí danh Lý Nam Thanh.

>>Kỳ 1 - Tìm về nguồn cội

(Kỳ sau: 3 – Kế hoạch đào tạo lâu dài)

MỚI - NÓNG