Tài liệu tham khảo cuộc thi tìm hiểu “75 năm lịch sử vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”:

Những đoàn viên cộng sản đầu tiên - kỳ 6

Những đoàn viên cộng sản đầu tiên - kỳ 6
Tại hội nghị hợp nhất thành lập Đảng tháng 2/1930 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, Người và các đại biểu đặc biệt quan tâm đến công tác vận động thanh niên.

Tại hội nghị hợp nhất thành lập Đảng tháng 2/1930 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, Người và các đại biểu đặc biệt quan tâm đến công tác vận động thanh niên. Cùng với việc thông qua Chính cương, sách lược vắn tắt, Điều lệ Đảng, hội nghị đã thông qua Điều lệ Thanh niên cộng sản Đoàn.

Trong Điều lệ của Đảng ghi một điều quan trọng: “Người dưới 21 tuổi phải vào Thanh niên cộng sản Đoàn”. Hội nghị còn nêu rõ trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với công tác xây dựng Đoàn.

Quán triệt tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và của Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng, tháng 10/1930, hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất đã thảo luận và thông qua một văn kiện mang ý nghĩa lịch sử mở ra thời kỳ mới trong quá trình xây dựng tổ chức Đoàn.

Đó là “Án nghị quyết về cộng sản thanh niên vận động”. “Án nghị quyết” đã chỉ rõ nhiệm vụ cần kíp của tất cả các đảng viên cộng sản bằng một câu khẳng định như sau: “... Phải làm cho hết thảy đảng viên hiểu rằng công việc thanh niên cộng sản Đoàn là một việc cần kíp, quan trọng như việc Đảng vậy...”.

Ngày 20/4/1931, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta nhận được một bức thư quan trọng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở nước ngoài gửi về trong đó Người nhắc nhở Trung ương về việc phải khẩn trương xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn.

Đặc biệt, trong thư Người đã thông báo cho Trung ương biết số lượng đoàn viên trong cả nước đến lúc ấy là 942 đồng chí (trừ hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đang bị địch khủng bố ác liệt sau khi bùng nổ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh - chú thích của người viết).

Cuối thư Người chỉ thị: “Tôi đề nghị cần kíp nhất là thống nhất Thanh niên cộng sản Đoàn... làm cho họ có sinh hoạt độc lập”. Ý kiến chỉ đạo của lãnh tụ rất phù hợp và thống nhất với chủ trương của Trung ương về quá trình xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn, làm tăng thêm tầm quan trọng, tính khẩn trương của vấn đề.

Vào mùa xuân năm 1931, ở thời điểm từ ngày 20 đến ngày 26/3/1931, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta tiến hành hội nghị lần thứ 2. Tại hội nghị này Trung ương đã dành nhiều thời gian trong những ngày cuối để thảo luận và tiếp tục có những quyết định quan trọng về công tác thanh vận như chính thức chỉ định một đồng chí trong Ban Thường vụ trực tiếp phụ trách công tác vận động thanh niên.

Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ hai vạch rõ: “...lập tức các Đảng bộ địa phương phải mau mau tổ chức ra Đoàn, đốc xuất chi bộ tổ chức cơ quan báo chương về việc vận động của Đoàn...”.

Trước đây, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ nhất (2/1950) quyết định lấy ngày 20/4 hàng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đoàn. Đó là ngày ra đời của Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam.

Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ ba (1961), Ban Bí thư Trung ương Đoàn (khóa II) quyết định thành lập Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Đoàn trực thuộc Trung ương Đoàn nhằm từng bước làm sáng rõ những vấn đề quan trọng trong lịch sử Đoàn và phong trào thanh niên nước ta trong đó có việc xác định một cách khách quan, khoa học thời điểm ra đời của Đoàn phù hợp với thực tiễn lịch sử.

Được Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Bác Hồ cho phép, theo đề nghị của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ ba họp từ ngày 22 đến 25/3/1961 đã thảo luận và biểu quyết lấy ngày 26/3/1931, một ngày trong thời gian cuối của hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai làm ngày kỷ niệm thành lập Đoàn hàng năm đúng với thực tiễn lịch sử đã diễn ra.

>>Những đoàn viên cộng sản đầu tiên (Kỳ 5)

>> Những đoàn viên cộng sản đầu tiên (Kỳ 4)

>>Những đoàn viên cộng sản đầu tiên (kỳ 3)

>>Những đoàn viên cộng sản đầu tiên (Kỳ 2)

>>Những đoàn viên cộng sản đầu tiên (Kỳ 1)

MỚI - NÓNG